Chuyển đổi số đã nhắc nhở các doanh nghiệp phải chú trọng trải nghiệm khách hàng. Ảnh: ISG
Chuyển đổi số đã nhắc nhở các doanh nghiệp phải chú trọng trải nghiệm khách hàng. Ảnh: ISG

E-magazine 8 xu hướng chuyển đổi số ở châu Âu năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Châu Âu đã và đang mở rộng áp dụng chuyển đổi số nhằm phục hồi kinh tế sau nhiều lần giãn cách xã hội vì Covid-19, điều khiến doanh số bán hàng sụt giảm mạnh vào năm 2020.

Cũng như nhiều khu vực trên thế giới, Châu Âu đã và đang phải đối mặt với những tác động và hậu quả nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19. Những thiệt hại do đại dịch gây ra được các chuyên gia đánh giá là còn tồi tệ hơn bất kỳ thảm họa nào khác đã diễn ra trong vòng ba thập kỷ qua.

Vào năm 2021, các doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ bắt đầu tập trung vào tăng trưởng để khắc phục hậu quả kinh doanh và xây dựng một tương lai mới khi đại dịch dần qua đi.

Năm 2021 khởi đầu với những tia sáng hy vọng đầu tiên bằng việc vaccine Covid-19 được phê duyệt thành công. Nền kinh tế đang có những dấu hiệu phục hồi đáng mừng mặc dù tốc độ phục hồi theo dự kiến sẽ chậm do các chính sách hạn chế của chính phủ các nước nhằm ngăn chặn Covid lây lan trong khu vực.

Sau thời kỳ suy thoái, giai đoạn cải thiện liên tục hoạt động kinh doanh được coi là giai đoạn phục hồi kinh tế mấu chốt. Đa số các nhà phân tích dự đoán kinh tế thế giới sẽ ​​phục hồi theo mô hình kiểu hình chữ V (V-Shape), tức là hoạt động kinh tế giảm mạnh sau đó phục hồi nhanh chóng, hoặc mô hình phục hồi chữ K (K-Shape), tức các bộ phận riêng biệt của nền kinh tế sẽ phục hồi với tốc độ khác nhau.

Tuy nhiên, theo diễn đàn kinh tế thế giới, nền kinh tế châu Âu được dự báo sẽ phát triển theo mô hình phục hồi chữ U (U-Shape), tức kinh tế sẽ bị trì trệ trong một khoảng thời gian trước khi tăng trưởng mạnh trở lại. Dưới áp lực từ nhu cầu áp dụng các phương thức mới để hỗ trợ việc phát triển bền vững, thêm vào đó là căng thẳng địa chính trị trên toàn thế giới, các doanh nghiệp đã và đang tìm kiếm những con đường tăng trưởng cho riêng mình.

Các nhà cung cấp dịch vụ đang giúp đỡ khách hàng bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ số với thời gian quay vòng nhanh hơn, cũng như hỗ trợ họ trong việc xây dựng chiến lược và các lộ trình phát triển giai đoạn hậu Covid-19. Ở châu Âu, các doanh nghiệp đang cố gắng phục hồi kinh tế sau nhiều lần giãn cách xã hội, điều khiến doanh số bán hàng sụt giảm vào năm 2020. Thực tế, họ đã thành công bằng cách tìm ra những cách thức sáng tạo để cung cấp dịch vụ - đó là áp dụng chuyển đổi số.

Dưới đây là các xu hướng chuyển đổi số hàng đầu ở Châu Âu được dự đoán sẽ có sức hút nhất vào năm 2021.

1. Phân tích dựa trên trải nghiệm khách hàng (customer experience) và xu hướng điều khiển dữ liệu (data driven) sẽ được ưu tiên.

Việc đặt khách hàng lên hàng đầu đã trở thành trọng điểm trong chiến lược của nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Ảnh: Apluskazen

Việc đặt khách hàng lên hàng đầu đã trở thành trọng điểm trong chiến lược của nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Ảnh: Apluskazen

Với hầu hết các doanh nghiệp đang nỗ lực để “giữ chân” và phát triển cơ sở khách hàng (Customer Base) hiện có của họ, phân tích trải nghiệm của khách hàng (Customer Experience) đã trở thành vấn đề được ưu tiên hàng đầu.

Chuyển đổi số đã nhắc nhở các doanh nghiệp phải chú trọng trải nghiệm khách hàng (Customer Experience) và các nhà lãnh đạo cũng đã nhận ra lợi ích của việc áp dụng phương pháp điều khiển dữ liệu (Data Driven - sử dụng dữ liệu sẵn có, thu thập dữ liệu, phân tích, xử lý dữ liệu và áp dụng dữ liệu đó cho chiến lược quảng cáo, tiếp thị và kinh doanh của doanh nghiệp) để phân tích, cải thiện trải nghiệm khách hàng và vẽ ra lộ trình vận hành nhằm mở rộng cơ sở khách hàng.

Với những khó khăn dự kiến ​​sẽ vẫn tiếp tục diễn ra, bao gồm giãn cách xã hội cũng như việc hạn chế di chuyển hàng hóa do giới hạn nguồn nhân lực và một số những thách thức khác thì việc cung cấp trải nghiệm khách hàng dựa trên phương pháp phân tích được cho là sẽ tạo thêm sức hút để giúp các doanh nghiệp tiến lên trong hành trình tăng trưởng.

Các phương pháp phân tích giúp doanh nghiệp đánh giá được nhu cầu và thị hiếu của cơ sở khách hàng (Customer Base), mang đến cho họ những trải nghiệm cụ thể và khác biệt. Ở thời điểm hiện tại, trong suốt thời gian đại dịch diễn ra, Ocado - một trong những siêu thị trực tuyến lớn nhất ở Anh, đã nhanh chóng điều chỉnh mạng lưới giao hàng của mình bằng cách sử dụng AI và phương pháp phân tích để quản lý hàng tồn kho trong môi trường kinh doanh đầy biến động năm 2020. Theo kết quả được lưu lại, doanh thu của Ocado đã tăng trong khi đây là quãng thời gian thách thức nhất đối với hầu hết các doanh nghiệp.

2. Sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh trực tuyến mới sẽ thúc đẩy tăng trưởng

Tại châu Âu, mô hình kinh doanh trực tuyến được áp dụng nhiều nhất là tư vấn khám bệnh qua video. Ảnh: Bizman Media

Tại châu Âu, mô hình kinh doanh trực tuyến được áp dụng nhiều nhất là tư vấn khám bệnh qua video. Ảnh: Bizman Media

Với nỗ lực duy trì và phát triển kinh doanh trong thời kỳ hậu Covid-19, các doanh nghiệp trên toàn thế giới đã khám phá các nguồn bổ sung doanh thu khác. Điều này dẫn đến sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh trực tuyến mới - mô hình chủ yếu sử dụng các nền tảng kỹ thuật số và hệ sinh thái kỹ thuật số với mục đích bổ trợ cho các mô hình kinh doanh hiện có hoặc hoạt động riêng lẻ như một doanh nghiệp hoàn toàn mới.

Những mô hình này có thể áp dụng cho một nhóm ngành hoặc đa ngành, với mục tiêu là lấy khách hàng làm trọng tâm và khả năng sinh lời từ khách hàng.

Trường hợp áp dụng nhiều nhất mô hình kinh doanh trực tuyến của các nước Châu Âu là tư vấn khám bệnh qua video. Do những hạn chế về tương tác trực tiếp và chuẩn đoán tại nhiều khu vực, phương pháp này đã được chấp nhận và áp dụng rộng rãi khi đại dịch Covid-19 đạt đến đỉnh điểm vào năm 2020. Chính vì vậy, trong thời kỳ đại dịch, các mô hình kinh doanh (dưới dạng cung cấp các dịch vụ) đã thực sự phát triển trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng như một số các lĩnh vực khác.

3. Tập trung phục hồi chuỗi cung ứng linh hoạt bằng cách áp dụng phương pháp phân tích

Vào năm 2020, các chuỗi cung ứng đã phải đối mặt với những căng thẳng tột độ do những hạn chế trong di chuyển. Các doanh nghiệp đang dần phục hồi sau những gián đoạn đã phải tìm cách sửa chữa các phần bị lỗi của chuỗi cung ứng bằng cách tập trung vào các nguồn tài nguyên địa phương (Local Source). Việc định hướng lại mạng lưới chuỗi cung ứng và sử dụng công nghệ để quản lý chuỗi cung ứng đã cho phép các doanh nghiệp trở lại với trạng thái kinh doanh thông thường.

Để đảm bảo khả năng phục hồi trong hoạt động thương mại (Logistic), các doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ sẽ tiếp tục tập trung vào việc tăng cường chuỗi cung ứng ở cả trong nước và quốc tế. Theo định nghĩa của CSCMP - một hội đồng chuyên gia quản lý logistic thì quản lý logistic là một phần của quản lý chuỗi cung ứng. Trong đó, quản lý logistic sẽ hướng tới sự hiệu quả của chuỗi hàng hóa, dịch vụ và thông tin trên cả hai chiều, từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng và ngược lại.

Phương pháp sử dụng kỹ năng phân tích để dự báo nhu cầu và quản lý nguồn cung với sự trợ giúp của tự động hóa như một công nghệ hỗ trợ đã trở thành mục tiêu trọng tâm và dự kiến sẽ tạo nên sức hút. Tập trung vào logistic là điều phù hợp với tình hình ở châu Âu hiện nay khi chuỗi cung ứng giữa Anh và các khu vực còn lại của châu Âu cần được liên kết lại dựa trên các quy định liên quan đến Brexit. Trước tình hình đó, xây dựng mạng lưới chuỗi cung ứng chặt chẽ, sử dụng tự động hóa, phân tích và AI sẽ là lĩnh vực tập trung của các doanh nghiệp.

4. Sự phát triển của văn hóa làm việc linh hoạt sẽ mang lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động

Nhằm tuân thủ các hạn chế do chính phủ đưa ra để đối phó với đại dịch Covid-19, trong khi nhiều doanh nghiệp được trang bị về cơ sở hạ tầng để tạo nên môi trường làm việc linh hoạt cho người lao động thì một số doanh nghiệp khác đã bắt đầu triển khai mô hình làm việc từ xa (Remote Work Model) vào năm ngoái. Mặc dù việc nâng cấp cơ sở hạ tầng là cần thiết để đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho nhân viên, nhưng hơn hết, tiết kiệm chi phí bất động sản mới là điều có lợi trước mắt cho các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp áp dụng công nghệ kỹ thuật số có thể sử dụng mô hình làm việc lai (hybrid work) kết hợp làm việc tại nhà và công ty. Trong khi người sử dụng lao động vẫn có được năng suất công việc ổn định với việc cắt giảm chi phí, người lao động lại được hưởng lợi về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, giảm thời gian di chuyển và tăng hiệu suất công việc. Theo ước tính từ một nghiên cứu được thực hiện ở Liên minh châu Âu, 40% người lao động bắt đầu làm việc từ xa từ sau khi đại dịch bùng nổ. Với việc nhiều người lao động và người sử dụng lao động áp dụng thành công văn hóa mô hình làm việc lai (Hybrid Work), mô hình này được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho cả đôi bên.

5. Tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng 5G

Ảnh: RF Industries

Ảnh: RF Industries

Dưới áp lực về yêu cầu tăng cường xây dựng các dịch vụ cầu nối then chốt giữa các ngành, nhu cầu triển khai các thiết bị biên kết nối IoT (Internet of Things Edge Devices) ngày một tăng lên, dẫn đến đòi hỏi việc phát triển cung cấp dịch vụ 5G cho người tiêu dùng cuối (End Customers).

Vào cuối năm 2020, EU đã quyết định thành lập một quỹ hỗ trợ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ Euro (tương đương 914 tỷ USD) nhằm mục đích cải thiện khả năng kỹ thuật số. Trước tình hình đó, các công ty viễn thông đã có kế hoạch triển khai mở rộng cơ sở hạ tầng của mình để kích hoạt các dịch vụ 5G với tốc độ truy cập internet nhanh hơn gấp 20 lần so với tốc độ hiện tại.

Fredrik Jejdling, Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Giám đốc Mạng của Công ty Ericsson, cho biết: "Trong năm nay, xã hội đã có một bước tiến lớn hướng tới số hóa. Đại dịch đã chỉ rõ tác động của kết nối đến cuộc sống của chúng ta và chính đại dịch cũng đóng vai trò chất xúc tác cho sự thay đổi nhanh chóng, điều này cũng được thể hiện rõ ràng trong Báo cáo Di động mới nhất của Ericsson”.

Với sự gia tăng phát triển của các thiết bị điện toán biên (Edge Computing Devices - phương pháp tối ưu hoá hệ thống điện toán đám mây bằng cách xử lý tính toán dữ liệu tại vùng rìa (biên) của mạng, gần với nguồn dữ liệu nhất) nhà nhà được kết nối, người người được kết nối. Cùng với đó, việc áp dụng mô hình làm việc tại nhà (Remote work) là những yếu tố thúc đẩy nhu cầu gia tăng về băng thông.

6. Tập trung cao độ vào an ninh mạng (Cybersecurity)

Đã có rất nhiều cuộc tấn công mạng tới các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi. Chính vì vậy, sự tập trung vào an ninh mạng là điều cần thiết và được coi là vấn đề được ưu tiên cao nhất trong năm 2021. Các doanh nghiệp bắt buộc phải đảm bảo sự an toàn cho môi trường làm việc của họ nói riêng và trong ngành IT nói chung.

Một cuộc khảo sát doanh nghiệp đã chỉ ra rằng bảo mật mạng, phòng chống rủi ro dịch vụ thanh toán, bảo mật thanh toán và bảo mật web là những thách thức hàng đầu đối với các tổ chức. Do đó, việc đào tạo đội ngũ nhân viên có kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu là trọng tâm của một tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình chống lại các cuộc tấn công mạng.

7. Cloud và IoT chất xúc tác của quá trình tăng trưởng

Khi đại dịch Covid-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, điện toán đám mây (Cloud) và mạng lưới vạn vật kết nối internet (IoT) đã nổi lên như những công nghệ được ưa thích nhất, chúng được sử dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng và mở rộng kinh doanh.

Ảnh: EInfochips

Ảnh: EInfochips

Các doanh nghiệp đưa các ứng dụng của mình lên đám mây nhằm tăng tính linh hoạt các chức năng kinh doanh. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới. Sử dụng mạng lưới vạn vật kết nối internet để mở rộng các dịch vụ cung cấp cho khách hàng đồng thời cải thiện vận hành tối ưu (Operational Excellence) cũng là một lĩnh vực được nhiều doanh nghiệp ở Châu Âu chú trọng. Theo nhu cầu tăng trưởng kinh doanh ở châu Âu vào năm 2021 hai lĩnh vực công nghệ này dự kiến sẽ được các doanh nghiệp săn đón rất nhiều.

8. Blockchain (công nghệ chuỗi) có xu hướng được coi là công nghệ chủ đạo

Đã có rất nhiều dự đoán về tiềm năng của công nghệ chuỗi (Blockchain) và tác động của nó trong vài năm qua, nhiều tổ chức và doanh nghiệp nhận ra tiềm năng của blockchain và triển khai nó trên các lĩnh vực khác nhau và hứa hẹn sẽ là một ứng dụng hữu ích trong hai năm tới.

Công ty khởi nghiệp công nghệ sâu Peaq có trụ sở tại Đức đã huy động được 750.000 Euro để khởi chạy một nền tảng blockchain cho ngành công nghiệp ô tô. Công ty đã phát triển công nghệ hỗn hợp blockchain (Hybrid Blockchain) trong nội bộ và cung cấp nền tảng công nghệ của mình cho các nhóm công ty lớn dưới mô hình phần mềm dạng dịch vụ (SaaS), giúp khách hàng giảm chi phí một cách đáng kể, bên cạnh đó tạo ra các nguồn doanh thu mới, hệ thống hoạt động linh hoạt và bảo mật hơn.

Blockchain cùng sự kết hợp với IoT hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích giúp các thiết bị trên thế giới được kết nối và kết nối an toàn. Khi blockchain đã chứng tỏ giá trị khi được ứng dụng rộng rãi trong thế giới fintech (tài chính công nghệ) thông qua thanh toán trực tuyến, giao dịch điện tử và sự gia tăng chóng mặt của các loại tiền kỹ thuật số. Nó sẽ tiếp tục đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong an toàn, bảo mật trong tin mạng và trong hệ thống IoT.

Theo ISG