Bà Tôn Nữ Thị Ninh, ông Nguyễn Xuân Vang trở thành Tiến sĩ danh dự Đại học RMIT

VietTimes -- Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.Hồ Chí Minh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và ông Nguyễn Xuân Vang, nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT), Nguyên Hiệu trưởng Đại học Hà Nội vừa được trao bằng Tiến sĩ Danh dự của Đại học RMIT.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh nhận bằng Tiến sĩ Danh dự Đại học RMIT. Ảnh: FB RMIT
Bà Tôn Nữ Thị Ninh nhận bằng Tiến sĩ Danh dự Đại học RMIT. Ảnh: FB RMIT

Tại các buổi lễ Tốt nghiệp dành cho gần 1.400 tân khoa tại các cơ sở của Đại học RMIT Việt Nam, diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua, trường đã trao bằng Tiến sĩ Danh dự cho  ông Nguyễn Xuân Vang, nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT), Nguyên Hiệu trưởng Đại học Hà Nội, bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP. Hồ Chí Minh và nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và ông Don Lam, đồng sáng lập và Tổng giám đốc VinaCapital.

Giải Sinh viên Xuất sắc danh giá của Đại học RMIT Việt Nam tại cơ sở Hà Nội được trao cho Dương Hồng Nhung, Cử nhân Kinh doanh (Kinh doanh quốc tế). Hồng Nhung tốt nghiệp loại giỏi và có thành tích đáng nể trong nhiều hoạt động ngoại khóa.

Giải Sinh viên Xuất sắc cơ sở Nam Sài Gòn cũng được trao cho cử nhân ngành Kinh doanh (Kinh doanh quốc tế) Mai Đức Hiếu.

Trong Lễ Tốt nghiệp tại cơ sở Hà Nội, Giáo sư Gael McDonald, Hiệu trưởng Đại học RMIT Việt Nam khẳng định trong thời gian tới, trường sẽ  tập trung vào việc số hóa các tài liệu học tập, tạo điều kiện tối đa để sinh viên tiếp cận các thông tin dưới dạng nội dung số. Ngay trong năm học vừa qua, trường cũng đã đưa ra hệ thống quản lý học tập mới để việc học tập và giảng dạy thuận lợi hơn.

Ngoài ra, trường còn đầu tư vào không gian học mới - phòng Thực hành thực tế ảo nhằm xây dựng khả năng ứng dụng và sử dụng tăng cường thực tế ảo (AR) cũng như thực tế ảo (VR) cho sinh viên sử dụng.

Được biết, từ cuối năm ngoái, trường đã dần chuyển đổi gần 20 ngàn sách giáo khoa giấy sang định dạng trực tuyến, đồng thời khuyến khích sinh viên khai thác tối đa nguồn tư liệu trực tuyến với hơn 300 dữ liệu, 300 ngàn sách điện tử và 120 ngàn tài liệu nghiên cứu mà các học viên, sinh viên có thể truy cập bất kỳ lúc nào, từ bất cứ đâu.