Nguyên tắc “6 kiên trì” và mục tiêu “5 hóa”
Nguyên tắc cải cách quân đội của ông Tập Cận Bình là lấy việc xây dựng cải cách các cơ quan bộ tổng, Khu tác chiến (Bộ Tư lệnh chiến trường) và các quân chủng làm chủ yếu theo nguyên tắc cơ bản gồm "6 kiên trì": Kiên trì phương hướng chính trị đúng đắn; kiên trì tập trung cho tác chiến; kiên trì tạo ra động lực mới; kiên trì thiết kế quy hoạch hệ thống; kiên trì tư duy pháp trị; kiên trì ổn định tích cực.
Mục tiêu tổng thể được vạch ra là: “tới năm 2020 phải đạt được tiến triển đột xuất về cải cách thể chế quản lý lãnh đạo, thể chế chỉ huy tác chiến liên hợp; phải đạt được thành quả quan trọng về các mặt cải cách ưu hóa cơ cấu quy mô, hoàn thiện chế độ chính sách, thúc đẩy phát triển sâu rộng quân dân kết hợp, xây dựng được một hệ thống lực lượng quân sự hiện đại hóa mang màu sắc Trung Quốc để đánh thắng cuộc chiến tranh tin học công nghệ cao, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ và sứ mệnh được giao…”.
Cải cách quân đội được coi là ván cờ quan trọng của ông Tập Cận Bình
|
Mục tiêu cụ thể là giảm biên chế quân đội, nâng cao chất lượng, ưu hóa cơ cấu quy mô binh lực, xây dựng một quân đội hiện đại hóa tinh nhuệ, chất lượng cao. Biên chế phải phát triển theo hướng thiết thực, hợp thành, đa năng, linh hoạt. Xây dựng được một hệ thống lực lượng quân sự hiện đại có khả năng đánh thắng trong cuộc Chiến tranh tin học công nghệ cao, hoàn thành có hiệu quả các nhiệm vụ được giao; “xây dựng một quân đội nhân dân có năng lực tác chiến và đánh thắng, xây dựng một lực lượng tác chiến tinh nhuệ, có cơ cấu và biên chế ưu việt, hợp lý; chuyển từ mô hình số lượng đông sang mô hình chất lượng hiệu quả”.
Tham vọng của ông Tập Cận Bình là thực hiện được “5 hóa”, tức là: “Tinh nhuệ hóa, nhất thể hóa, gọn nhỏ hóa, từng khối hóa, đa năng hóa”, nhằm bắt kịp với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mới, nhất là công nghệ cao, với mục tiêu “lấy khống chế tầm xa, tầm cao và biển khơi làm chính”.
Giảm 300.000 so với trước
Về biện pháp: Điều chỉnh lại các cơ quan lãnh đạo chỉ huy, giải thể các tổng bộ Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Trang bị, chuyển thành các bộ công tác, thực hiện chế độ nhiều ngành trực thuộc Quân ủy; xây dựng cơ cấu lãnh đạo Lục quân, hoàn thiện thể chế lãnh đạo chỉ huy các quân binh chủng trong toàn bộ quân đội; giải thể 7 Đại quân khu, xây dựng cơ cấu chỉ huy tác chiến binh chủng hợp thành ở 5 Khu tác chiến (Bộ Tư lệnh chiến trường) miền Bắc, miền Nam, miền Đông, miền Tây và Trung tâm.
Cuộc cải cách quân đội được kỳ vọng kết thúc trước năm 2020, với Ban cải cách của Quân ủy trung ương thành lập tháng 3/2014 do Chủ tịch Quân ủy trung ương Tập Cận Bình làm Trưởng ban và các Phó ban là Phó chủ tịch Quân ủy.
Ông Tập Cận Bình duyệt đội ngũ
|
Sau khi cải cách, quân đội Trung Quốc sẽ có: hệ thống chỉ huy tác chiến theo mô hình: Quân ủy trung ương – Khu tác chiến – Đơn vị tác chiến; Hệ thống quản lý chỉ đạo: Quân ủy trung ương – Quân chủng – Đơn vị tác chiến. Cơ chế này cho phép quyền quản lý các lực lượng, địa bàn của quân đội được tập trung tối đa trong tay Quân ủy trung ương, do ông Tập làm Chủ tịch.
Sau khi hoàn thiện cải cách, tổng số quân thường trực sẽ còn khoảng 2 triệu người, giảm 300.000 so với trước, trong đó Lục quân khoảng hơn 1 triệu người; quân chủng Tên lửa chiến lược (thành lập tháng 12/2015 trên cơ sở Bộ đội Pháo binh 2) khoảng 150.000 người; Hải quân khoảng 300.000 người, lính thủy đánh bộ hơn 100.000, tăng thêm tàu sân bay cho Hải quân; Không quân 398.000 người; thành lập mới Quân chủng Chi viện chiến lược (tháng 12/2015) chưa rõ quân số.
Giới phân tích quốc tế nhận xét, cho đến nay về cơ bản cuộc cải cách đã đạt được yêu cầu đề ra về tổ chức lại lực lượng; về chính trị ông Tập Cận Bình có vẻ đã hoàn toàn nắm quân đội, thanh lọc được những tướng lĩnh bị coi là “tàn dư độc hại” của các cựu Phó chủ tịch quân ủy Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, xây dựng được đội ngũ sĩ quan các cấp theo các tiêu chí mà cuộc cải cách đề ra. Tuy nhiên, không phải mọi lĩnh vực cải cách đều diễn ra thuận buồm xuôi gió…
(còn nữa)