Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh: Vũ Mạnh Cường) |
Nhận định về công tác chống dịch COVID-19 trong 1 tháng qua tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều nay (21/8), Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam đang trong tầm kiểm soát, số trường hợp mắc bệnh đã giảm trong tuần gần đây.
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, trong vài ngày tới, tại Đà Nẵng, Quảng Nam có thể vẫn sẽ ghi nhận những trường hợp mắc bệnh rải rác do nguồn lây bệnh đã có tại cộng đồng trước khi được khoanh vùng, khống chế.
Tại Hải Dương, dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát. Ổ dịch tại nhà nhà 36 phố Ngô Quyền, TP. Hải Dương với 12 người mắc bệnh đã được kiểm soát kịp thời. Công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm vẫn đang được khẩn trương thực hiện để nhanh chóng dập dịch dứt điểm.
Các ổ dịch khác tại một số địa phương được phát hiện đều nhanh chóng được khoanh vùng, cách ly và thực hiện các biện pháp chống dịch cần thiết.
“Thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục xuất hiện các trường hợp mắc bệnh rải rác từ các trường hợp mắc COVID-19 chưa được phát hiện, có khả năng lây lan trong cộng đồng nếu không thực hiện biện pháp phòng chống dịch kịp thời” – ông Long nói.
Nhân viên y tế phun khử khuẩn (Ảnh: Minh Thúy)
|
Từ công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã rút ra 9 bài học kinh nghiệm đáng quý.
Bài học đầu tiên đó là công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã có sự chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, các cấp các ngành, cơ quan Trung ương, địa phương.
Theo ông Long, bài học thứ 2 đó là đã xác định vùng nguy cơ và các đối tượng có nguy cơ rất nhanh chóng, đúng đắn, kịp thời, tiết kiệm cho nguồn lực. Đơn cử, tại Đà Nẵng, ngay từ đầu Bộ Y tế đã xác định rất nhanh chóng 3 bệnh viện là tâm dịch, ổ dịch là toàn bộ thành phố Đà Nẵng.
Bài học thứ 3 được ngành Y tế rút ra, đó là cấp ủy, chính quyền địa phương hành động quyết liệt, giãn cách kịp thời, lựa chọn phù hợp cho từng khu vực, khu vực nào thì phong tỏa, khu vực nào thì giãn cách tùy thuộc địa phương. “Các địa phương áp dụng nhuần nhuyễn” – Quyền Bộ trưởng đánh giá và nêu bài học ở Hải Dương. Theo đó, địa phương này đã thực hiện rất kịp thời, nhanh chóng trong khoanh vùng, phong tỏa, cách ly và giãn cách. Chính điều này đã hạn chế tốc độ lây lan của dịch COVID-19 tại Hải Dương.
Tiếp đó, ngành Y tế đã huy động lực lượng lớn nhân viên y tế rất lớn “chưa có trong tiền lệ”, gồm các giáo sư đầu ngành, các bác sĩ, các chuyên gia và sinh viên. Lực lượng này đã phối hợp với Đà Nẵng, Quảng Nam để quyết giữ mặt trận này.
Hôm nay, sau hơn 3 tuần, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn – Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP. Đà Nẵng đã rút khỏi Đà Nẵng về Hà Nội, cả đoàn thực hiện cách ly trước khi trở lại làm việc.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã thiết lập ngay Bộ Chỉ huy tiền phương (Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Đà Nẵng) và kho tiền phương trong khu vực này. Bộ phận này đã phối hợp địa phương trong công tác phòng, chống dịch, giúp địa phương vững tâm hơn, với những hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật, điều phối nhân lực, trang thiết bị trên địa bàn hay của các viện, bệnh viện.
Quyền Bộ trưởng cũng đề cập vai trò quan trọng của bài học theo phương châm “4 tại chỗ”, chú trọng vai trò của chính quyền địa phương, hoạt động hiệu quả của các tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng mà các địa phương đã thành lập, triển khai.
Đặc biệt “Bài học huy động sức dân vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng phát huy hơn, nhất là trong phòng chống đại dịch” – Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh đây là một trong những yếu tố rất quan trọng trong phòng, chống dịch COVID-19.
Cùng với đó, công suất xét nghiệm của Việt Nam đã được nâng lên đáng kể, việc truy vết, cách ly F1 rất kịp thời. Ngay từ đầu, ngành Y tế đã dứt khoát quan điểm kiên quyết cách ly F1 và lấy mẫu xét nghiệm. Đến nay, trong thời gian ngắn, công suất xét nghiệm đưa lên rất nhanh chóng… “Khả năng xét nghiệm của chúng ta có thể hoàn toàn đáp ứng khi tình huống dịch xảy ra trên diện rộng” – ông Long nói.
Bài học thứ 8 được rút ra từ kinh nghiệm chống dịch của các địa phương trong giai đoạn này, đó là đảm bảo tất cả hoạt động phát triển kinh tế với khu vực khác: Kiểm soát biên giới, người nhập cảnh, bảo hộ công dân... Thời gian qua, các cấp, các ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo đã thực hiện tốt việc này.
Bài học cuối cùng được đưa ra là việc chuẩn bị chủ động về hậu cần, không bị gián đoạn như lần trước. Tất cả trang thiết bị, vật tư tiêu hao, khẩu trang, trang thiết bị phòng hộ đã chủ động hơn trước.