1. Điều gì diễn ra khi bạn xoá một tập tin?
Khi bạn nhấn nút Delete để xoá một tập tin, nó sẽ đi đâu?
Thực ra tập tin này không bị xoá ngay lập tức, mà sẽ được đưa vào thùng rác - Recycle Bin (trừ khi bạn tắt tính năng này) để nếu bạn phát hiện ra sự nhầm lẫn thì có thể khôi phục lại tập tin dễ dàng. Windows sẽ không xoá tập tin cho tới khi bạn "đổ rác" (Empty Recycle Bin), và cho dù bạn đã "đổ rác" thì tập tin này cũng không thực sự bị xoá hẳn. Bởi lúc này, Windows sẽ đánh dấu tập tin là "có thể bị ghi đè".
Do đó, nếu bạn đã lỡ tay "đổ rác" thì vẫn có một chút cơ hội để "cứu" tập tin này bằng các công cụ chuyên dùng như Recuva. Tuy nhiên cần nhớ rằng, nếu muốn lấy lại tập tin đã bị xoá thì bạn cần nhanh tay trước khi hệ thống ghi quá nhiều dữ liệu lên đĩa cứng, vô tình ghi đè lên tập tin của bạn.
Ngược lại, nếu bạn muốn thực sự xoá bỏ một tập tin để không ai có thể khôi phục được thì sau khi "đổ rác" xong, bạn cần thực hiện thao tác ghi đè bất kỳ dữ liệu nào có thể lên vùng ổ cứng có chứa tập tin bạn vừa xoá.
2. Những giới hạn liên quan đến đặt tên tập tin và thư mục
Nếu để ý, bạn sẽ thấy khi đặt tên tập tin hay thư mục với một ký tự đặc biệt như "/", "*", và ":", thì Windows sẽ không cho bạn làm vậy. Nguyên nhân của việc này liên quan đến phương thức hoạt động của hệ thống tập tin của Windows.
Ví dụ, Windows sử dụng ký tự "\" để phân biệt giữa các thư mục. Khi sử dụng câu lệnh cd (thay đổi thư mục), bạn có thể chỉ đường dẫn đến một tập tin trên ổ cứng như C:\Users\VNReview\BiAn Windows. Nếu bạn đặt tên tập tin là "BiAn\Windows" thay vì "BiAn Windows" thì hệ thống sẽ hiểu rằng BiAn là một thư mục và Windows là một tập tin trong thư mục đó. Để tránh tình trạng này, Windows sẽ không cho bạn sử dụng các ký tự đặc biệt nêu trên trong đặt tên tập tin hay thư mục.
Đối với ký tự ":", Windows cũng không cho phép sử dụng trong tên tập tin hay thư mục vì nó mặc định ký tự trước dấu ":" là một thiết bị (ví dụ C:\ chỉ ổ cứng).
Cuối cùng, dấu "*" là một ký tự đại diện trong giao diện dòng lệnh (Command Prompt), ví dụ khi bạn gõ del *.* thì hệ thống sẽ xoá toàn bộ các tập tin trong thư mục hiện tại. Nếu bạn đặt tên tập tin là *.txt thì vô tình sẽ xung đột với các câu lệnh tương tự như trên, và khi bạn muốn xoá tập tin này, Windows sẽ xoá toàn bộ các tập tin có đuôi .txt trong thư mục đó.
Tất nhiên, những giới hạn này đã quá cũ kỹ, vì hiện nay chúng ta đã sử dụng hệ thống giao diện đồ hoạ chứ không còn dùng dòng lệnh nữa. Nhưng rõ ràng những giới hạn này đã được đặt ra từ nhiều năm trước và người ta vẫn chưa có lý do chính đáng nào để loại bỏ chúng cả.
Bên cạnh các ký tự nêu trên, bạn còn không thể đặt tên tập tin bằng một số từ cụ thể như CON, AUX, LPT1... Bởi đó là những tên dành riêng cho hệ điều hành: CON chỉ bàn phím và màn hình, AUX chỉ các thiết bị sử dụng serial port, và LPT1 chỉ cổng máy in.
3. Những thủ thuật thú vị với Microsoft Word
Trên Word, các lập trình viên đã để lại một số câu lệnh khá thú vị mà họ dùng để kiểm tra phần mềm. Chỉ cần gõ một trong các câu lệnh sau và nhấn Enter, Word sẽ hiển thị một đoạn văn khá dài để bạn... đọc cho vui.
Câu lệnh "=rand(3, 5)", với số 3 là số đoạn văn bản và số 5 là số dòng của mỗi đoạn, sẽ cho ra kết quả:
Với các phiên bản Word mới thì nội dung đoạn văn bản bí ẩn này được lấy ra từ các tài liệu hướng dẫn sử dụng (Help) của bộ Office. Còn các phiên bản Word cũ thì sẽ cho ra dòng chữ The quick brown fox jumps over the lazy dog lặp đi lặp lại (bạn có thể gõ =rand.old(5, 10) để hiển thị nội dung tương tự).
Ngoài ra, bạn có thể gõ "=lorem(5, 10)" để hiển thị dòng chữ lorem ipsum cổ điển.
Bạn có thể tận dụng thủ thuật này để thử các font chữ mới, hoặc đơn giản là hiển thị một đoạn văn bản ngẫu nhiên để xem mình đã định dạng, canh lề đoạn văn (paragraph) hợp lý hay chưa. Khá tiện đúng không nào?
4. Tại sao hệ thống x64 lại có thêm một thư mục Program Files (x86)?
Trên các hệ thống 64-bit, chúng ta sẽ có 2 thư mục Program Files và Program Files (x86). Các chương trình 32-bit vẫn hoạt động tốt trên Windows 64-bit, vậy tại sao Microsoft không ném chúng vào cùng một thư mục cho tiện quản lý?
Thực ra Microsoft dùng biện pháp này để các chương trình 32-bit hoạt động như bình thường mà không giới hạn các chương trình 64-bit. Bởi một số chương trình 32-bit ngày xưa đã tồn tại từ trước khi 64-bit xuất hiện, do đó chúng hoàn toàn không biết đến các tập tin DLL 64-bit (với tên gọi y hệt các tập tin 32-bit). Do đó nếu không đặt trong một thư mục riêng thì các chương trình 32-bit cũ kỹ này có thể sẽ dùng nhầm các tập tin thư viện DLL 64-bit và dẫn đến lỗi chương trình.
5. Làm sao Windows biết một chương trình đang bị "treo"?
Người dùng Windows hẳn phải biết tới việc các chương trình bị "treo", và sau vài giây "treo cứng" thì Windows sẽ hiển thị một pop-up hỏi bạn có muốn đợi tiếp không hay tắt chương trình đang "treo".
Tuy nhiên, không phải bất kỳ chương trình nào không phản ứng trong vài giây đều bị cho là "treo", chúng đơn giản là đang thực hiện một tác vụ khá nặng và cần thêm một ít thời gian. Và trong cả hai trường hợp, pop-up khó chịu kia đều hiển thị với cùng một câu hỏi.
Tại sao Windows biết một chương trình đang "treo"? Bởi các chương trình máy tính đều có chức năng kiểm tra tương tác của người dùng (như di chuyển chuột hay gõ phím). Nếu một chương trình đột nhiên không tiến hành thao tác kiểm tra tương tác người dùng trong khoảng 5 giây thì Windows sẽ cho rằng nó đang bị "treo".
Một chương trình đang bận xử lý một lượng dữ liệu lớn (như sao chép và dán một bảng tính Excel với 5000 ô dữ liệu) thì đôi lúc nó sẽ cần nhiều hơn 5 giây để hoàn thành công việc, và trong thời gian đó nó sẽ tạm ngưng việc kiểm tra tương tác người dùng. Trong trường hợp này, nếu thấy Windows hiển thị pop-up đề xuất tắt chương trình, bạn nên bình tĩnh nhấn nút "Wait" nhé.
6. Tài khoản nào sẽ chạy trước khi bạn đăng nhập?
Trước khi bạn đăng nhập tài khoản người dùng của mình thì Windows phải nạp driver cần thiết để hiển thị màn hình đăng nhập, kích hoạt chuột hay bàn phím, và thực hiện một số chức năng khác. Bạn có tự hỏi rằng những công việc này được thực hiện dưới tài khoản nào hay không?
Thực ra ngay trước khi bạn đăng nhập thì đã có 2 tài khoản chạy ngầm. Các driver hệ thống phục vụ hiển thị và nhập liệu chạy ở cấp độ nhân (kernel) và không cần phải thuộc tài khoản người dùng nào cả. Còn màn hình đăng nhập (logonui.exe) thì chạy dưới tài khoản SYSTEM.
Tài khoản SYSTEM có quyền truy cập tương tự tài khoản Administrator mà Windows đã ẩn đi, tuy nhiên Windows chỉ sử dụng tài khoản SYSTEM này cho các công việc trong nội bộ hệ thống. Bạn không thể thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với tài khoản SYSTEM. Bạn có thể kiểm tra chương trình nào đang chạy dưới tài khoản SYSTEM bằng Task Manager.
7. Bush Hid the Facts
Đây là một lỗi của Windows XP: khi bạn gõ dòng chữ Bush hid the facts vào Notepad, lưu tập tin này và mở nó lên lại lần nữa, bạn sẽ thấy một rừng các ký tự Trung Quốc kì lạ!
Lỗi này xảy ra do Windows mã hoá nội dung văn bản trong Notepad không đúng cách: độ dài của dòng chữ trên khiến Windows nghĩ rằng chúng là các ký tự Unicode tiếng Trung Quốc, nên Windows đã mã hoá nội dung văn bản sang nhầm bảng ký tự.
Không chỉ dòng chữ trên, mà tất cả các dòng chữ với 4 từ: từ đầu tiên gồm 4 ký tự, theo sau đó là 2 từ 3 ký tự, cuối cùng là một từ 5 ký tự, đều sẽ kích hoạt lỗi tương tự. Ví dụ: John got the snack.
Theo Tạp chí Diễn đàn Đầu tư
http://vnreview.vn/tu-van-may-tinh/-/view_content/content/2278989/7-dieu-it-biet-cua-he-dieu-hanh-windows