Theo hai chuyên gia Geoffrey Hartman và Amy Searight, rất nhiều khả năng Trung Quốc sẽ sớm thách thức nghiêm trọng quyết tâm của Washington tại Biển Đông, nơi Mỹ đã cố đáp trả một cách hiệu quả các hành vi quyết đoán của Trung Quốc. Các lợi ích lâu dài của Mỹ - từ quyền tự do hàng không và hàng hải, tôn trọng một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, cho đến giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình – tất cả đều bị đe dọa.
Các mục tiêu của Mỹ như duy trì các quan hệ liên minh và đối tác trong vùng, bảo vệ chuẩn mực và quy tắc quốc tế, và duy trì một quan hệ có hiệu quả với Trung Quốc vẫn có giá trị. Thế nhưng, Trung Quốc đã ra tay trước ở Biển Đông và Mỹ cần phải thay đổi chiến lược để xoay chuyển chiều hướng và tránh được cái bẫy của một đối sách bị động và vô hiệu quả.
Theo các chuyên gia CSIS, cho đến nay phản ứng của Mỹ trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông chưa đủ để làm cho Bắc Kinh thay đổi cách xử sự, thậm chí họ nuôi dưỡng lập luận theo đó Trung Quốc đang đẩy được Mỹ ra khỏi khu vực.
Chuyên gia Mỹ nhận định đối với nhiều nước trong khu vực, việc đối phó các tham vọng của Trung Quốc đã trở thành thước đo quan trọng về sự dấn thân của Mỹ vào khu vực. Nếu các hành vi quá đáng của Trung Quốc vẫn không bị Mỹ đáp trả, điều đó sẽ gửi một tín hiệu nguy hiểm về sức mạnh của hệ thống liên minh của Mỹ trong vùng và giảm thiểu vai trò đối tác an ninh của Washington.
Để ngăn chặn tham vọng độc chiếm Biển Đông, Mỹ cần có một chiến lược lâu bền để tăng cường năng lực của mình, làm việc hữu hiệu hơn với các đồng minh và đối tác, và củng cố trật tự khu vực. Để làm được điều này, chính quyền mới ở Mỹ nên nhanh chóng xem xét lại chiến lược Biển Đông từ trên xuống dưới và một cách cặn kẽ, sao cho có thực chất hơn và hữu hiệu hơn.
Trong khi Mỹ chuẩn bị rà soát và củng cố chiến lược của mình ở Biển Đông, ngày 25/1 Trung tâm CSIS công bố báo cáo mang tựa đề «Biển Đông – Một vài nguyên tắc chiến lược cơ bản», với sự đóng góp của các chuyên gia hàng đầu về châu Á tại CSIS bao gồm các tiến sĩ Michael Green, tiến sĩ Zack Cooper, Bonnie Glaser, Andrew Shearer và Greg Poling.
Vừa răn đe vừa hợp tác
Các chuyên gia CSIS đưa ra lời khuyến cáo thứ nhất là cho dù hợp tác của Trung Quốc cần thiết để giải quyết một số vấn đề khu vực và toàn cầu – như hành vi cứng rắn của Triều Tiên hay vấn đề biến đổi khí hậu – Mỹ không nên để bị Trung Quốc bắt bí vì sợ rằng chiến lược răn đe mạnh hơn sẽ cản trở công cuộc hợp tác song phương.
Mọi cố gắng giảm nhẹ chính sách của Mỹ ở Biển Đông để duy trì hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực khác đều không cần thiết, thậm chí còn không hiệu quả. Hợp tác trong những lãnh vực hai bên cùng chia sẻ quyền lợi không chỉ quan trọng đối với Mỹ mà cũng quan trọng đối với Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, lãnh đạo Mỹ không nên lo ngại về tình hình căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung. Mỹ có thể vừa kiên quyết trên các nguyên tắc của mình và răn đe để không cho Trung Quốc làm hỏng trật tự khu vực, vừa duy trì quan hệ hiệu quả với Bắc Kinh. Nhượng bộ trên quyền lợi thiết yếu của mình ở châu Á, sẽ không khuyến khích hợp tác rộng hơn trên những vấn đề toàn cầu. Thậm chí việc nhận thấy một sự yếu đuối của Mỹ có thể khuyến khích giới lãnh đạo ở Bắc Kinh có thái độ quyết đoán hơn.
Tóm lại, một cách tiếp cận mang tính răn đe mạnh mẽ hơn không nhất thiết cản trở công cuộc hợp tác có lợi cho cả hai nước Mỹ-Trung.
Áp dụng chính sách nhất quán và bền vững
Thứ hai, theo chuyên gia CSIS, chính quyền mới của Mỹ cần đưa ra những thông điệp chiến lược rõ ràng và nhất quán, bởi vì sự thiếu mạch lạc trong việc gắn kết các mục tiêu của chiến lược tái cân bằng lực lượng vừa qua đã gây ra sự ngộ nhận của Trung Quốc cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ.
Cụ thể là những lời giải thích không nhất quán về cách Mỹ xử lý đà tăng cường quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc – song song với việc thực thi các biện pháp quân sự rất rầm rộ của chiến lược tái cân bằng - đã làm gia tăng thái độ nghi kỵ của Bắc Kinh về việc Washington tìm cách ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, thông điệp và chính sách thiếu nhất quán – trong đó có các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải và duy trì sự hiện diện thường xuyên - cũng đã gây nên hiểu lầm trong khu vực. Chính quyền mới của Mỹ nên cung cấp lời giải thích có thẩm quyền về các hoạt động này và không nên thay đổi lịch trình để chiều theo áp lực của Trung Quốc.
Mỹ nên tiến tới tăng cường các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải và khẳng định sự hiện diện thường xuyên phải được thực hiện một cách đều đặn để chứng tỏ quyết tâm của Mỹ sẵn sàng cho không quân và hải quân hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Đây là điều quan trọng, nhưng các chuyên gia khuyến cáo cũng phải cẩn thận tính đến những yếu tố không lường trước được khi vạch ra chiến thuật và thực hiện các chiến dịch để ngăn không cho Trung Quốc trở nên quá tự tin vào khả năng dự đoán phản ứng của Mỹ.
Theo các chuyên gia CSIS, chính sách của Mỹ ở Biển Đông cho đến nay đã dựa quá nhiều vào các giải pháp quân sự, vốn không phải lúc nào cũng hiệu quả nhất. Cách đáp trả về mặt ngoại giao, thông tin, luật pháp, kinh tế hiện không được chú ý nhiều trong chính sách Trung Quốc của Mỹ. Việc đưa các giải pháp này vào trong chính sách sẽ rất quan trọng cho thành công trong việc làm cho Trung Quốc lùi bước trong dài hạn.
Họ đề xuất có thể tính đến việc trừng phạt có chọn lọc nhắm vào các công ty Trung Quốc tham gia vào các hoạt động gây mất ổn định. Mỹ có khả năng gây sức ép trên Trung Quốc trong những lĩnh vực không liên quan trực tiếp đến vùng Biển Đông và nên xem xét khả năng sử dụng hoặc đe dọa sử dụng những công cụ này để ổn định trật tự khu vực.
Tăng cường giúp đỡ các đồng minh và đối tác
Các chuyên gia cho rằng Mỹ cần tăng cường các nỗ lực giúp các đồng minh và đối tác xây dựng năng lực để cải thiện khả năng của các nước này đối phó sự thúc ép của Trung Quốc. Nỗ lực xây dựng năng lực thành công sẽ cho phép các quốc gia Đông Nam Á tự bảo vệ tốt hơn, tạo nên sự răn đe chống lại các hành vi bức hiếp ở cấp độ thấp, cho phép quân đội Mỹ tập trung nhiều hơn vào việc răn đe ở cấp cao.
Để tạo điều kiện cho việc nâng cao năng lực các đối tác, Washington cần phải giữ gìn các mối quan hệ quốc phòng trong khu vực. Khả năng của Mỹ hợp tác với các quốc gia ở tuyến đầu phụ thuộc vào thái độ hợp tác của các nước này.
Các chuyên gia kết luận Mỹ có một số lợi thế lâu dài khiến cho các nước trong khu vực tiếp tục chọn Mỹ làm đối tác an ninh hàng đầu, trong đó việc Mỹ có lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới, lại được thiện cảm của các cư dân địa phương, và một chính sách ngoại giao mềm mỏng hơn Trung Quốc. Với những lợi thế đó, Washington có đủ sức tập trung vào việc duy trì vai trò của mình ở châu Á, và có thể tin rằng nếu Trung Quốc phiêu lưu mạo hiểm có thể sẽ đẩy nhiều quốc gia quay sang Mỹ để nhờ hỗ trợ.
Lập trường xưa nay của Mỹ là trung lập đối với các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, trong khi vẫn khẳng định rằng những tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Đây là một lập trường đúng đắn và cần được duy trì, các chuyên gia CSIS khuyến nghị.
Theo các chuyên gia, lập trường đó cho phép Mỹ bảo vệ lợi ích của mình mà không vướng vào các tranh chấp chủ quyền phức tạp ở Biển Đông. Vị thế trung lập trước các tranh chấp chủ quyền cho phép Mỹ can thiệp một cách linh hoạt vào Biển Đông để bảo vệ lợi ích của mình cũng như chuẩn mực và luật lệ quốc tế, đồng thời phản bác các lập luận của Trung Quốc cho rằng các hành động của Mỹ là một mối đe dọa đến chủ quyền (trái phép) của Bắc Kinh ở vùng biển tranh chấp.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu