Bao giờ chính thức triển khai 5G, giá cước có cao không, có tắt mạng 2G?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho các nhà mạng và quan chức của Bộ TT&TT trong buổi tọa đàm về 5G do CLB nhà báo CNTT Việt Nam tổ chức.

Viettel đã lắp đặt hơn 100 trạm gốc 5G tại Hà Nội và 50 trạm tại TP.HCM để kinh doanh thử nghiệm
Viettel đã lắp đặt hơn 100 trạm gốc 5G tại Hà Nội và 50 trạm tại TP.HCM để kinh doanh thử nghiệm

Một trong những chủ đề công nghệ “nóng” trên thế giới và Việt Nam hiện nay là triển khai công nghệ di động thế hệ thứ 5 (5G). Như chúng ta đã biết, ngày 30/11 vừa qua, Viettel chính thức khai trương kinh doanh thử nghiệm 5G tại Hà Nội. Khách hàng với điện thoại hỗ trợ 5G có thể trải nghiệm miễn phí dịch vụ 5G Viettel tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng. Sau Hà Nội, Viettel dự kiến tiếp tục mở rộng kinh doanh thử nghiệm tại Đà Nẵng và TP.HCM.

Cũng trong ngày 30/11, một nhà mạng khác là MobiFone đã triển khai thử nghiệm 5G tại quận 1,TP.HCM. Trước đó, ngày 26/11, VinaPhone cũng đã triển khai thử nghiệm tại TP.HCM và Hà Nội.

Như vậy, có thể thấy là các nhà mạng lớn đã bắt đầu “ném đá dò đường”. Họ đang triển khai kinh doanh thử nghiệm để đo lường nhu cầu của khách hàng cũng như kiểm tra tính tương thích của hệ thống với những công nghệ di động cũ.

Một trong những mối quan tâm của người dùng hiện nay là bao giờ 5G được thương mại chính thức và giá các gói cước 5G có đắt đỏ không. Trả lời cho vấn đề này, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, hiện cơ quan quản lý nhà nước đang hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho 5G, đưa ra các hướng dẫn cho nhà mạng cũng như tổ chức đấu thầu dải tần 5G. Các công việc này sẽ được hoàn thành trong năm 2021. Ông Nhã nói rằng việc triển khai thương mại chính thức 5G sẽ do các nhà mạng quyết định tùy theo nhu cầu của thị trường, nhưng trong năm 2021 sẽ không triển khai đồng loạt trên cả nước mà chỉ tập trung ở một số thành phố lớn, các khu công nghiệp, trường Đại học.

Về giá cước 5G, ông Nguyễn Văn Yên, Trưởng phòng Công nghệ VNPT cho biết VinaPhone đang triển khai thử nghiệm thương mại 5G tại Hà Nội và TP.HCM. Từ nay đến 31/1/2021, khách hàng dùng 5G sẽ được miễn phí data. Sau tháng 1, giá cước cơ bản có thể bằng với các gói 4G hiện nay. Với công nghệ 5G, VNPT dự kiến cung cấp các dịch vụ như truyền dữ liệu tốc độ cao, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), các dịch vụ tivi 4K, 8K, video 360 độ. Trong thời gian tới, khách hàng có thể trải nghiệm 5G qua app DigiLife của VNPT.

ông Nguyễn Văn Yên, Trưởng phòng Công nghệ, VNPT

ông Nguyễn Văn Yên, Trưởng phòng Công nghệ, VNPT

Đồng quan điểm đại diện VNPT, ông Mai Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm R&D của MobiFone nói rằng với tốc độ nhanh gấp 10 lần 4G thì 5G có thể giúp khách hàng trải nghiệm dịch vụ tivi 8K, trải nghiệm các trò chơi trực tuyến mà không bị giật, lag. 5G có thể giúp làm việc cộng tác một cách trôi chảy, chẳng hạn như các nhạc công ngồi ở những địa điểm khác nhau có thể cùng hòa tấu một bản nhạc mà không hề có độ trễ. Về giá cước, MobiFone sẽ tuân theo các quy định của nhà nước nhưng vẫn sẽ dựa trên nền tảng các gói cước 4G.

Ông Lê Bá Tân, Phó Tổng giám đốc Công ty mạng lưới Viettel nhận định rằng phải đến năm 2023 cho tới năm 2025 khi giá thiết bị mạng rẻ, người dân có nhu cầu cao thì mới phổ cập được 5G trên toàn quốc. Còn trong 1-2 năm tới thì 5G chỉ có thể triển khai ở một số thành phố lớn, một vài khu công nghiệp và trường Đại học. Nhà mạng sẽ lựa chọn nơi triển khai 5G hiệu quả để lắp đặt thiết bị, cung cấp dịch vụ. Hiện Viettel đã tự sản xuất được một số thiết bị mạng lõi, thiết bị truyền dẫn 5G micro. Viettel cũng đang bắt tay với VinGroup để phát triển thiết bị phát sóng 5G. Chiến lược tự chủ thiết bị là một trong những mục tiêu của Viettel nhằm đảm bảo an toàn cho hạ tầng viễn thông quốc gia, tránh sử dụng thiết bị tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Hiện 15% số trạm gốc 5G ở Hà Nội (100 trạm) đã sử dụng thiết bị do Viettel sản xuất. 50 trạm gốc ở TP.HCM đang sử dụng thiết bị của Nokia và Ericsson.

ông Lê Bá Tân, Phó Tổng giám đốc Công ty mạng lưới Viettel

ông Lê Bá Tân, Phó Tổng giám đốc Công ty mạng lưới Viettel

Đại diện cả 3 nhà mạng nói trên đều khẳng định rằng người dùng sẽ không phải đổi SIM khi đăng ký thuê bao 5G, chỉ cần có các điện thoại tương thích với 5G. Hiện các thiết bị có thể sử dụng 5G tại Việt Nam là Huawei P40 Pro, Nokia 8.3, Oppo Find X2 và X2 Pro, Xiaomi Mi 10T Pro. Riêng các mẫu điện thoại 5G của Samsung và Apple vẫn chưa hoạt động được, các nhà mạng vẫn đang làm việc với 2 hãng trên để nâng cấp phần mềm nhằm tương thích với mạng lưới ở Việt Nam.

Khi đưa 5G vào sử dụng, hệ thống mạng di động của Việt Nam sẽ chạy cùng lúc 4 công nghệ gồm 2G, 3G, 4G và 5G. Điều này sẽ tiêu tốn rất nhiều tài nguyên và thiết bị. Bộ TT&TT đã có kế hoạch ngắt sóng 2G và sau đó là 3G. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phong Nhã, Bộ TT&TT vẫn chưa xác định được thời điểm ngắt 2G bởi lượng thuê bao 2G – những người sử dụng điện thoại phổ thông chỉ để nghe gọi – vẫn còn rất lớn, tới 22 triệu thuê bao. Thuê bao 3G hiện nay cũng khoảng 5,5 triệu.

Video ông Nguyễn Phong Nhã nói về việc ngắt sóng 2G

Bộ đã tính đến các giải pháp để loại bỏ công nghệ 2G ra khỏi mạng lưới, đó là chương trình trợ giá cho các smartphone giá rẻ (hoạt động trên nền 3G, 4G); cung cấp cho vùng nông thôn các dịch vụ thoại trên nền 4G thay thế cho 2G; phủ sóng 4G cho những nơi chất lượng sóng chưa tốt; thực hiện các chương trình tuyên truyền cho người dân để họ sử dụng thạo các thiết bị thông minh thay thế cho các thiết bị cũ.

Là một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, Huawei hàng năm dành 10% doanh thu, tương đương 19,3 tỉ USD cho nghiên cứu phát triển (R&D). Riêng số tiền R&D cho 5G là khoảng 5 tỉ USD. Ông Nguyễn Duy Lâm, chuyên gia giải pháp của Huawei cho biết, tính đến tháng 11 trên thế giới có 118 nhà mạng đã cung cấp dịch vụ 5G chính thức cho người dùng. Thực tế triển khai 5G ở các nước gặp phải 3 vấn đề chính là: mật độ trạm phải dày hơn 4G, phải cải tạo lại hạ tầng hiện có, và phải rút ngắn thời gian triển khai vì nhà mạng càng đi sau thì thị phần càng bé lại.

Huawei cũng ước tính B2B là dịch vụ trọng yếu của 5G, ước tính tạo ra 6,9 nghìn tỉ USD cho kinh tế toàn cầu. Huawei kiến nghị các nhà mạng cần chuẩn bị sẵn sàng để mạng lưới đáp ứng được nhu cầu dịch vụ B2B. Một kinh nghiệm mà Huawei gửi đến các nhà mạng là: để tăng tốc được 5G thì phải đảm bảo được công nghệ, thiết bị và giá thành.

Từng là “thủ lĩnh” phụ trách mảng viễn thông của Bộ TT&TT, nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhận định rằng việc phát triển 5G phải hài hòa lợi ích của các bên: nhà mạng, nhà cung cấp thiết bị và người dùng. Ông Lê Nam Thắng đánh giá rằng việc các nhà mạng kinh doanh thử nghiệm 5G ở thời điểm này là hợp lý. Còn việc triển khai chính thức 5G cần phải xem xét đến các yếu tố như: thiết bị đầu cuối đã sẵn sàng chưa, giá thành hợp lý chưa, các ứng dụng 5G đã sẵn có chưa, nhu cầu người dùng ra sao.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, thách thức lớn nhất là chọn thời điểm triển khai 5G. Nhưng nhà nước chỉ nên giữ vai trò quy hoạch chung chứ không nên ấn định thời điểm triển khai cho từng doanh nghiệp, bởi mỗi doanh nghiệp có điều kiện, thế mạnh phát triển riêng, chưa chắc doanh nghiệp cung cấp sau đã là kém phát triển hơn doanh nghiệp cung cấp trước. “Nhà nước chỉ nên định hướng chứ không nên cầm tay chỉ việc”, ông Lê Nam Thắng nói.

nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng

nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng

Nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng nói rằng đối với các nhà mạng doanh thu data hiện chiếm khoảng 30-35%. Hai phần ba doanh thu của các nhà mạng thuộc về thoại và tin nhắn, cho nên 5G chưa phải là dịch vụ sẽ đem lại nhiều tiền nhất cho nhà mạng. Các nhà mạng cần cân nhắc thời điểm cung cấp chính thức 5G, bởi “triển khai đúng mang lại nhiều cơ hội, triển khai sai thời điểm sẽ đem đến nhiều thách thức”, ông Thắng nói.

Ông Lê Nam Thắng cũng cảnh báo rằng việc nhà mạng tự sản xuất thiết bị phải thuân thủ các bản quyền phát minh sáng chế, tránh sao chép công nghệ để không bị dính vào các vụ kiện tụng.

Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng Tích hợp Hệ thống – Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho biết, hồi tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 749 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong đó xác định 5G là yếu tố cơ bản để chuyển đổi số thành công. Cục Tin học hóa sẽ đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương để hiện thực hóa các mục tiêu trong các quyết định của Chính phủ và các quy định của Hội đồng nhân dân địa phương.