Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định không có chuyện rút ống thở của người còn sống

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thông tin bác sĩ rút ống thở của cha mẹ để nhường cho sản phụ được bác sĩ Lê Quốc Hùng (Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy) khẳng định “không bao giờ rút ống thở của người còn sống”.
Bác sĩ Lê Quốc Hùng-Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - Ảnh: NVCC
Bác sĩ Lê Quốc Hùng-Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - Ảnh: NVCC

Phóng viên: - Thưa bác sĩ, xin ông cho biết, trong thực tế có trường hợp nào bác sĩ được phép quyết định rút ống thở của bệnh nhân? Đặc biệt là khi người đó là cha mẹ mình? Quy trình rút ống thở có cần hội chẩn không thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lê Quốc Hùng: - Không bao giờ các bác sĩ lại quyết định rút ống thở khi bệnh nhân còn đang sống, còn thở. Chúng tôi chỉ ngưng thở máy và rút ống thở trong trường hợp đã xác định bệnh nhân tử vong.

Một số bệnh nhân nếu đã thực sự hết hy vọng cứu, gia đình đã làm thủ tục xin đưa bệnh nhân về nhà, chúng tôi cũng vẫn không rút ống thở mà chuyển sang bóp bóng để chuyển bệnh nhân về, hoặc vẫn phải đưa máy thở theo xe về nhà riêng của bệnh nhân, tiếp tục để bệnh nhân thở máy cho tới lúc tử vong. Sau khi bệnh nhân tử vong, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn người nhà rút ống.

*Như vậy, để xác định bệnh nhân tử vong, cần bao nhiêu thời gian, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lê Quốc Hùng: - Khi đã xác định được trường hợp thất bại trong cấp cứu hồi sức, ngoài các biện pháp đo huyết áp, mạch không thấy nữa thì vẫn cần hai lần điện tim liên tiếp, mỗi lần cách nhau tối thiểu 15 phút, để xác định chắc chắn là tim của người bệnh không còn hoạt động. Chỉ khi này, mới được phép thông báo tới người nhà bệnh nhân. Nên sẽ không bao giờ có trường hợp bệnh nhân đang thở mà bác sĩ lại quyết định rút ống ra, nhường cho người khác.

*Cộng đồng mạng đang cho rằng bác sĩ Khoa thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy?

Bác sĩ Lê Quốc Hùng: - Hôm nay cũng có người từ nước ngoài gọi điện cho tôi hỏi về chuyện này. Nhiều năm công tác ở đây, tôi chưa từng nghe có bác sĩ Khoa như thế, thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy là chắc chắn không phải rồi.

Bác sĩ Lê Quốc Hùng khẳng định trong thực tế không bao giờ có chuyện rút ống thở của bệnh nhân chưa ngưng tim hoàn toàn
Bác sĩ Lê Quốc Hùng khẳng định trong thực tế không bao giờ có chuyện rút ống thở của bệnh nhân chưa ngưng tim hoàn toàn

*Thưa bác sĩ, trong thực tế có trường hợp nào một bác sĩ tương tự đang có người thân phải dùng máy thở, nhưng nhận được thông báo sau hội chẩn từ đồng nghiệp, cho rằng người thân không còn hy vọng, dẫn tới việc bác sĩ đã quyết định nhường lại máy thở cho sản phụ đang cần?

Bác sĩ Lê Quốc Hùng: - Tôi chắc chắn là không có trường hợp này, vì còn nhiều cách nữa. Chắc chắn không bao giờ có trường hợp quyết định ngưng máy thở của bệnh nhân này đưa cho bệnh nhân khác có khả năng sống cao hơn. Hoàn toàn có thể sử dụng phương án khác như sử dụng các máy thở cấp thấp hơn. Máy thở có nhiều loại, trung bình, nặng, dành cho loại bệnh tương ứng. Và thấp nhất thì vẫn có thể sử dụng cách bóp bóng để cứu cả hai bên.

*Nếu thật sự có trường hợp bác sĩ đã quyết định rút ống thở của người thân để cứu bệnh nhân khác thì có vi phạm y đức không, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lê Quốc Hùng: - Việc này cũng còn tuỳ quan điểm của từng quốc gia. Nếu bệnh nhân không còn cách nào để điều trị nữa thì họ vẫn còn quyền chấm dứt cuộc sống. Như Hà Lan đã chấp nhận chích thuốc cho những người ung thư không chữa khỏi để được tử vong ngay, tránh đau đớn. Nhiều quốc gia thì không chấp nhận cách xử lý này.

Với trường hợp ngoài cái chết nhân đạo, cụ thể ở đây là trường hợp cấp cứu tại Việt Nam, cho dù đang lúc dịch bệnh COVID-19 hoành hành, máy thở có thể thiếu nhưng chắc chắn không bao giờ có chuyện bác sĩ tự rút ống thở của cha mẹ mình để nhường cho người khác. Một bác sĩ đứng trước hai bệnh nhân đều cần dùng máy thở thì vẫn phải tìm giải pháp khác để cứu cả hai bên; không ai được phép rút của người này đưa cho người kia. Không bác sĩ nào có quyền chấm dứt mạng sống của bệnh nhân, cho dù có là người thân của mình hay không!

*Thưa bác sĩ, công chúng đang phẫn nộ vì những thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng đang lan truyền quá nhanh trên mạng? Đặc biệt là đúng vào lúc công cuộc chống dịch ở tâm dịch TP.HCM đang khó khăn, vất vả thế này?

Bác sĩ Lê Quốc Hùng: - Tôi cũng chưa hiểu bối cảnh thế nào mà lại tạo ra câu chuyện hư cấu đến thế. Các bác sĩ đang căng sức ra gấp mấy lần khả năng của chính họ để chống dịch và đã kiệt sức rồi nhưng vẫn dễ dàng trở thành những mục tiêu bị xúc phạm, bị lợi dụng, bị xuyên tạc để câu views, câu like. Có thể người làm không nghĩ hết về hậu quả, nhưng công chúng hãy hết sức tỉnh táo, giảm thiểu sự tác động từ các thông tin sai vì điều này sẽ xáo trộn cộng đồng, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình chống dịch. Thông tin sai tạo nên sự nghi ngờ, mất đoàn kết. Trong lúc này nhân viên y tế cực kỳ mệt mỏi, cần được động viên.