Động thái này là sự kết thúc của dòng sản phẩm kính thông minh đầu tiên và vẫn là một trong những dòng sản phẩm kính thông minh được công nhận nhất từ một công ty công nghệ lớn.
Google Glass được ra mắt lần đầu tiên gần một thập kỷ trước và được cho là sẽ cách mạng hóa cách mọi người làm việc. Google Glass được xem là đỉnh cao của công nghệ đi trước thời đại và tạo ra một cơn sốt khi phát hành.
Nhưng đến nay, Google Glass chưa bao giờ đạt được bất kỳ kỳ tích nào. Trên thực tế, sản phẩm hầu như không phổ biến và cuối cùng trở thành một phụ kiện thông thường. Đối với người dùng trong doanh nghiệp, Google phát triển Google Glass Enterprise Edition và cung cấp sản phẩm vào năm 2017.
Glass Enterprise là sự kế thừa của Google Glass, một sản phẩm kính nhẹ hiển thị các mẩu thông tin nhỏ trên màn hình trong suốt trong trường nhìn của người dùng.
Google Glass lần đầu tiên được bán cho các nhà phát triển và người dùng sớm vào năm 2013 với giá 1.500 USD và nhanh chóng chiếm lĩnh tâm trí của những người đam mê công nghệ. Nhưng bất chấp sự ủng hộ từ những nhà sáng lập Google Larry Page và Sergey Brin, dự án Glass tại Google chưa bao giờ trở thành một sản phẩm thực sự trên thị trường. Camera tích hợp gây ra những cuộc chiến về quyền riêng tư, sản phẩm trở thành trò đùa trên truyền hình đêm khuya.
Năm 2017, Google đã định vị sản phẩm như một công cụ để các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện những ứng dụng trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe hoặc đào tạo công nhân tại nhà máy.
Được mô tả là một thiết bị đeo giúp các doanh nghiệp cải thiện chất lượng đầu ra sản phẩm, hỗ trợ nhân viên làm việc thông minh, nhanh và an toàn hơn, sản phẩm gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ với những thương hiệu khác trên thị trường. Các thương hiệu đối thủ không chỉ rẻ hơn mà hầu hết còn cung cấp nhiều khả năng hiệu quả hơn cho người dùng.
Google phát hành phiên bản phần cứng mới gần đây nhất trị giá 999 USD vào năm 2019.
Khi sản phẩm không đủ sức cạnh tranh, Google cuối cùng quyết định dừng hoàn toàn Google Glasses. Theo tuyên bố của Google, doanh nghiệp sẽ không cung cấp thêm Glass Enterprise Edition và sẽ chỉ tiếp tục hỗ trợ sản phẩm cho đến ngày 15/9/2023.
Có rất nhiều lý do buộc Google phải dừng sản xuất kính thông minh này. Ngoài kế hoạch phát triển một phiên bản mới hơn của kính thực tế tăng cường AR, sự cạnh tranh trong lĩnh vực AR và VR rất cao. Khi Google Glass lần đầu tiên được phát hành, hầu như không có bất kỳ thương hiệu nào phát triển dòng sản phẩm này.
Dừng cung cấp Google Glass giúp các doanh nghiệp khác giành được thị trường
Ngày nay, kính AR được nhiều công ty công nghệ lớn sản xuất, trong đó có công ty truyền thông mạng xã hội khổng lồ Meta. Những công ty công nghệ Trung Quốc hiện đã có thể sản xuất những chiếc kính AR với giá chỉ bằng một phần nhỏ, khiến doanh số của những sản phẩm này tăng vọt.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, những lô hàng kính thực tế hỗn hợp (XR) ở Trung Quốc vượt quá 1,1 triệu chiếc vào năm 2022. Báo cáo cho biết, kính thực tế ảo (VR) vẫn là phân khúc thống trị AR&VR, chiếm hơn 95% vào tổng số lô hàng.
Đối với các thương hiệu Trung Quốc, Pico là thương hiệu số một với thị phần xuất xưởng là 43%, tiếp theo là DPVR với 36%. iQIYI, HTC và NOLO, mỗi hãng chiếm thị phần một chữ số. Sự tăng trưởng số lượng sản phẩm từ những hợp đồng cung cấp cho doanh nghiệp, chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Trong khi Trung Quốc chứng kiến số lượng các lô hàng tăng lên, công ty tình báo thị trường quốc tế IDC cho biết, kính AR và VR toàn cầu giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ còn 8,8 triệu chiếc. IDC tin rằng sự sụt giảm này không hoàn toàn bất ngờ, do số lượng nhà cung cấp hạn chế trên thị trường, môi trường kinh tế vĩ mô không chắc chắn và thiếu sự chấp nhận của người tiêu dùng trên thị trường đại chúng.
Công ty Meta hiện đang thống trị thị trường chung với gần 80% thị phần, tiếp theo là Pico của tập đoàn ByteDance. Nhưng chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp đã chuyển hướng khỏi kính AR và VR khi các nền kinh tế mở cửa khiến doanh số suy giảm vào năm 2022. Meta thậm chí còn tuyên bố giảm giá mạnh cho cho kính VR vì nhu cầu dự kiến sẽ chậm lại trong năm 2023.
Trong khi Meta và ByteDance cạnh tranh mạnh mẽ trong phân khúc VR, Nreal đã có thể từ từ phát triển sự hiện diện sản phẩm của doanh nghiệp bằng phương pháp thu hút những game thủ di động.
Meta cũng đã phát hành kính thông minh Ray-Ban có camera nhưng không có màn hình và CEO Mark Zuckerberg công khai phát biểu về hình thức cuối cùng của sản phẩm tương tự như Google Glass.
Apple được cho là đang chuẩn bị một kính thực tế ảo, sử dụng video từ camera hướng ra để hiển thị thế giới bên ngoài, tương tự như một ống kính trong suốt và thông tin xuất hiện trong tầm mắt.
Các doanh nghiệp như Sony và Apple sẽ tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ, gây áp lực lên những những doanh nghiệp khác như ByteDance và Nreal. Jitesh Ubrani, giám đốc nghiên cứu của bộ phận theo dõi Thiết bị di động và người tiêu dùng tại IDC cho biết.
Ramon T. Llamas, giám đốc nghiên cứu về Thiết bị di động và AR / VR tại IDC nhận xét, "động thái phát hành Meta Quest Pro vào mùa thu năm 2022 và công bố XE Elite của HTC vào đầu năm 2023 cho thấy sự đổi mới rõ rệt công nghệ trên thị trường ARVR, không khó để tưởng tượng những doanh nghiệp khác sẽ làm theo. Người dùng thương mại với định hướng sử dụng trong giáo dục đào tạo và phát triển kỹ năng nghề có thể quan tâm đến những loại kính này. Nhưng với những tính năng còn hạn chế của AR và VR, có thể cần vài chu kỳ thay đổi sản phẩm để kính thực tế hỗn hợp tìm thấy giá trị sử dụng, tương tự như điện thoại di động."
Theo Tech Wire Asia