Nhiều lần trong suốt lịch sử của mình, Apple đã định hình lại công nghệ tiêu dùng bằng cách tung ra các sản phẩm mới lạ. Vào ngày 5 tháng 6 tới đây, Giám đốc điều hành Apple, Tim Cook, sẽ lên sân khấu ảo tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu của Apple và cố gắng tạo một "khoảnh khắc iPhone" cho mẫu kính thực tế hỗn hợp sắp ra mắt.
Bất chấp sự lớn mạnh của Apple, một dấu hỏi đầy nghi ngờ vẫn được đổ dồn vào thiết bị mang tên Reality này. Thiết bị sẽ chạy trên hệ điều hành xrOS mới với mức giá khoảng 3.000 USD. Trên thực tế, hàng tỉ USD đã được đầu tư vào lĩnh vực này từ các công ty công nghệ lớn đến những nhà khởi nghiệp đầy tiềm năng, song thiết bị này vẫn chưa đạt được thành công mang tính bước ngoặt.
Nguồn tin nội bộ Apple cho biết, thiết bị mà ông Tim Cook chuẩn bị trình làng đã khác xa so với tầm nhìn ban đầu của ông. Ban đầu, chúng được tưởng tượng là một cặp kính mắt đơn giản có thể đeo cả ngày, qua thời gian thiết bị này đã trở nên to như một cặp kính trượt tuyết với hàng tá thiết bị điện tử phức tạp bên trong.
Đối với ông Tim Cook, việc phát hành sản phẩm này có thể là một trong những thay đổi lớn cuối cùng của ông với tư cách là Giám đốc điều hành Apple, và sẽ ảnh hưởng đến di sản của vị CEO này. Đối với Apple, đó là đỉnh cao của quá trình phát triển trị giá hàng tỉ USD và một số người trong công ty đã mô tả nó là nền tảng tiềm năng của thời kỳ hậu iPhone. Đối với những nhà nghiên cứu khác theo đuổi thực tế hỗn hợp và siêu dữ liệu, mẫu kính của Apple là cơ hội để chứng minh công nghệ này có thể phát huy hết tiềm năng như đã được hứa hẹn từ lâu.
Peggy Johnson, Giám đốc điều hành của Magic Leap, một công ty thực tế tăng cường đã huy động được 3,5 tỉ USD cho biết: “Tôi không đánh giá thấp khả năng của Apple trong việc phát triển đối tượng người tiêu dùng đại chúng cho thiết bị của mình. Có thể sẽ khó khăn để bắt đầu một thị trường mới nhưng bạn phải tin Apple. Họ giỏi những việc như thế này”.
Magic Leap không phải là công ty thực tế hỗn hợp duy nhất gặp khó khăn trong việc đạt được tham vọng lớn nhất của mình. Facebook chuyển đổi thành Meta vào năm 2021 với ước mơ biến dòng kính thực tế ảo Quest của mình thành một phương tiện dẫn đến siêu vũ trụ Metaverse. Tuy nhiên, kế hoạch này ngày càng đi quá xa khỏi tầm với và Meta đang phải chịu thiệt hại nặng nề cho những khoản đầu tư này.
Microsoft Corp đã phát hành phiên bản đầu tiên của kính HoloLens vào năm 2016, với hy vọng thiết bị này có thể trở thành một vương quốc cho các ứng dụng tiêu dùng và trò chơi. Công ty hiện chỉ bán chủ yếu cho doanh nghiệp và một hợp đồng lớn với Quân đội Hoa Kỳ của họ có vẻ cũng đã gặp nhiều trục trặc.
Một lĩnh vực đầy cạnh tranh
Các chi tiết trong câu chuyện sau được rút ra từ cuộc trò chuyện với những người tham gia vào quá trình phát triển mẫu kính của Apple, những người đã nói với điều kiện giấu tên vì công ty cấm thảo luận về các sản phẩm chưa phát hành. Họ mô tả cách Apple bắt đầu dự án với niềm tin rằng thực tế hỗn hợp sẽ sớm trở thành một công nghệ mấu chốt. Mục tiêu ban đầu được đặt ra là một cặp cặp kính thực tế tăng cường mỏng, nhẹ, dễ đeo, nhưng rồi Apple đã dần chuyển sang phát triển những cỗ máy cồng kềnh hơn vì những hạn chế về công nghệ. Vào thời điểm đó Apple mong muốn đưa sản phẩm ra thị trường nhanh chóng, song đã vấp phải những ý kiến trái chiều trong nội bộ.
Tham vọng của Apple là khách hàng sẽ đeo thiết bị này liên tục cả ngày, thay thế các tác vụ hàng ngày được thực hiện trên iPhone hoặc máy Mac như chơi trò chơi, duyệt web, gửi email, thực hiện cuộc gọi video FaceTime trong khi có thể làm nhiều việc khác cùng lúc. Thiết bị sẽ có tính năng điều khiển bằng tay và mắt, đồng thời chạy nhiều loại ứng dụng có trên các thiết bị khác của Apple.
Công ty cũng nhận thấy rằng thiết bị này sẽ khó để thành công ngay lập tức như iPhone. Tuy nhiên, những dự đoán nội bộ cho rằng chúng vẫn có tiềm năng lớn tương tự như iPad hoặc Apple Watch, khi công ty bổ sung thêm các tính năng mới và thực hiện chính sách giảm giá với các phiên bản tiếp theo. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, thiết bị này được kỳ vọng sẽ đóng góp hơn 25 tỉ USD hàng năm vào doanh thu của công ty. Apple biết điều này sẽ mất thời gian. Ban đầu, nhà Táo hy vọng có thể bán được khoảng 3 triệu chiếc mỗi năm nhưng họ đã giảm ước tính đó xuống còn khoảng 1 triệu, sau đó là 900.000 chiếc. Để so sánh, công ty bán được hơn 200 triệu chiếc iPhone mỗi năm.
Thiết kế của sản phẩm cũng đã ngầm thừa nhận rằng Apple, tương tự như những công ty khác đã sản xuất kính thực tế hỗn hợp, cũng không thể giải quyết một số vấn đề công nghệ cốt lõi. Apple cũng muốn tích hợp pin vào tai nghe. Nhưng để giảm trọng lượng và giữ cho thiết bị không bị quá nóng, hãng đã thực hiện một thỏa hiệp về thiết kế rất không giống Apple: Hãng thiết kế lại pin dưới dạng một gói có kích thước như iPhone nằm trong túi người dùng, được gắn bằng dây nguồn.
Michael Gartenberg, cựu Giám đốc tiếp thị của Apple, hiện là nhà tư vấn độc lập, cảnh báo rằng thiết bị này có thể là “một trong những thất bại công nghệ lớn nhất mọi thời đại”, với lý do thiếu thị trường thực sự cho dòng thiết bị này.
Thuật ngữ “thực tế hỗn hợp” (Mix Reality - MR) nổi lên như một cách để mô tả một lớp công nghệ hình ảnh có liên quan. Một trong số đó, thực tế ảo (Virtual Reality - VR), tách người dùng khỏi phần lớn thế giới thực để khiến họ đắm chìm trong trải nghiệm kỹ thuật số. Loại còn lại, thực tế tăng cường (Augmented Reality - AR) làm cho các vật phẩm kỹ thuật số dường như sống trong thế giới vật chất. Trong nhiều năm, các công ty lớn đã dự đoán rằng những công nghệ này sẽ đánh dấu bước chuyển mình tiếp theo trong lĩnh vực điện toán cá nhân.
Apple bắt đầu xem xét việc chế tạo thiết bị này vào khoảng năm 2015. Vào thời điểm đó, ông Cook kiên quyết ủng hộ ứng dụng công nghệ thực tế tăng cường dạng kính nhẹ, dễ đeo. “Không ai ở đây có thể chấp nhận được việc bị buộc vào một chiếc máy tính khi bước đi hay ngồi xuống, ông Cook nói với một nhóm sinh viên tại hội nghị công nghệ năm 2016 ở Utah.
Những người đã từng làm việc với ông cho biết, bất chấp quan điểm của mình, ông Cook thực tế lại không tham gia sâu vào quá trình phát triển thiết kế cụ thể của chiếc tai nghe. Điều này rất khác biệt so với ông Steve Jobs, người nổi tiếng vì đã áp dụng tầm nhìn của mình lên các sản phẩm của Apple. Ngược lại, ông Cook đã làm nên tên tuổi của mình khi giám sát, điều hành các hoạt động và chưa bao giờ được biết đến với tư cách là “người làm sản phẩm”. Cách tiếp cận của ông Cook là phù hợp với vai trò của ông ấy trong quá trình phát triển Apple Watch và AirPods.
Một trong những người giấu tên chia sẻ: “Ông Cook không phải là kiểu người nói rằng nên làm X chứ không phải Y. Ông ấy hoàn toàn trái ngược với Steve Jobs về việc để ý đến những chi tiết vụn vặt”.
Một người khác làm việc trong dự án cho biết: “Ông Tim Cook hoàn toàn không quan tâm đến dự án và điều này khiến mọi người thất vọng".
Những nhân vật quan trọng khác trong đội ngũ hàng đầu của Apple, như Craig Federighi, Phó chủ tịch cấp cao về kỹ thuật phần mềm, cũng đã giữ khoảng cách và có vẻ cảnh giác với thiết bị này. Johny Srouji, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách công nghệ phần cứng của Apple, từng rất hoài nghi, ví nó như một dự án khoa học. Trong nội bộ, ông Johny Srouji đã cảnh báo rằng việc xây dựng các con chip với hiệu năng cao cần thiết cho thiết bị có thể làm xao nhãng việc phát triển iPhone, thứ có thể sẽ mang lại nhiều doanh thu hơn. Nhóm của ông Srouji cuối cùng đã phát triển một số chip tiên tiến nhất của Apple cho mẫu kính thực tế ảo này, trong khi tốc độ nâng cấp của iPhone thực sự đã chậm lại trong những năm gần đây.
Dan Riccio, người từng là nhà lãnh đạo phần cứng của Apple đã thuê cựu Giám đốc Công nghệ của Dolby Laboratories Inc. Mike Rockwell vào năm 2015 để phát triển màn hình thiết bị trước khi Rockwell chuyển sang thành lập một nhóm, được đặt tên là Nhóm Phát triển Công nghệ, hay T288, để khám phá các thiết bị đeo trên đầu. Khi Rockwell mới bắt đầu, nhóm thiết kế công nghiệp của Apple, do Jony Ive - giám đốc thiết kế vào thời điểm đó đứng đầu, đang phát triển Apple Watch.
Nhóm của Rockwell và Jony Ive nhanh chóng bất đồng về hướng đi của dự án. Ban đầu, nhóm muốn xây dựng một thiết bị hiển thị nội dung thực tế ảo ở dạng video thực tế. Mục tiêu này yêu cầu thiết bị phải được sử dụng cùng Mac mini để có thể truyền đồ họa tối ưu nhất, hỗ trợ các trò chơi điện tử hàng đầu và nội dung siêu thực. Lối thiết kế này có thể tăng hiệu năng của thiết bị, song không nhà nghiên cứu nào đề cao bởi sự cồng kềnh của nó.
Ông Jony Ive, người vẫn tham gia phát triển cho đến khoảng một năm trước, thích một thiết bị độc lập, có thể di động tối đa, ngay cả khi điều này có nghĩa là phải hy sinh một phần hiệu suất. Ông cũng bày tỏ lo ngại rằng cuối cùng Apple sẽ tạo ra một sản phẩm khiến con người trở nên cô đơn, cô lập lẫn nhau. Tầm nhìn của Ive gần giống với quan niệm của ông Cook về một thiết bị giống như kính, cuối cùng đã thuyết phục được đội ngũ điều hành của Apple.
Để đạt được tầm nhìn của Ive và Cook càng sớm càng tốt, nhóm đã phát triển một giải pháp thỏa hiệp: một thiết bị VR, có tên mã là N301, sẽ hoạt động như thiết bị AR. Trái ngược với các tai nghe thực tế tăng cường khác như HoloLens và Magic Leap, người dùng sẽ không trực tiếp nhìn thấy môi trường xung quanh. Thay vào đó, các máy quay video bên ngoài sẽ ghi lại môi trường của họ và hiển thị nó trên màn hình.
Với nỗ lực giúp người đeo kính tương tác với thế giới thực, thiết bị sẽ có màn hình hướng ra ngoài hiển thị chuyển động mắt và nét mặt của họ. Apple coi tính năng này là điểm khác biệt chính so với các mẫu kính VR. Một người quen thuộc với thiết bị cho biết màn hình bên ngoài cho phép mọi người tương tác với người đeo kính mà không cảm thấy như thể họ đang nói chuyện với rô-bốt.
Vào cuối năm 2017, Apple cho biết họ tin rằng mình có thể bắt đầu bán thiết bị này vào năm 2020. Tuy nhiên, dự án đã bị chậm lại do những thách thức trong cả phát triển phần cứng và phần mềm, cũng như việc thiếu sự thống nhất về việc ứng dụng nào có khả năng gây được tiếng vang nhất với người tiêu dùng. Sự khởi đầu của đại dịch Covid-19 đã làm chậm tiến độ một lần nữa.
Apple đã sớm nhận ra trong dự án rằng việc chế tạo kính AR đủ mạnh để trở nên hữu ích là không khả thi. Các kỹ sư của công ty xác định rằng họ sẽ phải gói gém hiệu suất của iPhone trong khi chỉ sử dụng một phần mười năng lượng để tránh bị quá nóng. Bất chấp trở ngại này, nhóm của ông Rockwell tiếp tục mô tả công việc của họ là đặt nền móng cho kính AR—một dự án có tên nội bộ là N421.
Một người trong dự án mô tả rằng các kỹ sư đang làm việc trong dự án N421 vô vọng chỉ để giữ cho ông Cook hài lòng. Vào năm 2019, công ty đã đạt được rất ít hoặc không có tiến triển nào trong việc phát triển một kế hoạch khả thi để sản xuất kính AR.
Cho đến tháng 3 năm nay, Apple đã cung cấp bản xem trước chuyên sâu về mẫu kính thực tế hỗn hợp cho 100 giám đốc điều hành hàng đầu của mình và công ty có kế hoạch bắt đầu bán nó trong những tháng tới.
Có thể nhận định, phần nào đó Apple đã đi theo vết xe đổ của các công ty khác khi theo đuổi công nghệ thực tế hỗn hợp. Trong các giai đoạn lập kế hoạch, họ đặt nhiều hy vọng vào một thiết bị đeo độc lập, thoải mái, giống như một phụ kiện thời trang hơn là một chiếc máy tính đeo trên mặt bạn. Các kỹ sư tin rằng những thách thức kỹ thuật trong việc thu nhỏ các thành phần trong khi vẫn duy trì sức mạnh xử lý và dung lượng pin không phải là không thể vượt qua. Tuy nhiên, khi dự án tiến triển, giải pháp cho các vấn đề mấu chốt lại chưa bao giờ xuất hiện và nhu cầu xuất xưởng một sản phẩm đã thúc đẩy các kỹ sư tìm ra giải pháp thỏa hiệp tốt nhất có thể.
Một câu hỏi mở là những người mua thiết bị sẽ sử dụng nó như thế nào. Một chuyên gia nhận định: “Điểm khác biệt lớn nhất của mẫu tai nghe này là những ứng dụng bên thứ ba”. Apple đã hợp tác với các nhà phát triển phần mềm và trò chơi, cũng như các công ty giải trí khác để sẵn sàng cung cấp nội dung sau khi thiết bị được chính thức mở bán.
Theo Bloomberg
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu