Bác sĩ nói gì về việc uống rượu, bia sau tiêm vaccine phòng COVID-19?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19, người dân không nên uống rượu, bia. Bởi rượu, bia có thể gây ức chế miễn dịch trong cơ thể.
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - Hoàng Anh)
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - Hoàng Anh)

Đây là ý kiến của TS.BS. Vũ Minh Điền - Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – về việc uống rượu, bia sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19.

Không nên uống rượu, bia sau tiêm

Theo BS. Điền, vaccine phòng COVID-19 còn rất mới. Các loại vaccine phòng COVID-19 hiện nay đều được nghiên cứu và sản xuất trong thời gian chưa đầy 1 năm nên thuộc diện cấp phép sử dụng khẩn cấp. Hiện vẫn chưa có nghiên cứu về tác động của rượu, bia đối với vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, người dân vẫn được khuyến cáo không nên uống rượu, bia sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19.

"Đồ uống có cồn như rượu, bia khi uống nhiều có thể gây ức chế miễn dịch. Trong khi đó, mục đích của tiêm vaccine là để cơ thể tạo miễn dịch với mầm bệnh. Do đó, người dân không nên uống rượu, bia sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19" – BS. Điền nói.

TS.BS. Vũ Minh Điền - Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)

TS.BS. Vũ Minh Điền - Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)

Theo các chuyên gia y tế, tất cả các loại vaccine phòng COVID-19 đều đã được thử nghiệm trên những người có chế độ ăn uống bình thường. Vì thế, vaccine phòng COVID-19 đã được chứng minh có hiệu quả mà không cần bất kỳ chế độ dinh dưỡng đặc biệt nào. Tuy nhiên, một thực đơn ăn uống khoa học, hợp lý sẽ hỗ trợ tốt cho nhu cầu của cơ thể, kể cả trước và sau khi tiêm vaccine.

Sau khi tiêm vaccine, người dân không cần kiêng các loại thức ăn và đồ uống nếu không có tiền sử dị ứng với những thực phẩm này. Người dân nên hoạt động thể chất nhẹ nhàng, uống nhiều nước để giảm thiểu các tác dụng phụ thông thường của vaccine.

Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của các chuyên gia, để đảm bảo mũi tiêm an toàn, trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19 người dân cần phối hợp với nhân viên y tế, khai báo đầy đủ tiền sử bệnh tật, dị ứng, sử dụng các thuốc trong thời gian gần đây nếu có. Sau khi tiêm, người dân cần chủ động theo dõi sức khỏe bản thân trong thời gian 3 tuần.

Làm gì khi cơ thể xảy ra phản ứng sau tiêm vaccine phòng COVID-19?

Theo các bác sĩ, sau tiêm vaccine phòng COVID-19, người dân phải ở lại điểm tiêm chủng theo dõi 30 phút để phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm. Những phản ứng có thể xảy ra sau tiêm vaccine phòng COVID-19 gồm: Phản ứng toàn thân (sau vài giờ đến vài ngày): đau đầu; buồn nôn; đau mỏi cơ toàn thân; đau các khớp; ớn lạnh; mệt mỏi; sốt từ nhẹ đến rất cao,… Đây là các biểu hiện phổ biến, thường gặp sau tiêm vaccine. Ngoài ra, người tiêm vaccine có thể gặp phản ứng tại chỗ tiêm như: đau, sưng nóng, đỏ ngứa tại vị trí tiêm.

Bác sĩ khám sàng lọc trước tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân (Ảnh - Minh Thuý)

Bác sĩ khám sàng lọc trước tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân (Ảnh - Minh Thuý)

Nếu có các dấu hiệu bất thường nghiêm trọng như: Miệng bị ngứa, sưng môi, lưỡi, ngứa họng, căng cứng họng, tắc nghẹn họng, họng khản đặc; ngứa mắt, sưng phù mi mắt; da phát ban, sưng phù, tím tái; nôn, tiêu chảy, cảm giác co thắt đường ruột, đau bụng; thở dốc, ho, khó thở; thở khò khè, cảm giác nghẹt thở; mạch yếu, chóng mặt, choáng, cảm giác muốn ngã, chân tay co quắp thì người dân cần đến ngay các cơ sở y tế được phát hiện và xử trí kịp thời.

Bên cạnh đó, sau tiêm vaccine, người dân cũng có thể xuất hiện các biểu hiện của huyết khối (từ ngày 4-28 sau tiêm vaccine) gồm: Đau đầu dai dẳng, dữ dội; co giật; nhìn mờ hoặc nhìn đôi; đau ngực khó thở; đau bụng dai dẳng; đau và sưng phù hai chân; xuất huyết bất thường. Tuy nhiên, các biểu hiện này rất hiếm gặp.