Báo động: 30% số người trưởng thành thừa cholesterol do ... lười ăn rau

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Việc ăn ít rau, nhiều thịt không chỉ gây ảnh hưởng đến chế độ dinh dưỡng mà còn tích luỹ cholesterol xấu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (Ảnh: Đức Anh)
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (Ảnh: Đức Anh)

Thông tin trên được PGS. TS. Lê Bạch Mai – nguyên phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia - cho biết tại lễ phát động “Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể” do Bộ Y tế tổ chức vào sáng nay (16/10).

Cứ 10 người thì có 3 người thừa cholesterol

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Ở nước ta, số người thừa cholesterol trong cơ thể đang ở mức báo động và có xu hướng tiếp tục gia tăng. Trung bình cứ 10 người trưởng thành thì có 3 người thừa cholesterol trong cơ thể. Hơn 50% phụ nữ trung niên trong độ tuổi 50-65 tuổi bị thừa cholesterol.

Thực tế, cứ 10 người tử vong thì có 7 người mắc bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là bệnh tim mạch. Đa số người mắc bệnh tim mạch đều bị thừa cholesterol. Cứ 10 người thì 3 người có chỉ số Cholesterol cao vượt ngưỡng, hơn ½ phụ nữ trong độ tuổi 50-69 thừa cholesterol mắc đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mạn tính.

Ước tính, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp, 3,5 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và gần 126.000 ca mắc ung thư, rối loạn tâm thần.

"Tỷ lệ thừa cholesterol ở Việt Nam đang tăng cao, chủ yếu xuất phát từ lối sống ít vận động, đặc biệt là thói quen ăn uống và chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý và việc nhìn nhận tầm quan trọng của vấn đề này chưa đúng đắn.” – ông Sơn nói.

Để khắc phục thực trạng này, Bộ Y tế sẽ triển khai các hoạt động trong “Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể” nhằm tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe trong cộng đồng và quản lý các bệnh không lây nhiễm ngay từ y tế cơ sở. Các buổi truyền thông, tư vấn và xét nghiệm miễn phí cho người dân sẽ được tổ chức tại 5 tỉnh/thành phố và 15 bệnh viện trên cả nước.

Tuổi càng cao, nguy cơ tăng cholesterol càng lớn

Theo PGS. TS. Lê Bạch Mai – nguyên phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia – cholesterol là chất béo được sản xuất từ tế bào gan và một phần thức ăn có nguồn gốc động vật. Cholesterol là thành phần quan trọng của lipid máu, đóng vai trò trong cấu tạo tế bào, cân bằng hormon trong cơ thể và sản xuất vitamin. Cholesterol trong cơ thể gồm cholesterol tốt cholesterol tốt (HDL) và cholesterol xấu (LDL).

Xu hướng tăng cholesterol tăng dần theo tuổi. Tuổi càng cao, nguy cơ tăng cholesterol càng lớn. Đối tượng có nguy cơ cao tăng Cholesterol là những người trong gia đình có cholesterol máu cao; phụ nữ sau mãn kinh; người có chế độ ăn uống hàng ngày chứa nhiều chất béo bão hoà; thừa cân, béo phì, đặc biệt là những người bị đái tháo đường, suy giáp.

PGS. TS. Lê Bạch Mai – nguyên phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Ảnh: Minh Thuý)

PGS. TS. Lê Bạch Mai – nguyên phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Ảnh: Minh Thuý)

Nguyên nhân chính gây tăng cholesterol máu là do thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh, ăn ít rau, hấp thụ nhiều chất béo no như thịt đỏ, các loại sữa, kem, bơ, phomai, bánh ngọt, nội tạng động vật,…; ít vận động (ngồi, nằm quá nhiều); thường xuyên hút thuốc, sử dụng rượu, bia,…

“Thực tế, có tới 51% phụ nữ và 63% nam giới tiêu thụ ít rau quả. Việc tiêu thụ ít chất xơ không chỉ gây ảnh hưởng đến chế độ dinh dưỡng mà còn tích luỹ cholesterol xấu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm. Nếu bổ sung đủ chất xơ, cơ thể sẽ loại bỏ cholesterol xấu ra khỏi cơ thể” – bà Mai nói.

Việc ăn nhiều chất béo động vật đến từ các loại đồ ăn nhanh như gà rán, khoai tây chiến,…không tốt với cơ thể, làm tăng cholesterol trong máu. Do đó, mỗi người không nên hấp thụ chất béo động vật vượt quá 50% mà cần cân bằng chất béo động vật với thực vật trong bữa ăn hàng ngày.

Để kiểm soát cholesterol trong máu, mỗi người cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Theo bà Mai, lòng đỏ trứng có chứa cholesterol tốt nhất trong thực phẩm hiện nay. Vì thế, mỗi người nên ăn từ 2-3 quả/ tuần, duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh.

Tiêu diệt thủ phạm chính gây bệnh tim mạch

Thông tin về tình trạng tối loạn lipid máu và nguy cơ bệnh tim mạch, TS. Vũ Ngọc Trung - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội – cho hay: Tăng Cholesterol máu là “thủ phạm chính” gây bệnh tim mạch. Đa số người bệnh không có biểu hiện đặc biệt, chủ yếu thể hiện qua các yếu tố nguy cơ.

Không chỉ vậỵ, thói quen hút thuốc lá, chế độ ăn không phù hợp, ít vận động thể lực, mắc bệnh tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường là các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch.

Các chuyên gia trao đổi về tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể (Ảnh: Minh Thuý)

Các chuyên gia trao đổi về tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể (Ảnh: Minh Thuý)

Ngoài những yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch, người cao tuổi có tỷ lệ rối loạn mỡ máu cao. Việc tăng cholesterol trong máu có thể dẫn đến tình trạng các mảng xơ vữa động mạch bị vỡ và di chuyển trong lòng mạch tiềm ẩn nguy cơ tắc nghẽn mạch, cơ thể thiếu máu nuôi các cơ quan do động mạch nuôi dưỡng gây ra tai biến mạch máu não (đột quỵ), nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành và tăng huyết áp.

Hiện nay, Việt Nam có tới 60% bệnh nhân không đạt được mục tiêu hạ cholesterol trong máu. Khi được bác sĩ khám, kê đơn, người bệnh chỉ ỷ lại vào đơn thuốc mà không quan tâm đến các vấn đề khác như chế độ ăn uống, lối sống. Vì thế, ông Trung khuyến cáo mỗi người cần có chế độ ăn uống hợp lý vì cholesterol chỉ có ở thực phẩm động vật, thức ăn chay không chứa cholesterol, đồng thời, thay đổi lối sống bằng cách rèn luyện thân thể; cai thuốc lá; kiểm soát stress; duy trì sinh hoạt giao tiếp lành mạnh.