Thách thức quy định mới của Trung Quốc, Mỹ cho tàu chiến vào vùng bên trong 12 hải lý đảo nhân tạo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đáp lại quy định mới của Luật An toàn Giao thông trên biển của Trung Quốc, Mỹ cho tàu chiến áp sát đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm giữ và bồi đắp trái phép trên Biển Đông.
Ngày 8/9, tàu USS Benford của Mỹ đã tiến hành tự do hàng hải bên trong vùng nước 12 hải lý đá Vành Khăn, thách thức Trung Quốc (Ảnh: Đông Phương).
Ngày 8/9, tàu USS Benford của Mỹ đã tiến hành tự do hàng hải bên trong vùng nước 12 hải lý đá Vành Khăn, thách thức Trung Quốc (Ảnh: Đông Phương).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 8/9, Hải quân Mỹ tuyên bố đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải (FONOP) bên trong phạm vi 12 hải lý của Đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông vào cùng ngày thứ Tư (8/9/2021) theo giờ địa phương. Trung Quốc gọi khu vực này là “Meiji jiao” (Mỹ Tế tiêu) thuộc lãnh thổ của họ, đồng thời cử lực lượng hải quân và không quân theo dõi, giám sát và cảnh báo xua đuổi.

Hạm đội 7 của Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Benfold của họ đã thực hiện "các hoạt động bình thường" trong phạm vi 12 hải lý của Đá Vành Khăn vào ngày hôm đó và thực hiện quyền tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế. Tuyên bố cho biết theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, Đá Vành Khăn (tên tiếng Anh là Meschif Reef) là thực thể chìm khi nước triều dâng cao (LTE), không có lãnh hải theo luật pháp quốc tế. Việc lấp biển cải tạo thành đảo nhân tạo và xây dựng các cơ sở trên Đá Vành Khăn sẽ không làm thay đổi việc áp dụng quy tắc này.

Các thủy thủ trên tàu USS Benford tiếp cận và quan sát đá Vành Khăn (Ảnh: HĐ7).

Các thủy thủ trên tàu USS Benford tiếp cận và quan sát đá Vành Khăn (Ảnh: HĐ7).

Tuyên bố của Hạm đội 7 cũng cho biết quyền tự do hàng hải do tàu khu trục Benford thực hiện là một phần trong các hoạt động thường xuyên của quân đội Mỹ ở Biển Đông và toàn bộ khu vực này. Đây là hoạt động xuất pháp từ pháp trị vì hòa bình, không nhằm vào và cũng không thiên vị bất kỳ quốc gia nào, để thể hiện rằng Mỹ nỗ lực bảo vệ các quyền và tự do sử dụng hợp pháp đại dương của tất cả các quốc gia.

Ngày 27/8, Cục Hải sự (An toàn Hàng hải) Trung Quốc ra thông báo, yêu cầu các tàu nước ngoài, bao gồm tàu chiến và tàu ngầm, chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc chở vật liệu phóng xạ, hóa chất, dầu, khí đốt hóa lỏng và các chất độc hại khác, cũng như các tàu bị cho là gây đe dọa đối với an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc... phải báo cáo cho cơ quan quản lý của Trung Quốc về tình trạng hàng hóa và các thông tin khác như tên tàu, biển báo, mã số đăng ký theo Tổ chức Hàng hải Quốc tế, mã hiệu thông tin liên lạc di động hàng hải, mã nhận dạng, vị trí hiện tại, điểm đi và điểm đến, ngày đi và ngày đến.v.v., khi đi vào lãnh hải của Trung Quốc, trong đó bao gồm vùng biển 12 hải lý xung quanh các đảo, đá mà Trung Quốc chiếm giữ, bồi đắp, tôn tạo phi pháp trên Biển Đông theo “Luật An toàn giao thông trên biển” mới do họ ban hành. Động thái này đang gây nên sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Tàu USS Benford trong vùng biển gần đá Vành Khăn (Ảnh: HĐ7).

Tàu USS Benford trong vùng biển gần đá Vành Khăn (Ảnh: HĐ7).

Tờ Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc phiên bản tiếng Anh hôm 1/9 dẫn lời nhà bình luận quân sự Tống Trung Bình nói: “Nếu một tàu quân sự tự ý đi vào lãnh hải của Trung Quốc mà không thông báo trước, sẽ bị coi là một hành động khiêu khích nghiêm trọng. Quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành xua đuổi hoặc áp dụng các biện pháp nghiêm khắc hơn để trừng phạt những kẻ xâm lược”.

Hành động này của tàu USS Benford được coi là hành động của Mỹ nhằm thách thức lại những quy định trái luật quốc tế này của Bắc Kinh.

Cùng ngày 8/9, trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã đăng tải tuyên bố của Điền Quân Lý, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Chiến khu Miền Nam PLA cho biết, Chiến khu Miền Nam đã tổ chức lực lượng hải quân và không quân để “theo theo dõi giám sát và cảnh báo để xua đuổi” tàu chiến Mỹ “đột nhập trái phép” vùng biển lân cận Đá Vành Khăn mà không được sự chấp thuận của chính phủ Trung Quốc.

Tàu sân bay USS Carl Vinson hiện đang có mặt trên Biển Đông (Ảnh: USNavy).

Tàu sân bay USS Carl Vinson hiện đang có mặt trên Biển Đông (Ảnh: USNavy).

Tuyên bố nói Mỹ tiến hành “bá quyền trên biển”, quân sự hóa Biển Đông, là kẻ phá hoại lớn nhất hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Tuyên bố cũng nói “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo trên Nam Hải (tức Biển Đông) và vùng biển lân cận”.

Trung Quốc đã cưỡng chiếm một số bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, trong đó có Đá Vành Khăn, đồng thời tiến hành các hoạt động bồi đắp xây dựng đảo quy mô lớn và quân sự hóa. Tòa án trọng tài quốc tế La Hay hồi tháng 7/2016 đã ra phán quyết rằng Đá Vành Khăn, Subi, Cỏ Mây... đều là thực thể chìm khi nước triều dâng cao (LTE), theo luật pháp quốc tế không thể tạo ra lãnh hải.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35C đang cất cánh trên tàu USS Carl Vinson (Ảnh: USNavy).

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35C đang cất cánh trên tàu USS Carl Vinson (Ảnh: USNavy).

Năm 2020, vào dịp kỷ niệm 4 năm ngày Tòa Trọng tài Quốc tế La Hay ra phán quyết liên quan, Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là Mike Pompeo đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 13/7/2020, tuyên bố rõ ràng rằng Mỹ cho rằng các yêu sách của Bắc Kinh về các quyền lợi tài nguyên ngoài khơi ở phần lớn diện tích Biển Đông là "hoàn toàn bất hợp pháp" và lên án Bắc Kinh sử dụng "cường quyền là công lý" để đe dọa, làm tổn hại đến chủ quyền của các nước Đông Nam Á. Tuyên bố cũng nêu rõ Mỹ sát cánh với các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á để bảo vệ chủ quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế.

Một năm sau, chính quyền của Tổng thống Biden tuyên bố tiếp tục chính sách của chính quyền Trump trước đây về các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và tiếp tục cho rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp.

Cũng theo Đông Phương, trong một diễn biến liên quan đến cuộc đọ sức quân sự Trung - Mỹ trên biển, tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ đã từ Tây Thái Bình Dương vào Biển Đông hôm Chủ nhật (5/9) Điểm đặc biệt của con tàu này là được trang bị máy bay chiến đấu tàng hình. Điều trùng hợp là trong cùng ngày PLA đã điều động 19 máy bay quân sự các loại, trong đó có cả máy bay ném bom bay vào vùng trời Tây Nam của Đài Loan,.

Theo các bức ảnh được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hôm thứ Hai (6/9), tàu USS Carl Vinson đã có mặt ở Biển Đông một ngày trước đó, và thực hiện các nhiệm vụ cả ngày lẫn đêm. Con tàu rời cảng ở Căn cứ Hải quân San Diego ở California vào ngày 2/8 để chi viện các hoạt động an ninh hàng hải toàn cầu và đến thăm Căn cứ Hải quân Yokosuka ở Nhật Bản vào ngày 28/8.

Quân đội Mỹ không tiết lộ các thông tin chi tiết về hoạt động của USS Carl Vinson ở Biển Đông, chỉ cho biết hiện nó đang triển khai tại khu vực hoạt động của Hạm đội 7. Mục đích là tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác, đồng thời là một lực lượng phản ứng nhanh để chi viện một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Máy bay vận tải CMV-22B cất cánh ban đêm trên tàu USS Carl Vinson (Ảnh: USNavy).

Máy bay vận tải CMV-22B cất cánh ban đêm trên tàu USS Carl Vinson (Ảnh: USNavy).

Điều đáng nói là, USS Carl Vinson là một nhóm tấn công tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Mỹ, được trang bị máy bay chiến đấu tàng hình F-35C và máy bay vận tải cất hạ cánh trên hạm CMV-22B. Tàu USS Carl Vinson đã hoạt động chung ở Biển Philippines với tàu sân bay Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh vào ngày 26/8. Chiếc Carl Vinson đã cử 4 máy bay chiến đấu tàng hình F-35C, trong khi chiếc Queen Elizabeth cử 4 máy bay chiến đấu tàng hình F-35B. Điểm khác biệt lớn nhất giữa F-35B và F-35C ở chỗ F-35B có khả năng cất cánh trong đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng.

Ngoài ra, trong ngày tàu Carl Vinson đến Biển Đông, PLA đã cho một số lượng lớn máy bay quân sự bay vào Vùng nhận dạng phòng không Tây Nam của Đài Loan, trong đó có 4 máy bay ném bom H-6K, 1 máy bay chống ngầm Y-8, 10 máy bay chiến đấu J-16 và 4 máy bay chiến đấu Su-30. Hiện chưa rõ liệu các máy bay quân sự của PLA xuất kích với quy mô lớn có phải để đáp trả việc tàu Carl Vinson tiến vào Biển Đông hay không? Cả Bộ Quốc phòng Trung Quốc và Mỹ đều chưa có phản ứng gì về điều này.