Sự kỳ diệu của y học hiện đại
Vài năm trước, trong các sự kiện hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện (BV) Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, số người tham dự thường không kín hết phòng họp lớn, vậy mà nay, cả 2 tầng không có chỗ chen chân. Đặc biệt, ở hội thảo nhân 10 năm Khoa Hỗ trợ sinh sản của BV diễn ra sáng nay, 29/5, rất nhiều đấng “mày râu” cũng có mặt - điều những năm trước rất ít có. Đa phần họ không còn trẻ. Mong muốn có con dâng lên trong ánh mắt âu yếm của họ khi ngắm nhìn các em bé tung tăng vui chơi bên các ông bố bà mẹ từng hiếm muộn.
Hội thảo còn là cuộc hội ngộ của hàng trăm cặp vợ chồng từng điều trị hiếm muộn thành công tại BV. 10 năm qua, đã có hàng chục nghìn ca đến đây khám và điều trị. Đã có hàng nghìn em bé chào đời từ các phương pháp hỗ trợ sinh sản, trong đó, nhiều trường hợp thành công rất ngoạn mục.
Gia đình anh Đạt chị Hà |
Anh Trần Khắc Đạt (Đoan Hùng, Phú Thọ) bế con gái Trần Ngọc Phương Diễm trên tay với nụ cười hạnh phúc tột cùng. 23 năm trước, anh bị quai bị biến chứng và không có con được nữa. Hạnh phúc gia đình tan vỡ, anh tái duyên với cô giáo Tống Thị Thu Hà. “Tôi đọc trên mạng, tìm các thông tin về căn bệnh hiếm muộn và động viên chồng tìm đến BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Rất nhiều khó khăn với chúng tôi khi cả 2 đều tuổi đã không còn trẻ, nhưng với mong muốn có con mãnh liệt, chúng tôi đều nỗ lực. Và rồi, với phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro TESE..., chúng tôi đã có một nàng công chúa nhỏ ra đời trong niềm hạnh phúc vô bờ.” - Chị Thu Hà xúc động kể và cho biết thêm, với số phôi đã đặt còn dư, anh chị dự định có thêm em bé nữa trong năm tới.
Câu chuyện của gia đình chị Đỗ Thị Thu – anh Ma Minh Ngọc ở Nam Định cũng như một điều kỳ diệu. Anh Ngọc mắc hội chứng Klinefelter (nam giới mắc hội chứng này có một cặp nhiễm sắc thể giới tính X thay vì chỉ có một nhiễm sắc thể X, có bộ nhiễm sắc thể (NST) 47XXY (bình thường là 46XY) với đặc trưng là suy sinh dục, rối loạn nội tiết, tinh hoàn teo nhỏ, khả năng sinh tinh kém hoặc không sinh tinh) tưởng chừng không thể có con. Nhưng, nhờ được can thiệp phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro TESE tại BV và thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) với trứng của vợ, cuối cùng, vợ chồng anh đã hạnh phúc đón bé sau nhiều năm nỗ lực chạy chữa.
Ths.BS. Lê Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc BV kiêm Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản - bên những "thành quả" của mình |
Gia đình chị Nguyễn Thị Huệ - anh Hà Khánh Cương ở Thái Nguyên không may khi cả 2 vợ chồng đều mang gen Thalassemia, nên khả năng sinh con tự nhiên sẽ mắc bệnh do di truyền từ bố mẹ là rất cao. Nhưng anh chị đã tìm đến bác sĩ và được tư vấn thực hiện TTTON, đồng thời áp dụng chẩn đoán di truyền tiền làm tổ trước chuyển phôi. Nhờ đó, cháu bé ra đời khoẻ mạnh, không mang gen bệnh của bố mẹ.
Cặp vợ chồng anh chị Phạm Thị Bích - anh Nguyễn Quốc Hưng ở Lai Châu đã có 13 năm ròng “tìm con” với rất nhiều trăn trở. Nhưng được can thiệp các kỹ thuật hiện đại, ngôi nhà của anh chị đã vang lên tiếng cười của con trẻ.
Hiếm muộn có xu hướng gia tăng
Việt Nam hiện có gần 10% cặp vợ chồng bị hiếm muộn, tức là khoảng 1 triệu cặp vợ chồng bị hiếm muộn cần được điều trị. Đây là những con số mới nhất Bộ Y tế cho biết. Theo GS.TS. Trần Thị Phương Mai -Bộ môn Sản phụ khoa Trường Đại học Y khoa Hà Nội - đáng lo ngại khi tỷ lệ vô sinh hiện nay đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Một nghiên cứu cũng chỉ ra, khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh ở độ tuổi dưới 30.
Những con số này cho thấy, việc điều trị hiếm muộn thành công có ý nghĩa rất quan trọng. BS.CKII. Nguyễn Khắc Lợi – Giám đốc BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội – cho biết, tỷ lệ điều trị cho các cặp đôi hiếm muộn ở BV thành công cao, trung bình từ 65 - 70%, nhờ áp dụng phác đồ điều trị và can thiệp y khoa thích hợp.
Rất đông người hiếm muộn có mặt, phản ánh phần nào nhu cầu điều trị căn bệnh này là rất lớn |
Một số kỹ thuật hiện đại được BV triển khai đã mang đến cơ hội có con cho ngày càng nhiều các cặp vợ chồng hiếm muộn, như phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro TESE trong điều trị hiếm muộn nam. Đây là phương pháp can thiệp sâu để bác sĩ bóc tách từng mô tinh hoàn, tìm tinh trùng để làm TTTON. Kỹ thuật này thường được chỉ định cho các trường hợp các trường hợp nam giới vô sinh không tắc nghẽn do những nguyên nhân như: Teo tinh hoàn do quai bị, hội chứng Sertoli, hội chứng sinh tinh giữa chừng, các bất thường về gen (hay gặp nhất là đột biến mất đoạn gen AZF trên nhiễm sắc thể Y), bất thường về nhiễm sắc thể (hội chứng Klinefelter). Có rất nhiều bệnh nhân vô tinh từng làm các kỹ thuật PESA, TESE không tìm thấy tinh trùng đã thành công nhờ Micro TESE.
Một kỹ thuật khác cũng được BV áp dụng thành công là bơm Gel chống dính vào buồng tử cung sau phẫu thuật kết hợp với liệu pháp hormone. Kỹ thuật này giúp cải thiện đáng kể hiện tượng tái dính sau phẫu thuật, tỷ lệ thành công cao, lên tới 70% - 80% (không dính buồng tử cung sau phẫu thuật), mở ra nhiều cơ hội có con cho các cặp vợ chồng vô sinh – hiếm muộn.
Niềm vui sau những năm tháng dằng dặc điều trị bệnh hiếm muộn của một gia đình |
Hệ thống nuôi cấy và theo dõi phôi tự động (Timelapse) tích hợp trí tuệ nhân tạo cho phép thu thập hình ảnh phôi trong tủ cấy phôi, không bị gián đoạn khi đang nuôi cấy mà vẫn có hình ảnh của toàn bộ quá trình, giúp đánh giá chính xác chất lượng phôi và lựa chọn những phôi tốt nhất để chuyển.
Còn Siêu âm 5D giúp phát hiện sớm các dị tật bất thường nhằm sớm can thiệp, bảo toàn sức khoẻ cho thai nhi.
Tại hội thảo, BV đã tổng kết “Tuần lễ Vàng Ươm mầm hạnh phúc 2022”- một hoạt động thường niên nhằm giảm gánh nặng kinh tế cho các cặp vợ chồng hiếm muộntrong quá trình chữa trị.
Theo Ths.BS. Lê Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc BV kiêm Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản - BV duy trì miễn phí 10 ca TTTON cho các gia đình hiếm muộn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng thời,miễn phí hàng ngàn suất khám, siêu âm không giới hạn số lần; xét nghiệm tinh dịch đồ; chụp tử cung vòi trứng cho các cặp vợ chồng; giảm 20% chi phí xét nghiệm cận lâm sàng vv…
“Hơn ai hết, chúng tôi cũng hiểu rõ gánh nặng chi phí của các cặp vợ chồng trong quá trình điều trị lâu dài. Do đó, ngoài nỗ lực trong công tác chuyên môn, chúng tôi luôn cố gắng để giúp đỡ các cặp vợ chồng rút ngắn thời gian trên hành trình tìm kiếm con yêu.” – Bà Hiền cho biết.