Đó là nhận định được đưa ra tại hội thảo “Hội đồng FTTH châu Á - Thái Bình Dương” năm 2016 đã được tổ chức tại Hà Nội, với sự tham dự của các thành viên Hội đồng FTTH châu Á - Thái Bình Dương cùng đại diện các nhà cung cấp dịch vụ FTTH tại Việt Nam như VNPT, Viettel, NetNam… vừa diễn ra hôm qua (13/10).
Mô tả trực quan về việc này, ông Bình dẫn chứng: “Tình trạng này tương tự như việc tăng mật độ dân cư quá nóng, doanh nghiệp cung cấp và một số nhóm người dân có thể được lợi ngắn hạn nhưng cộng đồng và đa số người dân có thể chịu ảnh hưởng dài hạn”.
Trong tham luận chủ đề “FTTx Việt Nam từ góc nhìn phát triển bền vững: Để mạng cáp quang không như mạng giao thông đô thị”, ông Vũ Thế Bình nhận định, Việt Nam đang được đánh giá là ngôi sao đang lên với tốc độ tăng thuê bao FTTx và tốc độ truy cập Internet đều tăng lên đáng kể. Tuy nhiên tỷ lệ phủ băng rộng FTTx còn thấp so với dân số, vì vậy dư địa phát triển còn rất lớn.
Việc phát triển FTTx những năm qua chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và Việt Nam gặp các vấn đề về hạ tầng cáp quang cũng tương tự như gặp các vấn đề về giao thông đô thị. Đó là thiếu tầm nhìn, thiếu quy hoạch tổng thể, thiếu chiến lược dài hạn và thiết kế tốt để tối ưu chi phí xã hội. “Việc hợp tác và tối ưu đầu tư giữa các player trong hệ sinh thái cáp quang hầu như chưa có ngay từ khái niệm”, ông Bình nhấn mạnh.
Theo ông, trong thời gian ngắn hạn, một số tập người dân Việt Nam được hưởng dịch vụ cáp quang với chi phí thấp; nhưng trong dài hạn, tiềm tàng xã hội phải gánh nhiều chi phí phát sinh như rác đô thị, môi trường và mỹ quan đô thị, đầu tư chồng chéo lãng phí, khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn - vùng xa.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT phát biểu tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT đã trình bày định hướng phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng tại Việt Nam. Trong phần trình bày của mình, ông đã cung cấp một số thông tin về tình hình phát triển băng thông rộng tại Việt Nam hiện nay; nêu ra cơ hội, thách thức, mục tiêu và định hướng phát triển của hạ tầng băng thông rộng trong thời gian tới.
Cùng với đó, ông Peter Macaulay, Chủ tịch Hội đồng FTTH Châu Á - Thái Bình Dương khẳng định: “Chúng tôi tin rằng FTTH sẽ tạo ra cơ hội giúp phát triển cơ sở hạ tầng cáp quang dùng chung, chạy trên nhiều cơ sở hạ tầng khác nhau với mục tiêu giúp tối đa hóa khả năng ứng dụng, nâng cao tốc độ băng thông rộng cáp quang, đưa cáp quang đến tận nhà qua hệ thống cơ sở hạ tầng dùng chung, áp dụng cho nhiều ứng dụng khác nhau để tiết kiệm chi phí, cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ người dùng”.
Hội đồng FTTH châu Á - Thái Bình Dương là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2005 tại Singapore, sau những thành công của Hội đồng FTTH Mỹ và châu Âu. Hội đồng này có nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ cáp quang bằng việc định hướng nhà cung cấp và người dùng về những cơ hội và lợi ích của FTTH để nâng cao chất lượng cuộc sống một cách bền vững; cung cấp một cái nhìn nhất quán và chính xác về tình hình FTTH cũng như thúc đẩy sự phát triển của thị trường FTTH.
Quy tụ các bên liên quan trong lĩnh vực, đại diện Chính phủ và các nhà phát triển, Hội đồng FTTH châu Á - Thái Bình Dương hướng tới mục tiêu đưa FTTH trở thành hình thức truy cập chủ yếu trong khu vực. Hội thảo “Hội đồng FTTH châu Á - Thái Bình Dương” là diễn đàn để các thành viên Hội đồng thảo luận về các công nghệ và ứng dụng FTTH, cập nhật những xu thế mới nhất và chia sẻ các câu chuyên thành công trong lĩnh vực FTTH. Các thành viên cũng có các cơ hội để liên kết, kết nối với các chuyên gia, nhà phân tích, khách hàng cũng như giới truyền thông trong lĩnh vực này.
Theo Ban tổ chức, hội thảo “Hội đồng FTTH châu Á - Thái Bình Dương” năm 2016 để chia sẻ các kiến thức của các chuyên gia trong và ngoài khu vực về lĩnh vực FTTH. Một số trong những vấn đề của hội thảo là: tình hình phát triển FTTH trong khu vực, những thách thức đối với việc triển khai FTTH; các ứng dụng, nội dung của FTTH; kinh nghiệm triển khai FTTH; các sản phẩm của FTTH…
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu