Biển Đông: Mỹ quyết không khoanh tay để Trung Quốc “khoe cơ bắp”

VietTimes -- Sự đối đầu Mỹ - Trung trên Biển Đông đang rung lên những hồi chuông cảnh báo đối với các nước ven biển Đông Nam Á với những lo ngại gia tăng rằng chính quyền Trump có thể khiến sự cân bằng mong manh của khu vực đi theo hướng xung đột, National Interest cảnh báo.
Chiến đấu cơ trên tàu sân bay Mỹ
Chiến đấu cơ trên tàu sân bay Mỹ

Theo tạp chí Mỹ, Trung Quốc gần đây đã mở rộng sự bành trướng có tính chiến lược trên những thực thể đang tranh chấp, triển khai các hệ thống vũ khí mới và thiết lập các cơ sở quân sự tiên tiến trên các đảo bồi lấp nhân tạo trái phép ở cả quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa.

Chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ ra rằng họ xem những hành vi của Trung Quốc là mối đe dọa trực tiếp tới tự do hàng hải và hàng không trên một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới trong giao thương và thông tin liên lạc, và là một thách thức tới vị thế bá chủ chiến lược của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Các tranh chấp trên Biển Đông và chính sách của ông Trump tại châu Á là vấn đề trọng tâm của cuộc họp bộ trưởng ngoại giao các nước Đông Nam Á tại đảo Boracay, Philippine. Các bộ trưởng đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về hành vi quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông, nhưng tránh không lên án Trung Quốc.

Với việc Philippine đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên ASEAN, thế giới mong đợi được chứng kiến bước đột phá về ngoại giao. Ít nhất, cũng có hi vọng mới là sau hơn một thập kỷ đàm phán, ASEAN và Trung Quốc có thể hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ràng buộc các bên về mặt pháp lý trong lĩnh vực hàng hải.

Manila cũng vẫn âm thầm thúc đẩy việc đề cập đến vụ kiện mà nước này đã thắng Trung Quốc ở Tòa Trọng tài quốc tế. Tuy nhiên Trung Quốc vẫn khăng khăng bác bỏ tính hợp pháp của phán quyết này.

Trung Quốc đã ngang nhiên hạ cánh máy bay trái phép xuống Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam khiến tình hình căng thẳng
Trung Quốc đã ngang nhiên hạ cánh máy bay trái phép xuống Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam khiến tình hình căng thẳng

Khi Lào làm chủ tịch luân phiên ASEAN, ASEAN đã không đề cập đến phán quyết của tòa The Hague bác bỏ cơ sở pháp lý của các tuyên bố chủ quyền phi pháp, ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên năm nay, nhiều nước ASEAN có vẻ quan tâm đến việc sử dụng phán quyết của Tòa Trọng tài The Hague như một cơ sở để giải quyết các tranh chấp hàng hải.

“Nhiều bộ trưởng bày tỏ quan ngại về những phát triển gần đây và sự leo thang các hoạt động ở Biển Đông, những hoạt động này đã có thể làm gia tăng căng thẳng và làm xói mòn lòng tin trong khu vực,” Ngoại trưởng Philippine Perfecto Yasay phát biểu kết thúc hội nghị hôm 21/2. Trong khi ông bày tỏ nghi ngờ về việc các tranh chấp này sẽ được giải quyết “trong thời đại của chúng ta”, ông vẫn lạc quan rằng ASEAN và Trung Quốc sẽ hoàn thành khung Bộ quy tắc Ứng xử vào giữa năm nay.

National Interest đánh giá, cho dù tổng thống Philippines Duterte đã công khai ủng hộ việc xích lại gần Trung Quốc vì sợ xung đột trực tiếp với người khổng lồ châu Á, các quan chức quốc phòng Philippine đều được cho là quan ngại sâu sắc trước tham vọng của Trung Quốc đối với các vùng biển mà Philippine tuyên bố chủ quyền. Trong khi nhiều nước đều âm thầm hoan nghênh sự trở lại mạnh mẽ của Mỹ trên Biển Đông, khu vực cũng vẫn quan ngại về việc liệu một cuộc xung đột Mỹ-Trung sẽ ảnh hưởng đến các nước nhỏ trong khu vực như thế nào.

Cụm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ đang  tuần tra thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông từ ngày 18/2/2017
Cụm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ đang tuần tra thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông từ ngày 18/2/2017

ASEAN từ lâu đã tìm cách ngăn chặn một cuộc xung đột giữa các nước lớn, cuộc xung đột có thể buộc các thành viên ASEAN phải chọn một bên giữa Mỹ và Trung Quốc. Đối với hầu hết các nước ASEAN, việc mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc về một mặt là cực kỳ quan trọng. Nhưng mặt khác, duy trì hợp tác quân sự mạnh mẽ với Mỹ cũng là chiến lược bảo vệ cần thiết.

Trong một cuộc xung đột Mỹ-Trung, cân bằng chiến lược này sẽ bị thách thức nghiêm trọng, đặc biệt là giữa các nước đều tuyên bố chủ quyền trong khu vực. Sự leo thang xung đột trên các tuyến đường biển cũng sẽ phá hoại mối quan hệ thương mại và đầu tư, và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế đi theo hướng giao thương trong khu vực.

Ngày càng có nhiều kỳ vọng cho rằng ông Trump sẽ sử dụng cách tiếp cận “nguyên trạng bổ sung” thay cho chiến lược “xoay trục sang châu Á” của ông Obama. Không giống như chính quyền ông Obama chủ động liên kết với các nước châu Á nhỏ hơn, chính quyền ông Trump đến nay vẫn có vẻ lờ các nước ASEAN và ưu tiên quan hệ với các đồng minh Đông Bắc Á bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc.

Được coi là tổ chức thúc đẩy hội nhập khu vực và là nền tảng của kiến trúc an ninh Đông Á, ASEAN hiện đang phải vật lộn để khẳng định vai trò trung tâm của mình trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông. Quả thực, có cảm giác rằng ASEAN có thể rơi vào tình trạng không dính dáng gì đến các cuộc tranh chấp này, trừ khi ASEAN nhanh chóng đưa ra một cách tiếp cận thống nhất và chặt chẽ đối với các tranh chấp hàng hải.

Vì Trung Quốc đã tăng cường ảnh hưởng đối với các nước Đông Nam Á, bao gồm các đồng minh hiệp ước của Mỹ là Thái Lan và Philippine, chính quyền ông Trump đang phải đối đầu với nhiệm vu khó khăn giành lại khu vực chiến lược đã mất dưới thời ông Obama. Nhưng vẫn chưa rõ đâu là sự can dự toàn diện cần có để đảo ngược lại tình thế dưới thời ông Trump.

Trong những tháng sắp tới, hải quân Mỹ dự kiến sẽ tiến hành các hoạt động thực thi tự do hàng hải để tái khẳng định sức mạnh chống lại các tuyên  bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Trump cũng sẽ có thể tạo nhiều sức ép lên các đồng minh trong khu vực, đặc biệt là Nhật Bản và Australia, phải đóng góp nhiều hơn trong những nỗ lực đa phương nhằm kiềm chế tham vọng hàng hải ngày càng lớn của Trung Quốc.

Mỹ đã triển khai các phi đội tiêm kích tàng hình tối tân F-22 Raptor tại Đông Á và Úc nhằm đề phòng có biến
Mỹ đã triển khai các phi đội tiêm kích tàng hình tối tân F-22 Raptor tại Đông Á và Úc nhằm đề phòng có biến

Kể từ đầu những năm 2000, Trung Quốc đã dần tăng cường chiến dịch của mình để ngăn chặn các hoạt động tình báo, trinh sát và giám sát của Mỹ trong khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý và xa hơn nữa. Đầu tháng này, một máy bay trinh sát của Trung Quốc đã áp sát một cách hết sức nguy hiểm để ngăn chặn máy bay trinh sát P-3C Orion của hải quân Mỹ bay ngang qua Biển Đông.

Sự cố này đã ít nhiều đã tạo sóng ở Đông Nam Á và cho thấy rằng giọng điệu cứng rắn của chính quyền ông Trump vẫn chưa khiến Trung Quốc rút lui khỏi các vị trí trên vùng biển lân cận. Trung Quốc gần đây còn tăng cường sự hiện diện trên cả quần đảo Trường Sa lẫn Hoàng Sa (hai quần đảo này vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam), tuy nhiên Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm cứ trái phép quần đảo Hoàng Sa và 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa.

Chiến hạm hải quân Trung Quốc khai hỏa trong cuộc tập trận trên biển
Chiến hạm hải quân Trung Quốc khai hỏa trong cuộc tập trận trên biển. Trung Quốc gần đây liên tục tập trận khiến tình hình khu vực căng thẳng
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc vừa trải qua đợt tập trận trên Biển Đông
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc vừa trải qua đợt tập trận trên Biển Đông

Một vài tuần trước khi ông Trump nhậm chức, Trung Quốc đã triển khai pháo phòng không và các hệ thống vũ khí tới Đá Gaven và Đá Tư Nghĩa ở quần đảo Trường Sa. Gần đây, Trung Quốc cũng xây dựng các tòa tháp được trang bị hệ thống radar xác định mục tiêu trên Đá Chữ Thập, trung tâm chỉ huy-kiểm soát của sự hiện diện của Trung Quốc trên chuỗi đảo này.

Ở quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã mở rộng trái phép đảo Phú Lâm để kết hợp với đảo Đá gần đó. Theo báo cáo, đảo nhân tạo này hiện nay đã có đường băng, nhà chứa máy bay và các hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9. Năm thực thể khác cũng đã được lên kế hoạch xây dựng cảng và sân bay đỗ trực thăng, đảo Ducan còn được dự kiến sẽ có căn cứ trực thăng đầy đủ mọi thiết bị.

Mỹ vừa triển khai cụm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson, kèm theo một hạm đội tàu chiến tới Biển Đông là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Mỹ sẽ không ngồi yên khi cân bằng chiến lược thay đổi. Lần cuối Mỹ triển khai lực lượng này trên Biển Đông là đầu năm 2016, khi những quan ngại gia tăng về hành vi bồi lấp đảo trái phép của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough.

Hoạt động đó diễn ra dưới thời chính quyền thân Mỹ của tổng thống Philippine Benigno Aquino, tuy nhiên trong cuộc bầu cử tháng 7/2016, Philippine đã bầu ra ông Duterte, một tổng thống thân Trung Quốc nhiều hơn. Khả năng quân sự này càng mạnh của Trung Quốc đang tạo áp lực lên Mỹ buộc phải tăng cường sự hiện diện hải quân mạnh mẽ hơn trong khu vực, với khả năng triển khai sức mạnh ở các căn cứ gần đó, đặc biệt là ở Vịnh Subic và Vịnh Oyster ở Philippine.