Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 13/9, Bộ Quốc phòng Mỹ hôm Chủ nhật (12/9) đã công bố những bức ảnh, đề cập đến một lực lượng đặc nhiệm hải quân của quân đội Trung Quốc bao gồm một tàu tuần dương, một tàu khu trục, một tàu tiếp tế và một tàu do thám gần đây đã đi vào Vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ ở quần đảo Aleutian, bang Alaska. Phía Mỹ đã cử tàu tuần tra theo dõi giám sát.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố hai bức ảnh đề cập đến các tàu tuần tra Behoff và Kimball của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Mỹ vào ngày 29 và 30/8 tại quần đảo Aleutian trong vùng biển quốc tế nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ, đang giám sát chặt chẽ đội tàu đặc nhiệm này của hải quân PLA. Phía Mỹ nhấn mạnh sự hành xử an toàn và có tính chuyên nghiệp của hai bên, đồng thời thực hiện giao tiếp bằng ngôn ngữ phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế của "Quy tắc phòng ngừa va chạm trên biển" của Diễn đàn Hải quân Tây Thái Bình Dương và "Quy định quốc tế về ngăn ngừa va chạm trên biển".
Biên đội đặc nhiệm hải quân Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế Mỹ gồm các tàu (phải qua trái, trên xuống dưới): Type 055 Nam Xương, Type 052D Quý Dươnng, tiếp tế hậu cần 903, trinh sát điện tử 799 (Ảnh: Đông Phương). |
Các bức ảnh tải lên đã được gỡ bỏ trong vòng chưa đầy một ngày, nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ không giải thích lý do tại sao. Một trong những bức ảnh cho thấy các tàu của hải quân PLA đang tiến hành tiếp tế trên biển và tàu Bertholf đang theo sát; bức ảnh còn lại cho thấy thuyền trưởng Tim Brown của tàu Bertholf đang nói chuyện với một tàu hải quân PLA qua radio.
Theo báo cáo trước đó của Bộ Tổng tham mưu tổng hợp của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, các tàu khu trục Type 055 Nam Xương của Hải quân PLA (Mỹ gọi là tàu tuần dương), tàu khu trục Type 052D Quý Dương và tàu tiếp tế số hiệu 903 đã đi vào Biển Nhật Bản qua eo biển Tsushima vào ngày 22/8. Vào ngày 24/8, các tàu này cùng tàu trinh sát điện tử số 799 đã vượt qua eo biển Soya ngăn cách đảo Sakhalin của Nga và Hokkaido của Nhật Bản, rồi đi về hướng đông Thái Bình Dương. Giới quan sát cho rằng đó chính là nhóm tàu đặc nhiệm bị Mỹ phát hiện lần này.
Tàu tuần tra Behoff của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ (Ảnh: Sunnews). |
Căn cứ “Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển" (UNCLOS) 1982, vùng đặc quyền kinh tế là vùng nằm ngoài lãnh hải và tiếp giáp với lãnh hải, có chiều rộng không quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Các quốc gia ven biển có quyền thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế, nhưng tất cả các quốc gia, kể cả các quốc gia ven biển và các quốc gia không giáp biển, được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không được nêu trong Công ước. Tàu chiến Trung Quốc hoạt động ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ là theo quy định này.
Mặt khác, Mỹ tiếp tục tăng cường các hoạt động quân sự ở Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc. Theo một bức ảnh do Lầu Năm Góc công bố hôm thứ Hai (13/9), tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ vẫn đang hoạt động tại vùng biển Biển Đông vào hôm thứ Bảy (11/9), với các máy bay tàng hình F-35C sẵn sàng cất cánh. Đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ triển khai tàu sân bay trang bị loại chiến đấu cơ này ở Biển Đông.
Thuyền trưởng Tim Brown của tàu Behoff điện đàm với tàu Trung Quốc (Ảnh: Sunnews). |
Theo trang Sunnews, vào ngày 11, các cư dân mạng Mỹ quan tâm đến các diễn biến quân sự đã tiết lộ, hồi tháng 8, tàu khu trục cỡ lớn Type 055 Nam Xương của Trung Quốc đã chạm trán với tàu Mỹ ở vùng biển trung tâm của Thái Bình Dương! Tuy nhiên, phía Mỹ gần đây đã xóa các tin tức về việc tàu Mỹ theo dõi và trinh sát tàu chiến Trung Quốc.
Theo báo chí phương Tây đưa tin, hồi cuối tháng 8, một đội hình gồm 4 tàu hải quân Trung Quốc đang hoạt động trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế gần quần đảo Aleutian của Hoa Kỳ.
Sau đó, tàu tuần tra WMSL750 Behoff của Lực lượng phòng vệ bờ biển Mỹ xuất hiện ở khu vực xung quanh và tiến hành theo dõi, trinh sát chặt chẽ.
Trang web chính thức của Mỹ cho thấy chiếc tàu Mỹ đã bám sát đội hình tàu Trung Quốc ở cự ly gần và tiến hành chụp ảnh. Các bức ảnh được đăng lên trang web này nhưng sau đó đã bị xóa.
Tàu khu trục Type 055 Nam Xương 10 ngàn tấn của Trung Quốc (Ảnh: Sunnews). |
Ngày 12/9, một cư dân mạng Mỹ đã đặt câu hỏi tại sao những bức ảnh về chiếc Behoff bám theo sau tàu khu trục Nam Xương 101 ở cự ly gần lại bất ngờ bị xóa khỏi trang web.
Điều này đã thu hút sự chú ý của một số người thích tìm hiểu quân sự trên mạng xã hội. Behoff là tàu hộ vệ hàng hải huyền thoại đầu tiên của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ, tức là tàu tuần tra của Cảnh sát biển. Con tàu được đặt theo tên của Chuẩn đô đốc Mỹ Ellsworth Behoff.
Năm 2005, việc chế tạo con tàu giống tàu hộ vệ này được khởi công tại Nhà máy đóng tàu Northrop Grumman Ship Systems Ingalls ở Pascagoula, bang Mississippi. Con tàu được hạ thủy vào ngày 29/9/2006, được đặt tên vào ngày 11/11/2006 và được chuyển giao cho Lực lượng bảo vệ bờ biển vào ngày 4/8/2008. Cảng nhà của con tàu là căn cứ Alameda ở California.
Behoff là tàu đầu tiên của Mỹ được trang bị pháo MK 110 Bofors cỡ nòng 57mm. Đây là một biến thể của dòng pháo Bofors 57mm, với hệ thống điều khiển hỏa lực được đánh giá là cực tốt. Tàu được trang bị hệ thống vũ khí đánh chặn tên lửa tầm gần 20mm Phalanx1B, 4 súng máy 12,7mm và 2 súng máy M240B 7,62mm.
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ đang hoạt động trên Biển Đông (Ảnh: USNavy). |
Tàu khu trục Type 055 Nam Xương (số hiệu 101) là tàu khu trục cỡ lớn mang tên lửa dẫn đường thế hệ đầu tiên của Hải quân Trung Quốc, có lượng choán nước hơn 10.000 tấn. Kế hoạch phát triển tàu khu trục cỡ lớn ra đời vào năm 1976 nhưng đã bị hủy bỏ vì lý do kinh tế. Sau đó, các hệ thống tên lửa tầm xa, hệ thống radar phòng không khu vực theo từng giai đoạn, hệ thống chỉ huy và điều khiển, tháp tích hợp khép kín và thiết bị động lực tuabin khí đã liên tiếp đạt được những bước đột phá. Cuối cùng, tàu khu trục lớp Type 055 đã được chế tạo và đưa vào phục vụ trong những năm gần đây, và một số tàu thuộc lớp này đã được chuyển giao cho hải quân Trung Quốc.
Khu trục hạm Type 055 chủ yếu đảm nhận nhiệm vụ tác chiến viễn dương và là tàu hộ tống chủ lực của tàu sân bay Trung Quốc. Mỹ phân loại các tàu khu trục cỡ lớn như vậy là tàu tuần dương, định nghĩa chúng là tàu chiến đấu mặt nước đa nhiệm cỡ lớn với khả năng làm kỳ hạm. Mỹ cho rằng tàu khu trục Type 055 có vai trò tương tự tàu tuần dương lớp Ticonderoga của Hải quân Mỹ.