Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 31/10 dẫn tờ The Diplomat Nhật Bản ngày 28/10 đăng bài viết "Hiện đại hóa quân sự của Việt Nam" của giáo sư Zachary Abuza, Học viện Quốc phòng Mỹ và nghiên cứu sinh Nguyễn Nhật Anh, Đại học Texas Mỹ.
Bài viết cho rằng 10 năm gần đây, sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có sự thay đổi căn bản, đã hình thành khả năng triển khai quân sự và bảo vệ lợi ích trên biển.
Hiện nay, Việt Nam đang bước vào giai đoạn củng cố sức mạnh, từng bước nâng cao thực lực quân sự và từng bước hình thành học thuyết quân sự.
Việt Nam đã sở hữu nhiều tài sản quân sự, đang đặt nền tảng cho tiếp tục phát triển quân đội, đặc biệt là học thuyết sát thực tế...
Ngân sách quốc phòng do Việt Nam công bố từ 1,3 tỷ USD năm 2006 tăng lên 4,6 tỷ USD năm 2015, đã tăng 258%. Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, năm 2015 chi tiêu quốc phòng của Việt Nam đứng thứ tư trong các nước Đông Nam Á, chỉ đứng sau Singapore, Indonesia và Thái Lan.
Những nước đứng trước Việt Nam này đều giàu có hơn hoặc có quy mô kinh tế lớn hơn Việt Nam. Đây là lần đầu tiên chi tiêu quốc phòng của Việt Nam vượt Malaysia.
Tuy nhiên, con số này có thể là dự đoán, hơn nữa chưa bao gồm ngân sách nghiên cứu phát triển.
Nhìn vào số người bình quân, chi tiêu quốc phòng của Việt Nam không cao. Năm 2015, chi tiêu bình quân đầu người chỉ có 49 USD, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 388 USD/người của ASEAN.
Mặc dù vậy, từ năm 2006 đến năm 2015, chi tiêu quốc phòng bình quân đầu người của Việt Nam đã xuất hiện tăng trưởng 300%.
Trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2015, Việt Nam là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 8 thế giới, so với quy mô nhập khẩu vũ khí đứng thứ 43 thế giới giai đoạn 2006 - 2010, mức tăng đạt 699%. Năm 2015, trong tổng số nhập khẩu vũ khí của các nước Đông Nam Á, Việt Nam đã chiếm trên 1/3.
Mặc dù Việt Nam coi trọng thúc đẩy hiện đại hóa quân sự, nhưng chi tiêu quốc phòng không có sự tăng trưởng quá nhanh, hơn nữa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam.
Ngân sách quân sự hàng năm đang tăng trưởng ổn định, nhưng tỷ lệ trong GDP duy trì mức tương tự. Ngân sách quân sự của Việt Nam tùy thuộc vào tình hình tăng trưởng kinh tế.
Trong các quân chủng, hải quân có được lợi ích lớn nhất từ hiện đại hóa quân sự. Việt Nam đã mua 6 tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Nga, trong đó Việt Nam đã tiếp nhận bàn giao 5 chiếc, 1 chiếc còn lại sẽ nhận được vào đầu năm 2017. Điều này giúp Việt Nam sở hữu một hạm đội tàu ngầm tiến tiến nhất trong khu vực.
Cho đến nay, Hải quân Việt Nam có xu thế phát triển mạnh mẽ. Từ năm 2011 đến năm 2015, tỷ lệ tàu hải quân trong nhập khẩu quốc phòng lên tới 44%.
Dự tính trong vài năm tới, Việt Nam sẽ còn duy trì quỹ đạo phát triển như vậy. Nhưng, cùng với việc lực lượng mặt đất trở thành trọng điểm quan tâm mới, tốc độ phát triển của hải quân có thể chậm lại.
Không quân Việt Nam ít ưu thế hơn các quân, binh chủng khác trên phương diện huấn luyện và bảo trì.
Mặc dù hiện đại hóa không quân đã đạt tiến triển, nhưng trong ngắn hạn sẽ còn tiếp tục phải đầu tư.
Theo đánh giá, Lục quân Việt Nam ở lại phía sau trên phương diện hiện đại hóa. Nhưng Thượng tướng Vũ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam gần đây cho biết tiến hành hiện đại hóa lực lượng mặt đất sẽ là một trọng điểm tiếp theo của hiện đại hóa quốc phòng.
Lực lượng bọc thép sẽ là trọng điểm quan tâm. Nhưng, do yếu tố giá cả, Việt Nam chưa có nhiều khả năng thay thế toàn bộ xe tăng T-55 cũ bằng xe tăng mới.
Mặc dù báo chí phương Tây phần lớn quan tâm tới thực lực mới của Hải quân Việt Nam, nhưng thực ra lực lượng tên lửa của Việt Nam có thể là vấn đề khiến nước ngoài quan tâm nhất.
Gần đây, Việt Nam đạt được thỏa thuận về việc mua sắm tên lửa hành trình siêu âm BrahMos tiên tiến do Ấn Độ và Nga hợp tác sản xuất, ngoài ra sẽ còn mua sắm tên lửa Club trang bị cho tàu ngầm và tàu nổi...
Rõ ràng, Việt Nam đã đạt được tiến bộ lớn trên phương diện thực lực quốc phòng và quân đội, Việt Nam tiếp nhận hệ thống vũ khí mới và liên kết chúng với nhau bằng một học thuyết quân sự để đảm bảo truyền thống nhưng hiện đại, tin cậy, hiệu quả và sát thực tế như thế nào cần có thêm thời gian quan sát - báo The Diplomat Nhật Bản nhận định.