Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ hải hành xuyên qua Biển Đông |
Trung Quốc đã thẳng thừng bác bỏ việc cho phép cụm tác chiến tàu sân bay USS John C. Stennis ghé vào Hong Kong như thường lệ. Đây là lần đầu tiên trong gần một thập kỷ qua, Trung Quốc “cấm cửa” mẫu hạm Mỹ.
Động thái trên diễn ra chỉ hai tuần sau kh bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter tận dụng chuyện chuyến thăm tàu sân bay Stennis để chỉ trích yêu sách chủ quyền ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu như toàn bộ Biển Đông và đã ráo riết bồi lấp, xây dựng một loạt đảo nhân tạo với các đường băng và hải cảng dùng cho mục đích quân sự, hòng củng cố yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.
Việc không cho tàu sân bay Stennis vào Hong Kong rõ ràng là một sự đáp trả và thách thức trực tiếp đối với chuyến thăm của ông Carter, chuyên gia Grant Newsham thuộc Diễn đàn Nhật Bản về nghiên cứu chiến lược ở Tokyo nhận xét. “Theo quan điểm của Trung Quốc, Mỹ không có việc gì ở Biển Đông, ngoại trừ trên đường ngang qua để đi đâu đó. Như cách nhìn của Trung Quốc, Mỹ không tuân theo quy định của Trung Quốc tại khu vực lãnh thổ này của Bắc Kinh, vì thế không có lý do gì mời hải quân Mỹ ghé vào Hong Kong”, ông Newsham, nguyên sĩ quan thủy quân lục chiến Mỹ nói.
Nhiều nước bao gồm cả đồng minh có ký hiệp ước an ninh với Mỹ là Philippines đang có tranh chấp ở Biển Đông và phản đối quyết liệt hành động của Trung Quốc. Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng các đảo nhân tạo mới xây dựng để ngăn trở lưu thông hàng hải và hàng không trong khu vực.
Ông Bill Urban, phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ tại Washington cho biết, quan chức Mỹ tại Hong Kong được chính quyền Trung Quốc thông báo từ chối không cho tàu sân bay Stennis và 4 tàu hộ tống vào Hong Kong từ ngày 3 đến 8/5 mà không nêu lý do. Theo ông Urban, chiến hạm Mỹ thường xuyên ghé Hong Kong và mới chỉ bị từ chối hai lần kể từ khi Trung Quốc tiếp quản Hong Kong vào năm 1997.
USA Today nhận định, căng thẳng trên Biển Đông có thể leo thang trong những tuần sắp tới. Tòa án trọng tài quốc tế ở The Hague được trông đợi sẽ sớm ra một phán quyết trong vụ Philippines kiện “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc một mực tuyên bố tòa không có thẩm quyền trong vụ việc và từ chối tham gia phiên tòa.
Mặc dù không chính thức tuyên bố ủng hộ bên tuyên bố chủ quyền nào, chuyến thăm tàu sân bay Stennis của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Carter khi mẫu hạm hải hành xuyên qua Biển Đông, không xa bãi cạn Scarborough. Bộ trưởng quốc phòng Philippines cũng cùng ra thăm tàu sân bay hạt nhân. Dù ông Carter không nêu tên Trung Quốc trong bài phát biểu trên boong tàu Stennis, ông vẫn tuyên bố rõ rằng Mỹ không hài lòng về thái độ hung hăng của Trung Quốc trong khu vực.
Kể từ mùa thu năm 2015, Mỹ đã tiến hành hai chiến dịch tuần tra thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông, xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép và có thể sắp thực hiện đợt tuần tra thứ ba trong vài tuần tới.
Ông Alessio Patalano, một chuyên gia về an ninh hàng hải Đông Á tại Trường hoàng gia Luân Đôn (Anh) cho rằng Mỹ đã phát đi thông điệp lẫn lộn trong hai cuộc tuần tra trước đó, nhưng hiện nay Mỹ đang xử lý tình hình tốt hơn. “Vấn đề then chốt là làm thế nào ngăn ngừa Trung Quốc bồi lấp, cải tạo bãi cạn Scarborough. Nếu không có vài khu trục hạm Mỹ đậu xung quanh khu vực để ngăn chặn, có rất ít việc có thể làm để cản Trung Quốc”, ông Patalano nói.
Một lựa chọn khác sẽ là hủy bỏ lời mời hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân đa quốc gia tại Hawaii tháng 6 tới. Ông Carter đã nói trước quốc hội Mỹ hồi tháng 3 rằng “đang xem xét lại” lời mời Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập do Mỹ chủ trì diễn ra hai năm một lần. Trung Quốc được mời tham dự RIMPAC lần đầu vào năm 2014, trước khi chiến dịch bồi lấp, xây đảo nhân tạo ở Biển Đông trở nên rõ ràng.
Theo ông Patalano, không mời hải quân Trung Quốc sẽ phát đi một thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ tới cả Trung Quốc và các đối tác của Mỹ. Trung Quốc sẽ bị mất thể diện nghiêm trọng và…mất luôn cả cơ hội để do thám hải quân Mỹ cũng như hải quân các nước khác.
T.N