Phủ vaccine COVID-19 đến từng người dân
TPHCM đặt mục tiêu đạt được độ bao phủ vaccine đến từng người dân. Trong đó, ưu tiên tiêm vaccine cho người dân quay về TPHCM từ các tỉnh; "đi từng ngõ, gõ từng nhà" không bỏ sót bất kỳ ai, nhất là những người thuộc nhóm nguy cơ cao; xây dựng dữ liệu lớn về tiêm vaccine; vận động người dân tham gia tiêm.
Đáng chú ý, TPHCM lập kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em từ 3 - 11 tuổi và sẵn sàng triển khai sớm khi được Bộ Y tế cho phép và cung ứng vaccine. Đồng thời, triển khai tiêm mũi tăng cường và bổ sung cho người dân.
Kiểm soát dịch trong giai đoạn bình thường mới
TPHCM xác định các chiến lược về giám sát, xét nghiệm, kiểm dịch phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Về xét nghiệm, tập trung vào nhóm đối tượng có triệu chứng nghi ngờ, người có nguy cơ cao. Thành phố cũng nâng cao năng lực giám sát của y tế dự phòng. Tăng cường áp dụng các kỹ thuật xét nghiệm mới có thể tự thực hiện một cách dễ dàng.
Về nâng cao năng lực giám sát và cảnh báo dịch, TPHCM sẽ tuyển chọn, đào tạo các chuyên viên chuyên trách công tác giám sát và cảnh báo dịch. Hình thành các tổ chuyên gia về giám sát cảnh báo dịch. Đồng thời, thành phố xây dựng hệ thống thu thập cơ sở dữ liệu liên quan đến dịch bệnh COVID-19 và tham gia các hệ thống giám sát, cảnh báo dịch của khu vực và trên thế giới,…
Để xử lý ổ dịch, hạn chế lây lan, TPHCM sẽ hình thành đội đặc nhiệm kiểm dịch trực thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật với nhiệm vụ hỗ trợ các địa phương phát hiện sớm ổ dịch, tìm nguyên nhân và triển khai các biện pháp ngăn chặn.
Tiêm ngừa COVID-19 cho đối tượng học sinh trên địa bàn TP.HCM |
TPHCM cũng xây dựng quy trình giám sát sự lưu hành, phát hiện các biến chủng của SARS-CoV-2. Đồng thời, hợp tác với các đơn vị chuyên ngành sinh học phân tử, di truyền học trong và ngoài nước để nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và xây dựng hệ thống phòng xét nghiệm chuyên sâu tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố.
Quản lý và chăm sóc F0 tại nhà
Hiện nay, hơn 90% người dân TPHCM đã được tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19, do đó phần lớn người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng hay chỉ có triệu chứng mức độ nhẹ. Đây là nhóm đối tượng phù hợp cho việc quản lý và chăm sóc tại nhà, giúp giảm tải cho các bệnh viện tầng trên.
Để F0 tại nhà được theo dõi, chăm sóc và quản lý chặt chẽ, TPHCM sẽ chủ động phát hiện và cập nhật danh sách người F0 và người thuộc nhóm nguy cơ cao trên từng địa bàn quận, huyện. Mỗi F0 điều trị tại nhà sẽ có một hồ sơ bệnh án điện tử. Thành phố cũng huy động mọi nguồn lực tham gia công tác quản chăm sóc F0 tại nhà.
Chăm sóc F0 tại cộng đồng. Ảnh: HCDC |
Điều trị F0 tại bệnh viện
Với việc F0 không triệu chứng và có triệu chứng nhẹ được chăm sóc và quản lý tại nhà, các bệnh viện tầng 2, tầng 3 sẽ tập trung chăm sóc người bệnh có triệu chứng trung bình trở lên và những người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Khi giải thể các bệnh viện dã chiến Thành phố, mỗi quận, huyện cần có cơ sở thu dụng, điều trị COVID-19 hoặc bệnh viện dã chiến với quy mô 300-500 giường để tiếp nhận F0 trên địa bàn.
Để thu dung điều tri F0 tại các bệnh viện, TPHCM yêu cầu tất cả các cơ sở điều trị luôn sẵn sàng tiếp nhận người mắc COVID-19. Thành phố sẽ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác điều trị.
Chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 |
Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân
Khi TPHCM cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, bên cạnh tâm lý lo lắng khi số trường hợp F0 vẫn tiếp tục gia tăng, vẫn còn một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, lơ là trong việc phòng, chống dịch bệnh.
Ngoài ra, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội trong thời gian qua, bên cạnh những thông tin chính xác, vẫn còn rất nhiều thông tin gây hiểu nhầm, thông tin với dụng ý xấu làm cho người dân hoang mang lo lắng.
Do đó, TPHCM sẽ triển khai chiến lược truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, gồm: Truyền thông đa phương thức; Thông điệp truyền thông phù hợp cho từng nhóm đối tượng; Đa dạng hóa nguồn lực tham gia công tác truyền thông.
Nâng cao năng lực phòng chống dịch
TPHCM nhìn nhận, khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát nhanh và mạnh, hệ thống y tế cơ sở và dự phòng chưa được đầu tư đúng mức để sẵn sàng ứng phó, nhất là các Trạm Y tế phường, xã, thị trấn.
Để nâng cao năng lực phòng, chống dịch, TPHCM xác định nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát bệnh tật ngang tầm các nước trong khu vực.
Hình thành mạng lưới Trạm Y tế - Trạm Y tế lưu động - Tổ y tế lưu động khu phố - Tổ COVID-19 cộng đồng. Đồng thời, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho nhân viên y tế làm việc tại tuyến cơ sở.
Cùng với đó, TPHCM đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác giám sát, dự báo dịch bệnh; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường, xã, thị trấn; huy động sự tham gia của hệ thống y tế tư nhân vào công tác phòng chống dịch.
(Theo Lao động)