Chủ tịch Interpol bị Trung Quốc bắt điều tra vì phạm tội kinh tế và tham nhũng?

VietTimes -- Mấy ngày qua, báo chí quốc tế xôn xao trước thông tin ông Mạnh Hoành Vĩ, Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc (Interpol) đột ngột mất tích sau khi trở về Trung Quốc hôm 29/9. Trong khi Bắc Kinh vẫn im lặng một cách khó hiểu thì các thông tin báo chí cho biết: ông Vĩ đã bị cơ quan Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (UBKTKLTW) bắt giữ để điều tra…
Báo chí Pháp và Hongkong cho rawngfoong Mạnh Hoành Vĩ đã bị Trung Quốc bắt điều tra vì phạm tội kinh tế và tham nhũng
Báo chí Pháp và Hongkong cho rawngfoong Mạnh Hoành Vĩ đã bị Trung Quốc bắt điều tra vì phạm tội kinh tế và tham nhũng

Vụ việc bắt đầu bằng việc tối ngày 4/10/2018, bà vợ của Mạnh Hoành Vĩ đang sống ở Lyon, Pháp - nơi Interpol đặt trụ sở, đã tới cảnh sát Pháp trình báo về sự mất tích của chồng sau nhiều ngày mất liên lạc kể từ khi ông trở về Trung Quốc. Vợ của Mạnh Hoành Vĩ còn cho biết thêm rằng bà đã nhiều lần bị đe dọa thông qua điện thoại và mạng xã hội.

Giới chức châu Âu đã xác nhận Mạnh Hoàng Vĩ rời Pháp vào ngày 29/9. Ngày 5/10/2018, trước sự săn hỏi ráo riết của giới báo chí, Interpol thông báo: “Interpol đã nắm được thông tin về việc ngài Chủ tịch Mạnh Hoành Vĩ có thể đã bị mất tích. Đây là việc mà các nhà chức trách của Pháp và Trung Quốc cần phải xử lý. Hiện nay việc xử lý mọi công việc hàng ngày của Interpol vẫn do Tổng thư ký Jurgen Stock phụ trách. Interpol không dự định nói nhiều về vụ việc của ông Mạnh Hoành Vĩ”. Khi bị hỏi chuyến đi Trung Quốc của ông Mạnh Hoành Vĩ là hoạt động công vụ hay việc riêng, người phát ngôn của Interpol đã từ chối bình luận.

Ngày 6/10, hãng AFP dẫn nguồn tin từ Bộ Nội vụ Pháp cho biết, sau khi bà vợ ông Vĩ báo việc bà và gia đình bị đe dọa, cảnh sát Pháp đã cho áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn cho người thân của ông; đồng thời triển khai tiến hành điều tra về vụ mất tích bí ẩn này.

Thông báo của Interpol về việc ông Mạnh Hoành Vĩ mất tích
Thông báo của Interpol về việc ông Mạnh Hoành Vĩ mất tích

Ông Mạnh Hoành Vĩ sinh năm 1953, quê tỉnh Hắc Long Giang, Thạc sĩ Luật, tham gia công tác năm 1972, vào Đảng Cộng sản Trung Quốc 1975, cấp hàm Phó Tổng cảnh giám. Ông từng giữ các chức vụ Trợ lý Bộ trưởng Công an, Cục trưởng cảnh sát quản lý giao thông. Tháng 4/2004 được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Công an, Đảng ủy viên dưới thời Bộ trưởng Chu Vĩnh Khang, tháng 8 cùng năm được giao kiêm nhiệm Cục trưởng (Giám đốc) Trung tâm Interpol Trung Quốc; tháng 3/2012 kiêm nhiệm thêm các chức Cục phó Hải dương quốc gia, Phó Bí thư kiêm Cục trưởng Cảnh sát biển Trung Quốc, đồng thời vẫn là đảng ủy viên, Thứ trưởng Bộ Công an, được hưởng chế độ cấp trưởng bộ.

Ngày 10/11/2016, Mạnh Hoành Vĩ được bầu làm Chủ tịch Interpol và sẽ giữ chức vụ này đến năm 2020. Tháng 12/2017. Quốc Vụ viện đã quyết định bãi miễn chức Phó Cục trưởng Hải dương quốc gia và Cục trưởng Cảnh sát biển của ông.

Theo BBC Tiếng Trung, trang web của Bộ Công an Trung Quốc hồi tháng 4/2018 đã xóa tên Mạnh Hoành Vĩ khỏi danh sách đảng ủy viên Bộ Công an nhưng ông vẫn có tên cho đến ngày 5/10/2018 với tư cách là Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc.

Thông tin về vụ mất tích bí ẩn của ông Mạnh Hoành Vĩ được đưa đầu tiên hôm 5/10 bởi kênh truyền hình Pháp “Europe 1”. Đài này cho biết, ông Vĩ hôm 29/9 để vợ con ở lại Pháp rồi rời Tổng bộ Interpol ở Lyon quay về Trung Quốc, từ đó đến nay hoàn toàn mất liên lạc. Cảnh sát Pháp tiết lộ, tối 4/10 bà vợ ông Mạnh Hoành Vĩ đã đến cảnh sát Lyon báo án. Họ xác nhận “Mạnh Hoành Vĩ không phải mất tích trên đất Pháp” và “đây không đơn thuần là một vụ án hình sự”.

Tuy nhiên, đến ngày 6/10, tờ Tinh Đảo nhật báo xuất bản ở Hongkong đưa tin theo một nguồn từ Bắc Kinh: sau khi đặt chân về Trung Quốc, ông Mạnh Hoành Vĩ đã bị nhân viên của UBKTKLTW bắt dẫn đi, “nghe nói ông ta liên quan đến vấn đề kinh tế và vấn đề tham nhũng, trong đó có việc mua nhà đất ở Hongkong trái quy định”.

Tờ SCMP cũng đưa tin: “Mạnh Hoành Vĩ đang bị điều tra tại Trung Quốc, nhưng không biết nguyên nhân vì sao ông bị điều tra và không biết bị đưa đi đâu”.

Báo Pháp “Le Monde” khi đưa tin về vụ ông Mạnh Hoành Vĩ mất tích cũng viết: thời kỳ Mạnh Hoành Vĩ được thăng tiến cũng chính là khi Chu Vĩnh Khang khuynh đảo tại Bộ Công an. Năm 2013 khi Chu Vĩnh Khang bị ngã ngựa, khai trừ đảng rồi bị kết án tù chung thân về các tội tham nhũng, lạm dụng chức quyền, tiết lộ bí mật quốc gia thì Mạnh Hoành Vĩ lại được an toàn và được đưa qua ứng cử chức Chủ tịch Interpol.

Năm 2016, trong cuộc bầu cử chức Chủ tịch Interpol, Mạnh Hoành Vĩ đại diện Trung Quốc ra ứng cử. Tuy bị một số tổ chức nhân quyền và NGO phản đối mạnh mẽ, nhưng Mạnh vẫn trúng cử với đa số các quốc gia thành viên ủng hộ bởi Trung Quốc giương ngọn cờ quốc tế chống tội phạm tham nhũng.

Ông Mạnh Hoành Vĩ được bổ nhiệm chức Thứ trưởng Bộ Công an vào thời gian Chu Vĩnh Khang là Bộ trưởng
Ông Mạnh Hoành Vĩ được bổ nhiệm chức Thứ trưởng Bộ Công an vào thời gian Chu Vĩnh Khang là Bộ trưởng

Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm, tình hình trong nước Trung Quốc đã biến đổi mạnh mẽ. Cuối năm 2017, Mạnh Hoành Vĩ đột ngột bị bãi chức Cục phó Hải dương kiêm Cục trưởng Cảnh sát biển; đến 4/2018 lại bị cất chức đảng ủy viên Bộ CA mà ông đã giữ suốt 14 năm. Mặc dù chức Thứ trưởng vẫn còn giữ được; nhưng sau khi tân Bộ trưởng Triệu Khắc Chí lên nắm quyền tháng 11/2017 đã nhiều lần tuyên bố “thanh lọc hết di độc, dư đảng của Chu Vĩnh Khang” khiến Mạnh Hoành Vĩ lâm vào tình trạng nguy hiểm.

Le Monde cho rằng, từ lâu nay, việc công dân Trung Quốc ở Pháp khi về nước bị mất tích không phải là chuyện hiếm.Ví dụ Phan Hán Văn, CEO Công ty thuê máy bay Trung Quốc khi đang ở thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp đầu tư ở Pháp, do dính vào vụ án tham nhũng của Công ty Hàng không Nam Phương, năm 2015 đã “mất tích” hơn nửa năm ở Trung Quốc, sau đó tiếp tục bị khống chế điều tra, mãi đến năm 2017 mới đột nhiên được quay trở lại công ty cũ sau khi được tuyên bố vô tội.

Trong vụ này, tuy Mạnh Hoành Vĩ không nắm thực quyền vận hành của Interpol, nhưng là chủ tịch một tổ chức quốc tế lớn, ông đột nhiên “biến mất” đã khiến quốc tế nhìn Trung Quốc với con mắt nghi ngại. Ngoài ra, vụ việc này cũng khiến chuyện tranh chấp nội bộ và vấn đề chống tham nhũng của Trung Quốc bị đưa ra vũ đài quốc tế. Bởi vậy, có ý kiến cho rằng, vụ việc của Mạnh Hoành Vĩ chắc hẳn rất nhạy cảm và nghiêm trọng  nên lãnh đạo Trung Quốc mới quyết định bắt người cho dù mất thể diện trước quốc tế.

 Một tờ báo Hoa ngữ khác là Minh Kính thì nói rõ hơn: tối 3/10, Mạnh Hoành Vĩ và một Thứ trưởng Bộ Công an khác đã bị UBKTKLTW - Ủy ban Giám sát quốc gia tuyên bố tiến hành điều tra; nhưng cho đến nay truyền thông nhà nước vẫn chưa chính thức công bố tin tức này; tên tuổi của vị thứ trưởng còn lại cũng đang được xác thực.

Tin cho biết, với việc Mạnh Hoành Vĩ bị điều tra sẽ gây nên vụ “đại địa chấn” tại Bộ Công an; sẽ xuất hiện một loạt vụ thanh lọc, hoặc sẽ có cán bộ cấp cao hơn bị loại bỏ. Việc tháng 12/2017, ông Vĩ bị bãi chức Cục phó Hải dương kiêm Cục trưởng Cảnh sát biển; tháng 4 năm nay lại bị bãi chức đảng ủy viên Bộ CA đã khiến quan trường râm ran tin quan lộ của ông đã “rất không ổn”.

Báo chí Hongkong cho rằng, Mạnh Hoành Vĩ bị bắt vì là “dư độc” còn sót của “đại Hổ” Chu Vĩnh Khang không khiến người ta cảm thấy bất ngờ. Năm 2004, khi ông Vĩ được bổ nhiệm chức Thứ trưởng Bộ CA chính là lúc Chu Vĩnh Khang đang là Bộ trưởng và đã trở thành một trong những trợ thủ chính của Chu Vĩnh Khang.

Sau khi ông Tập Cận Bình trở thành Tổng Bí thư tại Đại hội 18 (2012) đã phát động phong trào “đả Hổ”, hàng loạt quan chức cao cấp trong hệ thống ngành Công an đã bị quật ngã, trong đó có Chu Vĩnh Khang, Thứ trưởng thường trực Dương Hoán Ninh, Thứ trưởng Lý Đông Sinh, Chủ nhiệm Chính trị Hạ Sùng Nguyên, các Giám đốc CA Thiên Tân Vũ Trường Thuận, Giám đốc CA Trùng Khánh Hà Đình…

Dư luận cho rằng vụ việc của Mạnh Hoành Vĩ sẽ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Trung Quốc trên quốc tế
Dư luận cho rằng vụ việc của Mạnh Hoành Vĩ sẽ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Trung Quốc trên quốc tế 

Cả Europe 1 và Le Monde đều đưa tin, hiện nay chính phủ Pháp chưa tiết lô trước khi lên đường về Trung Quốc, Mạnh Hoành Vĩ có trao đổi gì với vợ con hay không? Cũng chưa xác định được trước khi báo cảnh sát, gia đình họ Mạnh có thông báo cho chính phủ Trung Quốc không? Chỉ có Bộ Nội vụ Pháp trao đổi riêng với báo chí “rất lo ngại cho an toàn của vợ con Mạnh Hoành Vĩ ở Lyon” nên nhà chức trách đã cử lực lượng cảnh sát tới bảo vệ họ suốt ngày đêm.

Bình luận về sự kiện này, trang web của đài Tiếng nói nước Đức bản tiếng Trung cho rằng “Trung Quốc đã gây ra một trò cười quốc tế”, việc vợ quan chức cao cấp Trung Quốc báo án ở nước ngoài càng khiến sợ việc trở nên kịch tính.