Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng: Chuyển đổi số – giải pháp giúp ứng phó tích cực với dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc triển khai chuyển đổi số sâu rộng đã giúp Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng rút ngắn thời gian phục vụ bệnh nhân xuống còn 1/3 thời gian so với trước đây, truy xuất thông tin bệnh nhanh gấp 2 lần.
TS.BS Trần Thị Hoàng – Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi TP Đà Nẵng.
TS.BS Trần Thị Hoàng – Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi TP Đà Nẵng.

Việc sử dụng CNTT vào các hoạt động quản lý điều hành và khám, chữa bệnh đã giúp Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ người dân. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, việc chuyển đổi số đã giúp Bệnh viện ứng phó tốt hơn, giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm, góp phần vào thành công chung của Đà Nẵng trong phòng, chống dịch.

Để rõ hơn những kinh nghiệm này, VietTimes đã có cuộc trao đổi với TS.BS Trần Thị Hoàng – Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi TP Đà Nẵng.

- Dịch COVID-19 ảnh hưởng rất nặng nề đến mọi mặt xã hội, trong đó có hoạt động khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế. Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng hẳn cũng không ngoại lệ trước những tác động của đại dịch, thưa bà?

TS.BS Trần Thị Hoàng: Dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến hoạt động khám, chữa bệnh, công tác quản lý điều hành cũng như bố trí nguồn nhân lực để đảm bảo hoạt động của Bệnh viện.

Do đặc điểm bệnh nhân của Bệnh viện là trẻ em, mà trong thời gian dịch bệnh, trẻ chủ yếu ở nhà, nên các bệnh nhi phải đi bệnh viện khám cũng giảm hẳn so với trước. Dịch COVID-19 khiến công suất sử dụng giường bệnh của Bệnh viện giảm còn 30-40%, lượt khám giảm khoảng 40-50% và những bệnh nhân từ các tỉnh, thành lân cận đến khám cũng ít đi.

Tuy nhiên, số bệnh nhân vào viện lại phần lớn là bệnh nặng, phải chuyển tuyến, chủ yếu ở các nhóm bệnh sơ sinh, bệnh huyết học, nhiễm trùng nặng, bệnh lý chuyển hóa, bệnh nội tiết, thần kinh... là những áp lực trong công tác điều trị.

Bên cạnh đó, chỉ cần có một ca F0 là gần như cả khoa, phòng, thậm chí, toàn bộ bệnh viện có thể bị phong toả, nên áp lực đảm bảo an toàn phòng dịch là nhiệm vụ tiên quyết, song song với đó là đảm bảo điều trị bệnh nhân.

Một vấn đề nữa là khi dịch bệnh bùng phát, việc hội họp trực tiếp đã bị hạn chế, trong khi yêu cầu của các hoạt động này là không thể cắt giảm, nhất là các hoạt động hội chẩn, giao ban, thảo luận… Việc duy trì các công việc này để đảm bảo hoạt động bình thường của bệnh viện cũng là một nhiệm vụ cần sắp xếp phù hợp.

- Bà có thể chia sẻ những giải pháp mà Bệnh viện đã làm để vượt qua khó khăn trên và đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân?

TS.BS Trần Thị Hoàng: Với những khó khăn như vừa trao đổi, Bệnh viện đã phải huy động toàn bộ lực lượng cho công tác khám, chữa bệnh; phân luồng, sàng lọc… để phòng dịch.

Để vượt qua khó khăn đó, chúng tôi phải thay đổi tư duy và cách thức quản lý. Thay vì giao ban bệnh viện theo cách truyền thống với đầy đủ thành phần và trao đổi trực tiếp để nắm tình hình, thì chúng tôi họp qua mạng, đòi hỏi diện tích phủ sóng mạng Internet cao hơn, năng lực sử dụng các ứng dụng họp trực tuyến cao hơn, đảm bảo online 24/7

Trong công tác khám, chữa bệnh, Bệnh viện cũng phải thay đổi cách thức tiếp cận và quy trình khám, chữa bệnh thông thường cũng thay đổi theo. Thay vì khám trực tiếp thì Bệnh viện tổ chức tư vấn online; thay vì tập trung khám một chỗ tiết kiệm nhân lực, thì phải chia sẻ nhân lực, lập các khu riêng, tăng cường thêm trang thiết bị và phần mềm giám sát từ ngoại trú đến nội trú, do đó, chi phí tăng, khiến nguồn quỹ giảm.

- Như vậy là Bệnh viện đã có sự chuẩn bị từ trước để ứng phó với các khó khăn bằng công tác chuyển đổi số?

TS.BS Trần Thị Hoàng: Từ năm 2015, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã bắt đầu thực hiện ứng dụng CNTT và chuyển đổi số vào trong công tác quản lý điều hành, khám, chữa bệnh cho người dân. Cho đến nay, chuyển đổi số đã được triển khai trong hầu hết các hoạt động của Bệnh viện.

Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp hạ tầng, hệ thống mạng internet, Bệnh viện cũng đã phát triển các phần mềm quản lý để đáp ứng yêu cầu quản lý và chăm sóc sức khoẻ người dân, như: phần mềm bệnh viện điện tử, ứng dụng hỗ trợ phân luồng, phần mềm quản lý đào tạo, phần mềm quản lý chế độ nhân viên… Điều này đã mang lại chuyển biến tích cực trong quản lý, điều hành và chăm sóc sức khoẻ bệnh nhân tại bệnh viện.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, sự chuẩn bị này đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.

- Bà có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật trong công tác chuyển đổi số ở Bệnh viện, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát?

TS.BS Trần Thị Hoàng: Hiệu quả vượt trội của chuyển đổi số trong hoạt động của Bệnh viện là giúp công tác thông tin nhanh chóng, chính xác và hiệu quả. Tiếp đến, chuyển đổi số và ứng dụng số giúp hạn chế tiếp xúc, tụ họp đông người không cần thiết, nhằm tránh lây lan dịch bệnh trong Bệnh viện.

Trong công tác quản lý điều hành tại Bệnh viện, chuyển đổi số giúp rút ngắn thời gian xử lý về mặt chuyên môn, công tác thống kê, báo cáo nhanh chóng; hỗ trợ đào tạo hiệu quả… Trong hoạt động khám, chữa bệnh, chuyển đổi số giúp giảm thời gian chờ đợi, chi phí, đi lại của người bệnh…

TS.BS Trần Thị Hoàng – Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi TP Đà Nẵng.

Qua việc sử dụng các ứng dụng phân luồng khám, chữa bệnh, Bệnh viện đã rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân từ 3 tiếng/lượt, xuống còn 1 tiếng. Việc cung cấp các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh được luân chuyển nhanh chóng và chính xác hơn, góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị.

Không chỉ vậy, công tác hỗ trợ bệnh nhân qua ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa cùng danh sách các y bác sĩ chuyên khoa đã giúp người bệnh có thể tiếp cận hiệu quả công tác tư vấn, khám, chữa bệnh và phòng ngừa được những diễn biến xấu của bệnh, do tâm lý e ngại đến cơ sở y tế vì dịch COVID-19 bùng phát.

Hiệu quả nổi bật của hoạt động chuyển đổi số trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 là việc tích hợp Danang Smart City đến ứng dụng quản lý QRcode của Bệnh viện, giúp chúng tôi sàng lọc, phân luồng bệnh nhân hiệu quả.

-Xin cảm ơn bà đã trò chuyện!