Bắt đầu từ thời Tổng thống Francois Mitterrand, Đảng Xã hội đã có bốn nhiều thập kỷ nắm giữ những chức vụ chủ chốt của chính quyền. Trong thời gian dài, vị thế của Đảng là khá vững chắc, có lúc người của Đảng giữ chức Thủ tướng, trong Quốc hội có nhiều lần chiếm đa số ghế. Các đảng và tổ chức cánh tả khác như Đảng Cộng sản, công đoàn không thể so sánh với Đảng xã hội về mức độ phổ biến trong dân chúng.
Năm 2012, ông Francois Hollande, nhiều năm liền là Bí thư thứ nhất của Đảng giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Tổng thống. Tuy nhiên, chiến thắng đó có vẻ như không phải thể hiện niềm tin của cử tri, mà là sự chán ngán đối với đường lối của phe cánh hữu của Nicolas Sarcozy. Người dân khi đó phản đối chính sách của Pháp tham gia cuộc chiến chống lãnh tụ Gaddafi của Libya, tăng tuổi hưu và xiết chặt chính sách an sinh xã hội của phe cánh hữu, vì thế đã bỏ phiếu cho ông Hollande.
Chính vì không nắm bắt được nguyện vọng của cử tri, ông Francois Hollande đã đánh mất niềm tin với người dân. Tỷ lệ ủng hộ ông giảm xuống nhanh chóng. Ngay từ năm 2013 chỉ còn 30% số người ủng hộ, thấp nhất trong số các chính trị gia kể từ năm 1981. Chưa hết, đến mùa thu năm 2016 thì tỷ lệ ủng hộ chỉ còn 4 %, ông Hollande quyết định không ra tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo.
Công bằng mà nói, ngoài yếu tố tự thân không phải là một chính trị gia có quan điểm và phong thái mạnh mẽ, điều rất cần thiết vào những thời điểm phức tạp, ông Hollande còn là nạn nhân của thời đại mình. Cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu và những vụ khủng bố xảy ra liên tiếp (trong đó có vụ gây chết nhiều người ở thủ đô Paris năm 2015) đã làm cho dân chúng thấy rõ sự thất bại trong chính sách của Đảng Xã hội, vốn luôn cam kết sẽ giữ vững an ninh quốc gia, sự công bằng xã hội và kinh tế.
Trong nội bộ Đảng Xã hội bắt đầu xuất hiện sự chia rẽ sâu sắc. Đặc biệt là vào tháng Giêng năm nay, trong cuộc bầu cử sơ bộ, ông Benoît Hamon - cựu Bộ trưởng Giáo dục, người đã lập ra “Phe đối lập trong nội bộ Đảng, từng phản đối nhiều chính sách của Tổng thống Hollande, đã vượt lên trên đối thủ nặng ký là cựu Thủ tướng Manuel Valls. Ông Valls chúc mừng Benoît Hamon giành chiến thắng và hy vọng sẽ đưa “những lý tưởng, giá trị của Đảng Xã hội” tới những đỉnh cao mới. Nhưng chỉ một tháng sau, ông Vallls đã quay ra tuyên bố, người mà ông ủng hộ không phải là Benoît Hamon mà là ứng viên trung tả Emanuel Macron và kêu gọi mọi người dồn phiếu cho Macron.
Như vậy, đảng Xã hội đã mất đi sự đoàn kết thống nhất (theo đó cầm chắc thất bại) ngay từ trước khi diễn ra cuộc bầu cử. Một nhà bình luận chính trị đã dự báo: “Họ sẽ rất khó có thể thống nhất lại. Quan điểm của họ về phái tả quá khác xa nhau. Dù họ có thể đàm phán về chương trình hành động chung, nhưng còn lý tưởng của Đảng thì thế nào?
Lập trường của đảng Xã hội bị giáng một đòn mạnh vào cuối mùa hè thu năm 2016. Khi đó chính phủ của ông Valls đã thông qua sửa đổi Luật Lao động, theo đó nhiều người cho rằng, không những không phản ánh những lý tưởng của Đảng Xã hội mà còn đi ngược lại. Thực tế đó là sự xét lại Quy tắc Lao động được soạn thảo sau thảm họa năm 1906 ở miền Bắc nước Pháp làm 1099 công nhân thiệt mạng. Khi đó, dưới áp lực của công đoàn, Chính phủ đã phải chấp nhận công thức chế độ lao động được gọi là 3 số 8 (8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ ngủ).
Khi tổng thống Hollande tuyên bố, chính phủ cần làm cho luật lao động thích ứng được với nhu cầu của các công ty và giới kinh doanh, nhiều người coi đó là sự phản bội lại lý tưởng của Đảng. Luật mới thay đối công thức thời gian làm việc, mang lại cho các công ty nhiều khả năng tăng giờ làm một cách hợp pháp. Ông này cũng cho phép Bộ Lao động tạm thời áp dụng tuần làm việc 60 giờ trong những “điều kiện đặc biệt”.
Mùa thu năm 2016 đã nổ ra phong trào thanh niên mạnh mẽ để chống lại những sự thay đổi đó. Họ đốt xe, đánh nhau với cảnh sát, phá các trung thâm thương mại. Các đảng và phong trào cánh tả cũng chống lại đảng Xã hội. Trong số những người chống đối có rất nhiều đại diện của tầng lớp trung lưu và cả những người lao động giản đơn mà đảng Xã hội thường đấu tranh để giành sự cảm tình.
Thăm dò dư luận cho thấy, 48% công nhân nhà máy công xưởng sẽ bỏ phiếu cho lãnh đạo Phòng trào quốc gia Le Pen 19% bỏ phiếu cho ứng viên cực hữu Jean-Luc Mélenchon, 33% ủng hộ Macron và chỉ có 10% bỏ phiếu cho Hamon. Lấy lại được lá phiếu của công nhân sẽ không phải dễ và trong cuộc bỏ phiếu lần này đảng Xã hội sẽ không thể giải quyết được. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, cuộc khủng hoảng lần này của đảng Xã hội là trầm trọng nhất kể từ những năm 1960 trở lại đây.
Trong bối cảnh đó, một cựu đảng viên Xã hội, ông Jean-Luc Mélenchon nhưng hiện nay đã đi theo lý tưởng cực tả lại giành được sự ủng hộ ngày càng tăng. Điều tra dư luận cho thấy ông này nhận được 17% số phiếu ủng hộ, tương đương số phiếu của bà Le Pen của Mặt trận Nhân dân và lãnh tụ Đảng Cộng hòa François Fillon.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, trong cuộc bầu cử lần này, các lực lượng cực tả và cực hữu ở Pháp đều tranh giành một tầng lớp cử tri.
Chính vì thế, kết quả vòng một là khó dự đoán. Chỉ có một điều chắc chắn, tổng thống mới của nước Pháp không phải là người của đảng Xã hội.