Trong bài viết ngày 21.5, Nikkei Asian Review nhận xét rằng so với Trung Quốc, Việt Nam nhỏ hơn về kinh tế 54 lần và về hải quân là 10 lần, nhưng Việt Nam có một con bài lợi hại trong tay là Vịnh Cam Ranh.
Vịnh Cam Ranh là một trong những vịnh có tầm chiến lược quan trọng nhất ở châu Á. Mỹ từng sử dụng nơi đây làm trung tâm của các hoạt động hải quân trong chiến tranh Việt Nam.
Bây giờ, Hải quân Mỹ muốn tiếp cận vịnh này và gặp sự cạnh tranh chiến lược với Nga về việc sử dụng vịnh, theo nhận định của Nikkei Asian Review. Việt Nam rất có thể làm thay đổi cán cân quyền lực ở vùng biển châu Á-Thái Bình Dương chỉ đơn giản bằng cách cho phép một hay nhiều bên được tiếp cận vịnh chiến lược này.
Ngày 11.3 vừa qua, Reuters đưa tin chính phủ Mỹ đã đề nghị Việt Nam ngừng cho phép Nga sử dụng căn cứ quân sự tại Vịnh Cam Ranh. Lý do theo các quan chức Mỹ phàn nàn rằng máy bay ném bom Nga thường lượn quanh Guam, nơi có căn cứ không quân Mỹ, và được tiếp nhiên liệu từ máy bay tiếp dầu của Nga từ Cam Ranh bay ra.
Quân cảng Cam Ranh cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600 km (về phía tây quần đảo này) và cách quần đảo Trường Sa 800 km (về phía tây bắc quần đảo này). Tàu thuyền từ Vịnh Cam Ranh có thể dễ dàng tiến vào Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca. Lịch sử cho thấy giá trị của Vịnh Cam Ranh với các căn cứ hải quân và không quân: Trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật 1904-1905, Hạm đội Baltic của Nga từng ghé lại đây, và đế quốc Nhật Bản đã sử dụng cơ sở này trong Thế chiến II.
Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Liên Xô và sau đó là Nga thuê các cơ sở tại Vịnh Cam Ranh từ năm 1979 đến năm 2002. Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Vịnh Cam Ranh mất đi tầm quan trọng chiến lược của nó. Nhưng sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông đã làm thay đổi vấn đề này.
Việt Nam cho biết không muốn cấp quyền ưu đãi cho bất cứ quân đội nước nào sử dụng Vịnh Cam Ranh, và đã từ chối yêu cầu lặp đi lặp lại của Mỹ về việc này, theo Nikkei Asian Review. Động thái rõ ràng của Việt Nam cho Nga tiếp cận vịnh được coi là một nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ với Moscow, nước hỗ trợ quân sự chính trong chiến tranh Việt Nam.
|
Ba tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Việt Nam tại Vịnh Cam Ranh. Đến năm 2016, Hải quân Việt Nam sẽ có 6 chiếc tàu ngầm Kilo, góp phần gia tăng sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển đảo - Ảnh: Mai Thanh Hải |
Tính đến tháng 3.2015, Hải quân Việt Nam có 3 tàu ngầm lớp Kilo do Nga đóng được triển khai ở Vịnh Cam Ranh, và sẽ có thêm 3 chiếc nữa tính đến năm 2016. Việc tàu chiến Nga ghé cảng Cam Ranh thường xuyên sẽ làm cho Việt Nam có những tư vấn dễ dàng hơn về hoạt động và chiến lược của tàu ngầm.
"Việt Nam rất có thể đã được bảo đảm bằng lời cam kết của Nga để nâng cấp vũ khí và các hệ thống khí tài khi cho phép Nga sử dụng Vịnh Cam Ranh", một nhà ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội cho biết, theo Nikkei Asian Review.
Chính phủ Việt Nam đã im lặng về việc cho Nga sử dụng Vịnh. Điều này là vì Việt Nam muốn tăng cường quan hệ với Mỹ nhiều hơn so với Nga.
Năm 2015 này đánh dấu kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ trở thành Tổng bí thư đầu tiên của Việt Nam đến thăm Mỹ, sớm nhất là có thể vào tháng 6.
Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc, chiếm 11,7% tổng giá trị thương mại.
Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, kéo dài khoảng 40 năm. Cho đến nay, những hạn chế này được nới lỏng chỉ với các mặt hàng liên quan đến phòng thủ hàng hải. Việt Nam dường như quan tâm đến việc mua máy bay chống tàu ngầm và tàu tuần tra biển tốc độ cao.
Khoảng 95% số vũ khí của Việt Nam là do Nga cung cấp, hầu hết đều đã cũ. Các quan chức Việt Nam cũng nhận thức rằng vũ khí của Mỹ thì luôn có dịch vụ hậu mãi và đào tạo tốt. Việt Nam có thể thay thế dần vũ khí, khí tài của Nga bằng vũ khí của Mỹ.
Hai tàu hộ tống tên lửa Lý Thái Tổ (012) và Đinh Tiên Hoàng (011) trong Vịnh Cam Ranh - Ảnh: Mai Thanh Hải |
Tàu Cảnh sát biển Nhật Bản Yashima (PLH22) thăm TP.Đà Nẵng từ 10 - 14.5.2015 - Ảnh: Nguyễn Tú |
Nhật Bản đang theo dõi sâu sắc những động thái phát triển này. Vào cuối tháng 4.2015, Reuters đưa tin Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã bắt đầu xem xét tuần tra chung ở Biển Đông với Mỹ. Nhật Bản có một phi đội 70 máy bay trinh sát và săn ngầm P-3C. Nếu được phép sử dụng Vịnh Cam Ranh, "Nhật Bản có thể giám sát thường xuyên toàn bộ Biển Đông", một nhà ngoại giao tại Hà Nội nhận xét, theo Nikkei Asian Review.
Ngày 13.5, hai máy bay P-3C của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản đã bay đến Đà Nẵng, phía bắc của Vịnh Cam Ranh, trong một cuộc trao đổi quân sự. Đây là chuyến thăm thứ hai của máy bay P-3C Nhật Bản. Cho dù thời gian đó là cố ý hoặc tình cờ, Việt Nam đang gửi một thông điệp tới các nước láng giềng khi tình hình khu vực đang phát triển phức tạp hơn, theo Nikkei Asian Review.
Theo: Thanh Niên