Ông Duterte đang chuyển hướng ngoại giao Philippines |
Phó giáo sư Richard Javad Heydarian thuộc Đại học De La Salle, đồng thời là cố vấn chính trị Hạ viện Philippines đã gọi chính sách ngoại giao của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là “ngoại giao Shock and Awe” (chiến dịch Sốc và Kinh hoàng Mỹ áp dụng trong chiến tranh).
Chiến dịch “Sốc và Kinh hoàng” của ông Duterte bắt đầu với cuộc chiến chống ma túy, cho phép cảnh sát bắn chết hàng ngàn người không cần xét xử. Nay có vẻ như ông Duterte bắt đầu áp dụng nó vào đường lối ngoại giao của Philippines. Ngay khi vừa đắc cử, ông Duterte đã tuyên bố ông sẽ “lập lộ trình để Philippines có con đường riêng và không phụ thuộc vào Mỹ”.
Tự nhận mình là một người theo chủ nghĩa “dân túy”, ông Duterte từng có nhiều phát biểu chống Mỹ. Ngay trong quá trình tranh cử, Duterte còn yêu cầu đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg “câm mồm”. Ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Lào, ông Duterte đã gọi tổng thống Mỹ Barack Obama là “đồ con hoang”. Mặc dù sau đó ông thanh minh rằng không bao giờ gọi tổng thống Mỹ như thế, nhưng ông Obama đã hủy cuộc gặp song phương với tổng thống Philippines.
Phán quyết của Tòa Trọng tài The Hague ngày 12/7 về “đường lưỡi bò” ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông được coi là một thắng lợi lịch sử của Philippines. Tuy nhiên, đang có dấu hiệu cho thấy phán quyết sẽ bị suy yếu nghiêm trọng sau khi tổng thống của chính Philippines, lại đưa ra những tuyên bố trái ngược với quan điểm chung về Biển Đông và chính sách quốc phòng.
Ngày 13/9, phát biểu trước các quân nhân của không lực Philippines tại một căn cứ không quân, Tổng thống Duterte bác bỏ ý tưởng tuần tra chung ở các khu vực có tranh chấp của Biển Đông. Ông Duterte tuyên bố: “Chúng ta sẽ không tham gia bất kỳ cuộc điều động quân hay cuộc tuần tra nào ở vùng biển. Tôi sẽ không cho phép vì tôi không muốn đất nước mình dính líu đến hành động thù địch”. Ông nói thêm rằng “Tôi không muốn đi với Trung Quốc hay đi với Mỹ ở đó. Tôi chỉ muốn tuần tra vùng biển của chúng ta”.
Ông Duterte còn thông báo đưa gây sốc rằng ông đang cân nhắc mua vũ khí và thiết bị quân sự của hai nước đã chào mời bán cho Philippines với khoản vay ưu đãi có thời hạn 25 năm. Mặc dù ông Duterte không nêu tên hai nước, hãng tin Bloomber cho rằng có khả năng hai nước đó là Nga và Trung Quốc. Theo hãng tin, trong vòng 50 năm qua cũng như hiện nay, ước tính đến 3/4 vũ khí của Philippines là mua của Mỹ.
Theo chuyên gia Heydarian, đây thực sự là những cú sốc vì rốt cuộc Philippines là một xã thân Mỹ nhất, có sức ảnh hưởng rất lớn đối với an ninh Philippines, giới truyền thông và các thiết chế tri thức Philippines cũng gắn kết rất chặt với Mỹ. Không chỉ thế, ông Duterte còn gợi ý rằng có thể ông còn muốn xem xét lại cơ bản quan hệ song phương với Mỹ, đặc biệt là các hiệp ước quân sự.
Ông Duterte đã yêu cầu lực lượng đặc nhiệm Mỹ rời khỏi Mindanao và tuyên bố “chừng nào chúng ta còn đứng chung với Mỹ, chừng đó chúng ta sẽ không bao giờ có hòa bình”. Tờ Wall Street Journal đặt câu hỏi phải chăng quan hệ hợp tác quân sự giữa Mỹ và Philppines sắp đi đến chấm dứt.
Giới quan sát nhận định, những tuyên bố của ông Duterte cho thấy chính sách của Philippines đang thay đổi, và chúng có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của ASEAN trong thời gian tới. Dĩ nhiên, động thái này cũng tác động rất nhiều đến chiến lược “xoay trục sang châu Á” của Mỹ.
Chưa rõ với chính sách đối ngoại kiểu “Sốc và Kinh hoàng” của ông Duterte, không rõ thỏa thuận cho Mỹ tiếp cận 5 căn cứ quân sự của Philippines vừa đạt được cách đây chưa lâu có được tân tổng thống Philippines tôn trọng hay không. Mỹ hiện nay đã điều một số quân, máy bay trinh sát và máy bay tác chiến cự ly gần A-10 Bronco tới Philippines canh chừng Biển Đông, đặc biệt là bãi cạn Scarborough, nơi Mỹ đã “vạch lằn ranh” với Trung Quốc.
Theo chuyên gia Oh Ei Sun, thuộc Trường Quan hệ Quốc tế Rajaratnam (Singapore), rất có thể trong thời gian tới ông Duterte tiếp tục tỏ thái độ thân Bắc Kinh hoặc sẽ còn có những phát biểu quá trớn và mang tính khiêu khích hơn nữa với Mỹ, bởi lãnh đạo Philippines thừa biết Manila là một trong những cột trụ chính trong chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ. Tổng thống Duterte do vậy đánh cuộc là trong mọi trường Washington cũng sẽ nhẹ tay với Philippines, trong khi đó Bắc Kinh sẽ không dễ bỏ qua cho Manila, nếu Philippines cứ duy trì chính sách đối đầu trên hồ sơ Biển Đông.
Chỉ riêng trong lĩnh vực mua bán vũ khí thì chuyên gia Singapore cho rằng, tổng thống Duterte đã nêu lên khả năng mua trang thiết bị quân sự của Trung Quốc chẳng qua là nhằm mặc cả và đòi nhà cung cấp Mỹ phải tính toán sao cho cả đôi bên cùng có lợi. Đây cũng là quan điểm của chủ tịch Viện nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc Ngô Sĩ Tồn. Ông Ngô dẫn chứng: Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương giữa Hoa Kỳ với Philippines đã được Tối cao pháp viện Philippines thông qua, không dễ để một lời nói của ông Duterte xua tan. Cho dù nỗ lực giữ một thế cân bằng giữa hai ông khổng lồ là Mỹ và Trung Quốc, thì tổng thống Philippines cũng không thể nào loại bỏ hay rút lại những thỏa thuận hợp tác quốc phòng từ lâu nay giữa hai nước
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ không thể cung cấp vũ khí cho Manila. Sẽ thật hết sức khó xử cho Bắc Kinh, nếu như Philippines sử dụng vũ khí của Trung Quốc để tự vệ ở Biển Đông, chống lại tàu thuyền Trung Quốc.
Tuy nhiên với một quân đội yếu ớt, nguồn lực hạn chế, phụ thuộc lớn vào thỏa ước an ninh với Mỹ, không rõ ông Dutete sẽ bảo vệ bãi cạn Scarborough và chủ quyền các vùng biển của mình như thế nào nếu không có sự trợ giúp của Mỹ. Philippines đang có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc nhưng nếu ông Duterte quả thật có ý định dựa vào đối thủ, thoát ly Mỹ, tình hình Biển Đông đã phức tạp sắp tới sẽ rất khó lường.