Tân Hoa xã ngày 7/1 có bài bình luận cho rằng bước vào năm 2018, tình hình an ninh quốc tế vẫn tồn tại ít nhất 5 rủi ro địa - chính trị lớn, đó là xung đột Trung Đông, vấn đề hạt nhân Triều Tiên, vấn đề Ukraine, mâu thuẫn giữa Ấn Độ và Pakistan, bất ổn ở Afghanistan.
Xung quanh những xung đột địa - chính trị này, trong năm mới, các lực lượng chắc chắn sẽ tiếp tục đối đầu và giao tranh, còn cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục tìm kiếm con đường giải quyết.
Xung đột Trung Đông
Năm mới vừa bắt đầu, ở Iran đã nổ ra một loạt cuộc biểu tình. Người biểu tình yêu cầu chính phủ đặt kinh tế và dân sinh lên vị trí hàng đầu, giảm can thiệp vào các vấn đề khu vực.
Như vậy, sự thay đổi của tình hình chính trị Iran sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến cục diện Trung Đông? Mọi người đều biết, năm 2017, đối đầu giữa hai mặt trận lớn ở Trung Đông trầm trọng hơn, đấu tranh gay gắt. Một mặt, Iran củng cố quan hệ với Iraq, Syria, đồng thời tăng cường liên hệ với lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen, lực lượng Hezbollah ở Lebanon, hình thành "mảnh trăng non phái Shia".
Mặt khác, các nước vùng Vịnh phái Sunni đứng đầu là Saudi Arabia dưới sự ủng hộ của Mỹ, liên kết ứng phó thế lực của Iran. Cuối năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ và đồng minh đã ý thức được, mâu thuẫn chủ yếu của Trung Đông không còn là xung đột giữa Palestine và Israel, mà là mối đe đọa dến từ Iran.
Nhưng chuyên gia phân tích dự đoán, trong năm mới, mặc dù nội bộ Iran có biến số, nhưng sách lược ngoại giao của Iran sẽ không có sự điều chỉnh lớn. Iran sẽ không giảm sự hỗ trợ cho Syria, sẽ càng không giảm đối đầu với Saudi Arabia. Bởi vì kết quả đối đầu với Saudi Arabia không những liên quan đến vị thế và môi trường sinh tồn của Iran ở Trung Đông, mà còn liên quan đến tiền đồ của phái Shia ở Trung Đông.
Đồng thời, cần phải thừa nhận rằng trong bối cảnh lớn ông Donald Trump đe dọa xóa sổ thỏa thuận hạt nhân Iran, khôi phục trừng phạt Iran, tình hình nội bộ Iran bất ổn cũng có thể trở thành nhân tố có lợi cho Mỹ, Saudi Arabia và Israel tiếp tục ngăn chặn Iran.
Năm 2018, do các loại mâu thuẫn đan xen cộng với sự can dự sâu của Mỹ và Nga, đối đầu ở Trung Đông sẽ tiếp tục gia tăng.
Vấn đề hạt nhân Triều Tiên
Trong lời chúc mừng năm mới ngày 1/1/2018, nhà lãnh đạo cao nhất Triều Tiên Kim Jong-un đã cảnh cáo, Mỹ cần ý thức được toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ nằm trong phạm vi tấn công hạt nhân của Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phản hồi cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên có "nút kích hoạt hạt nhân", ông cũng có, hơn nữa "nút kích hoạt hạt nhân" của ông "lớn hơn, mạnh hơn". Năm 2018 vừa mới bắt đầu, Mỹ và Triều Tiên đã đưa ra những phát biểu gay gắt. Dự báo, trong năm mới, giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên vẫn vô cùng khó khăn.
Năm 2017, tình hình bán đảo Triều Tiên hết sức căng thẳng, cực kỳ nguy hiểm, các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cùng các cuộc tập trận quân sự của Mỹ - Hàn nhiều lần làm cho cộng đồng quốc tế lo ngại.
Triển vọng năm 2018, giải quyết vấn đề hạt nhân vẫn đối mặt với một cái "kết" cực kỳ nan giải, đó là chỉ cần Triều Tiên không đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân, Mỹ sẽ khó mà triển khai đàm phán thực sự với họ, trong khi đó Triều Tiên hiện không có bất cứ ý định nào từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Ngoài ra, Trung Quốc và Nga chủ trương đàm phán, phản đối sử dụng vũ lực, nhưng sẽ không thay đổi lập trường phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tình hình bán đảo Triều Tiên phát triển như thế nào còn đợi tiếp tục quan sát.
Tuy nhiên, khi năm mới bắt đầu, bán đảo Triều Tiên cũng đã xuất hiện dấu hiệu đáng hoan nghênh. Triều Tiên cho biết họ có ý định cử một đoàn vận động viên tham gia Olympics Mùa đông Pyeongchang do Hàn Quốc tổ chức trong thời gian tới.
Hàn Quốc đã đưa ra phản ứng tích cực, đề nghị tổ chức hội đàm cấp cao, tiến hành thảo luận thẳng thắn về việc Triều Tiên cử đoàn tham gia Olympics Mùa đông và cải thiện quan hệ nam - bắc.
Cộng đồng quốc tế hoan nghênh quan hệ hai miền Triều Tiên có dấu hiệu cải thiện, đồng thời trông đợi những nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên đạt được đột phá trong năm mới.
Khủng hoảng Ukraine
Năm 2018, Nga đứng một bên, Mỹ và NATO đứng ở một bên, đối đầu giữa hai bên trong vấn đề Ukraine sẽ tiếp tục trầm trọng hơn, không loại trừ khả năng xảy ra các sự kiện đối đầu mới.
Năm ngoái, chiến sự xảy ra liên tục ở khu vực miền đông Ukraine, các bước ngả về phương Tây của chính quyền Ukraine ngày càng kiên định, không ngừng kích thích dây thần kinh của Nga. EU phê chuẩn cho công dân Ukraine được hưởng chế độ miễn visa nhập cảnh vào EU, NATO cũng cam kết sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ cho Ukraine trong 3 năm tới, giúp Ukraine về quân sự phù hợp với tiêu chuẩn của kế hoạch hành động các nước thành viên NATO.
Ngoài ra, Mỹ là nước lớn ngoài khu vực, từ hậu trường đi ra trước sân khấu, lợi dụng vấn đề Ukraine để gây sức ép với Nga, đối đầu giữa hai nước trong vấn đề Ukraine từng bước leo thang. Cuối năm 2017, chính quyền Donald Trump đồng ý cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. Nga tiến hành phản đối mạnh mẽ, cho rằng hành động này "đã vượt qua giới hạn đỏ".
Vấn đề Ukraine có liên quan đến tình cảm dân tộc và lợi ích an ninh quốc gia quan trọng của Nga. Năm 2018, Nga sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống, Mỹ có thể sẽ áp dụng nhiều biện pháp, tận dụng cơ hội để tăng cường gây sức ép với Nga.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đặt lợi ích quốc gia Nga lên vị trí cao nhất, sẽ không dễ dàng nhượng bộ, thậm chí sẽ cứng rắn hơn. Xung quanh tình hình Ukraine, rủi ro đối đầu leo thang giữa Nga và các nước phương Tây sẽ tăng lớn.
Mâu thuẫn giữa Ấn Độ và Pakistan
Gần đây, trên mạng xã hội, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê phán Pakistan không hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Nhà Trắng cũng đưa ra những phát biểu cứng rắn đối với Pakistan, yêu cầu Pakistan phải nỗ lực nhiều hơn trong vấn đề chống khủng bố, cho biết Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp cụ thể để gây sức ép với Pakistan trong thời gian tới.
Ngày 4/1, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, chính phủ Mỹ đã tạm dừng cung cấp một khoản viện trợ an ninh lớn cho Pakistan, lúc nào khôi phục còn xem “biểu hiện” của Pakistan về chống khủng bố để quyết định. Các nhà quan sát cho rằng ông Donald Trump gây sức ép với Pakistan cho thấy ông có ý đồ ủng hộ Ấn Độ.
Một năm qua, Ấn Độ và Pakistan giao chiến không ngừng ở khu vực Kashmir, gây thương vong cho nhau, nhưng tổng thể duy trì được cục diện đối đầu nhưng không xảy ra chiến tranh.
Năm 2017, Ấn Độ và Pakistan chính thức gia nhập Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), có nghĩa là giữa hai nước đã có thêm một kênh trao đổi, một cơ chế hợp tác mới.
Nhà nghiên cứu Vương Hải Hà, Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc cho rằng Ấn Độ thúc đẩy thực hiện chính sách ngoại giao “ưu tiên láng giềng”, Pakistan tích cực thúc đẩy xây dựng Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan để thúc đẩy phát triển trong nước, hai nước đều cần tạo môi trường bên ngoài tốt đẹp cho phát triển trong nước.
Nhưng chiến lược Nam Á mới “tiếp tục gây sức ép với Pakistan, lôi kéo Ấn Độ” của chính quyền Donald Trump đã tạo ra yếu tố không xác định mới cho tình hình khu vực. Một mặt, Mỹ tăng cường quan hệ song phương với Ấn Độ, bao gồm xác nhận Ấn Độ là “đối tác quốc phòng chủ yếu” của Mỹ.
Mặt khác, Mỹ có tư thế thù địch, chỉ trích, gây sức ép đối với Pakistan. Mỹ lựa chọn đứng về một bên giữa Ấn Độ và Pakistan, đã tăng thêm rủi ro mất cân bằng khu vực.
Bất ổn ở Afghanistan
Hiện nay, tình hình an ninh Afghanistan vẫn nghiêm trọng, đối thoại trực tiếp giữa chính quyền Afghanistan và Taliban không có tiến triển thực chất, hòa giải dân tộc ở Afghanistan kéo dài chưa biết bao giờ kết thúc.
Điều quan trọng hơn là sự thâm nhập và di chuyển của tổ chức cực đoan “Nhà nước Hồi giáo” (IS) đã làm trầm trọng hơn sự nguy hiểm của tình hình Afghanistan. Năm 2017, ở Syria, sau khi Iraq bị thất bại, một bộ phận thế lực tàn dư của IS đã di chuyển đến Afghanistan, làm cho tình hình Afghanistan phức tạp thêm.
Ngụy Lượng, chuyên gia vấn đề Trung Đông, Viện khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng IS hoạt động rất tích cực ở Afghanistan, đã trở thành một trong những nhân tố cơ bản đe dọa sự ổn định của Afghanistan.
Để ứng phó với mối đe dọa khủng bố của IS, tổ chức Al Qaeda và “Mạng lưới Haqqani”, Mỹ tuyên bố tạm hoãn kế hoạch rút quân trước đó, đồng thời có kế hoạch tăng 3.000 - 4.000 quân tới Afghanistan trong năm 2018.
Những năm gần đây, Trung Quốc tích cực can dự vào vấn đề Afghanistan. Trong đối thoại Ngoại trưởng ba bên lần đầu tiên giữa Trung Quốc - Afghanistan - Pakistan tổ chức ở Bắc Kinh vào cuối năm 2017, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đề xuất, Trung Quốc và Pakistan sẵn sàng cùng Afghanistan “thảo luận mở rộng Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan tới Afghanistan theo phương thức thích hợp”.
Afghanistan có vị trí địa lý quan trọng kết nối Trung Á, Nam Á và Tây Á, được gọi là “trái tim đại lục Âu - Á”, đồng thời còn có nguồn tài nguyên phong phú. Trong năm mới, giảm khả năng xảy ra xung đột mới ở Afghanistan có lợi cho tăng cường lợi ích chung giữa các bên liên quan.