Câu chuyện Chạy đua khuyến mại và Sự lãng phí
Không phủ nhận kể từ khi xuất hiện tại thị trường di động Việt Nam, hình thức thuê bao di động trả trước đã tạo nên sự đột phá về số lượng thuê bao nhờ sự tiện lợi. Nhưng khi các nhà mạng chạy đua khuyến mại để tranh giành thuê bao, đã dẫn đến hệ quả là người dùng di động đổi SIM liên tục, mua SIM rác sử dụng để hưởng khuyến mại thay vì nạp thẻ cào.
Tình trạng này vô hình chung đã gây ra lãng phí tài nguyên kho số viễn thông. Hậu quả là các nhà mạng bị “cháy kho số” di động 10 số dẫn tới việc phải xin cấp thêm đầu số thuê bao 11 số, khiến việc quản lý đầu số di động trở nên phức tạp hơn. Phát hành SIM với số lượng lớn chỉ có lợi cho doanh nghiệp trong một thời gian ngắn, nhưng đây là việc làm không bền vững, ảnh hưởng đến an ninh thông tin và trật tự an toàn xã hội.
Cùng với đó, việc chạy đua khuyến mại SIM trả trước, còn dẫn tới hệ lụy là vấn nạn SIM kích hoạt sẵn, khai sai thông tin chủ thuê bao. Các đại lý tự kích hoạt SIM dẫn tới việc rất nhiều SIM trả trước có thông tin thuê bao trùng nhau hoặc không chính xác. Trong khi đó, theo quy định về dịch vụ viễn thông, mỗi cá nhân chỉ được sở hữu tối đa 3 số thuê bao trên cùng một mạng di động.
Để giải quyết vấn nạn này, có thời kỳ Bộ TT&TT đã phải ra chỉ thị yêu cầu các nhà mạng “phải xây dựng hệ thống kỹ thuật có khả năng ngăn chặn tin nhắn rác“. Vấn đề ở đây là, nhà mạng gây nên nạn SIM rác - tin nhắn rác, sau đó chính nhà mạng lại phải đầu tư nhân tài, vật lực để xây dựng hệ thống kỹ thuật chặn cái mà mình gây ra. Thế là, từ lãng phí này lại kéo theo lãng phí khác...
SIM rác gây nguy hại xã hội, phiền nhiễu nhân dân
Trên thực tế, hậu quả của SIM rác gây ra đối với xã hội là rất nghiêm trọng. Do tính chất mua bán dễ dàng nên những số thuê bao này được nhiều đối tượng sử dụng để gửi tin nhắn nặc danh, lừa đảo, gây rối, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế và cuộc sống của người dân. Không những thế, nó còn ảnh hưởng tới vấn đề an ninh xã hội, an ninh thông tin khi mà có những tổ chức, cá nhân cố tình dùng SIM rác để gửi những tin nhắn bôi nhọ người khác, tống tiền, thậm chí còn là công cụ của tội phạm, khủng bố.
Trong thời gian qua, ở nhiều vụ trọng án, nhất là các vụ án liên quan ma túy, lừa đảo, trộm cắp cước viễn thông quốc tế, tội phạm thường sử dụng SIM rác để che giấu hành vi phạm tội. Trong quá trình phá án, bắt giữ, khám xét đối tượng phạm tội, lực lượng công an đã thu được rất nhiều SIM rác.
Điển hình như ngày 12/3/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Thị Thành, sinh năm 1991, trú phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông để điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, do làm ăn thua lỗ lâm vào cảnh nợ nần, nên vào khoảng giữa năm 2018 Nguyễn Thị Thành đã đưa ra thông tin gian dối để vay tiền của nhiều người rồi sử dụng vào việc trả nợ xoay vòng. Thành đã dùng sim rác điện thoại rồi lưu tên sim rác đó vào máy điện thoại của mình là cán bộ một số ngân hàng, sau đó dùng sim điện thoại ấy tự nhắn tin vào số máy điện thoại của mình để tạo ra những cuộc hội thoại về việc cán bộ ngân hàng giới thiệu các khoản vay đáo hạn.
Sau đó Thành chụp màn hình những tin nhắn này gửi qua điện thoại hoặc mạng xã hội (Zalo, Facebook, Messenger) cho nhiều người tạo niềm tin, để họ vay tiền và chiếm đoạt tài sản sử dụng vào mục đích trả nợ.
Với những thủ đoạn trên, Nguyễn Thị Thành đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Hay trước đó, vào tháng 6/2018, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Đà Nẵng đã tiếp nhận đơn tố cáo của bị hại là ông L.H.T. trú TP.HCM về việc ông bị lừa chiếm đoạt mất 22 triệu đồng sau khi chuyển tiền đặt cọc mua xe máy qua mạng.
Ông T. cho biết đã vào trang web Shopee thấy có tin rao bán xe máy với giá 30 triệu đồng. Ông T. liên hệ với người rao bán và được hướng dẫn chuyển tiền qua tài khoản, nhưng sau đó thì bị lừa mất 22 triệu đồng tiền cọc.
Để thực hiện hành vi trên, các đối tượng lợi dụng và mua sim rác trôi nổi trên thị trường. Sau đó, đăng các số điện thoại này trên các trang web như shopee, muaban, raovat… với nội dung bán xe máy thanh lý giá rẻ, như xe SH giá 70 triệu đồng thì bán 30 triệu đồng.
Khi bị hại đặt cọc, chuyển tiền mua xe thì các đối tượng cung cấp các tài khoản ngân hàng. Vì ham xe rẻ nên nhiều người cắn câu với tổng số tiền đã chuyển vào các tài khoản và bị chiếm đoạt là trên 2 tỉ đồng. Số người bị hại xác định sơ bộ hơn 300 người trong khắp cả nước...
Đáng lo lắng, một hệ lụy nghiêm trọng từ SIM rác có thể xảy ra đối với những người có thông tin cá nhân là chủ thuê bao “ma” (dù không hề đăng ký thông tin cá nhân cho thuê bao) thì việc “vô tình” làm chủ số lạ sẽ khiến họ vướng vào rắc rối nếu số thuê bao kia được sử dụng vào mục đích xấu như đe dọa, tống tiền người khác...
(ảnh Báo đầu tư)
|
Để giải quyết vấn nạn SIM rác – tin nhắn rác, Chính phủ đã ban hành Nghị định 49/2017/NĐ-CP vào giữa năm 2017 nhằm mục đích thắt chặt quản lý thuê bao di động trả trước, loại bỏ tình trạng sim rác, sim ảo. Đáng chú ý, Nghị định quy định rõ: Trong thời gian 3 tháng kể từ ngày nghị định có hiệu lực, các doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm ký hợp đồng với các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền; rà soát, thông báo, thanh lý hợp đồng, thu hồi toàn bộ các SIM thuê bao di động đã được doanh nghiệp phân phối cho các đại lý.
Sau thời gian này, các điểm đăng ký thông tin thuê bao, đại lý phân phối SIM thuê bao đang hoạt động nếu không được doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại nghị định này phải ngừng hoạt động tiếp nhận, đăng ký thông tin thuê bao, bán SIM…
Quy định là vậy, thế nhưng, đến nay thực trạng mua bán SIM kích hoạt sẵn vẫn diễn ra công khai, bất chấp và ngày càng có hình thức tinh vi hơn. Điều này quả thực đáng lo ngại vì nếu không xử lí triệt để, nghiêm minh sẽ dẫn đến những hệ quả “khôn lường” ảnh hưởng không nhỏ đến người dân và toàn xã hội.
Mời bạn đón đọc tiếp phần 3: Người dùng bức xúc vì SIM rác