4 năm tìm con, đôi vợ chồng trẻ vỡ oà trong hạnh phúc khi thiên thần nhỏ chào đời khoẻ mạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Kết hôn 4 năm mà không có con, đôi vợ chồng trẻ từng nhiều lần xích mích, từ bỏ hy vọng tìm con. Thế nhưng may mắn đã mỉm cười với họ sau khi trải qua những nỗi đau không thể nói hết bằng lời.
Anh Hiếu, chị Xoan hạnh phúc bên thiên thần nhỏ (Ảnh - Minh Thuý)
Anh Hiếu, chị Xoan hạnh phúc bên thiên thần nhỏ (Ảnh - Minh Thuý)

Từng từ bỏ hy vọng tìm con

Có con là một niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao đối với mọi gia đình. Thế nhưng, chị Lự Thị Xoan, 27 tuổi cùng chồng là anh Nguyễn Ngọc Hiếu, 30 tuổi, sống ở thôn Sân Bay, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái kết hôn đã được 4 năm nhưng vẫn chưa có con.

Anh Hiếu tâm sự: “Vợ chồng tôi đã kết hôn được 4 năm nhưng mãi vẫn chưa có con. Đến cuối năm 2017, tôi cảm thấy cơ thể có vấn đề nên đã đi kiểm tra ở một bệnh viện trên địa bàn TP. Hà Nội. Sau khi khám, tôi biết mình khó có thể có con nhưng chưa rõ nguyên nhân. Sau một thời gian chạy chữa thuốc nam, thuốc bắc, tôi cùng vợ đều mong muốn có con tự nhiên nhưng vẫn chưa thấy tin vui. Vì thế, bản thân tôi bắt đầu cảm thấy chán nản, không muốn chạy chữa nữa. Sau một thời gian, vợ tôi lại có thai tự nhiên. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì bác sĩ phát hiện thai lưu và đó là thai đôi dính nhau”.

Anh Hiếu nhớ lại những lần tìm con, chữa chạy từ thuốc nam đến thuốc bắc (Ảnh - Minh Thuý)

Anh Hiếu nhớ lại những lần tìm con, chữa chạy từ thuốc nam đến thuốc bắc (Ảnh - Minh Thuý)

Mỗi lần họ hàng, người thân hay hàng xóm nhắc tới chuyện con cái là một lần anh Hiếu, chị Xoan âm thầm khóc trong đau đớn. Thậm chí, vợ chồng còn xích mích, to tiếng với nhau chỉ vì chưa có con. Nhớ lại những ngày tháng ấy, chị Xoan tâm sự: “Khi tôi đi đám cưới hoặc đi ra ngoài, nhiều người sờ bụng hỏi đã có con chưa. Lúc ấy, tôi thực sự rất tủi thân và buồn. Thậm chí có người còn nói tôi bị “điếc” rồi”.

Từ lần vợ bị thai lưu, anh Hiếu tưởng chừng như từ bỏ hy vọng tìm kiếm thiên thần bé bỏng nhưng may mắn thay, nghe tin họ hàng trong gia đình có người đi khám, điều trị ở Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thành công, anh cùng vợ đã lập tức đến đây.

Khi đến Bệnh viện, anh Hiếu cùng chị Xoan đã được kiểm tra sức khỏe sinh sản. Bên cạnh tiền sử quai bị trước đó, các bác sĩ còn phát hiện anh Hiếu mang gen bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) và chị Xoan cũng mang gen Thalassemia. Chị Xoan chia sẻ: “Hai vợ chồng chỉ nghĩ nguyên nhân hiếm muộn là do chồng tôi bị quai bị chứ không phải do gen Thalassemia”.

Được sự tư vấn của các bác sĩ, anh Hiếu và chị Xoan đã quyết định thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm kết hợp sàng lọc di truyền tiền làm tổ, nhằm lựa chọn những phôi khỏe mạnh, không bị bệnh trước khi chuyển. Trong suốt quá trình thực hiện, lúc nào chị Xoan cũng trong trạng thái hồi hộp, lo lắng, từ lúc chọc trứng đến khi tạo phôi rồi sàng lọc vì không biết có được bao nhiêu phôi tốt. Nếu không sàng lọc thì tỷ lệ con mắc bệnh là 25%. Thật may mắn, trong 8 phôi thì chỉ có 1 phôi bị bệnh, 7 phôi còn lại khoẻ mạnh.

Chị Xoan không giấu nổi niềm vui, hạnh phúc khi được ôm con trong tay (Ảnh - Minh Thuý)

Chị Xoan không giấu nổi niềm vui, hạnh phúc khi được ôm con trong tay (Ảnh - Minh Thuý)

Sau đó, chị Xoan được các bác sĩ thực hiện chuyển phôi không mang bệnh vào buồng tử cung. Khi biết được mình có tin vui, chị Xoan không kìm nổi những giọt nước mắt. Chị kể: “4 tuần đầu tiên sau khi chuyển phôi, đi kiểm tra ở bệnh viện tôi rất mừng. Tôi đã ở nhà suốt 9 tháng chỉ để giữ con”.

Cũng như chị Xoan, bồng con trên tay, anh Hiếu không giấu nổi niềm vui trong đôi mắt. Anh nhớ lại: “Vợ chồng tôi đã ở lại Hà Nội suốt từ khi bắt đầu thăm khám từ tháng 9 đến tháng 12/2019 để theo dõi, cho đến khi chuyển phôi thành công. Hai vợ chồng thuê nhà cách bệnh viện vài km để tiện đi lại. Sau khi sức khỏe ổn định, 2 vợ chồng về lại Yên Bái để vợ dưỡng thai. Ngày 03/09/2020, vợ tôi sinh em bé nặng 3 cân 6, đẻ mổ”.

Thiên thần nhỏ kháu khỉnh, bụ bẫm là niềm vui của cả gia đình anh Hiếu, chị Xoan (Ảnh - Minh Thuý)

Thiên thần nhỏ kháu khỉnh, bụ bẫm là niềm vui của cả gia đình anh Hiếu, chị Xoan (Ảnh - Minh Thuý)

Kiểm tra sớm, sàng lọc kịp thời để thế hệ sau khoẻ mạnh

Trao đổi với PV VietTimes, ThS. BS. Lê Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội – cho biết: “Khi vợ chồng anh Hiếu, chị Xoan đến bệnh viện thì đã hiếm muộn 4 năm, có tiền sử một lần thai lưu, tắc vòi tử cung. Khi bác sĩ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cho bệnh nhân thì trong xét nghiệm công thức máu xuất hiện tình trạng thiếu máu hồng cầu nhỏ.

Vì vậy, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mang gen Thalassemia nên đã khuyến cáo 2 vợ chồng đi kiểm tra. Kết quả kiểm tra cho thấy cả 2 vợ chồng đều mang gen bệnh Thalassemia nên các bác sĩ đã tư vấn cho hai vợ chồng thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm kết hợp chẩn đoán di truyền tiền làm tổ trước chuyển phôi, tìm những phôi không mang bệnh để sinh ra em bé khoẻ mạnh.”

Sau khi làm thụ tinh trong ống nghiệm, chọn lọc được phôi không mang bệnh, anh Hiếu, chị Xoan đã chào đón một em bé khoẻ mạnh, không mang gen bệnh.

Nếu vợ chồng anh Hiếu, chị Xoan không sàng lọc phôi thì vẫn có thể sinh con, nhưng em bé sinh ra có thể mắc bệnh. Nếu em bé mắc bệnh tan máu bẩm sinh, hệ luỵ sẽ vô cùng nặng nề vì khả năng sống của em bé không cao, cả cuộc đời bé sẽ phải gắn liền với bệnh viện.

BS. Hiền tư vấn cho một cặp vợ chồng đến khám tại Bệnh viện (Ảnh - BVCC)

BS. Hiền tư vấn cho một cặp vợ chồng đến khám tại Bệnh viện (Ảnh - BVCC)

Thống kê cho thấy, trong năm 2019 trên thế giới có 5 - 7% dân số mang gen. Tại Việt Nam có 13% dân số mang gen. Đây là con số không hề nhỏ. Hàng năm, nước ta có tới 8.000 em bé sinh ra mắc bệnh Thalassemia và có tới 2.000 bé mắc bệnh lý nặng.

Thực tế, có rất nhiều trường hợp các cặp vợ chồng đã sinh con bị bệnh rồi mới đi khám kiểm tra, lúc đó mới nghĩ tới bố mẹ mang gen bệnh. Khi phát hiện vợ chồng mang gen bệnh, các bác sĩ sẽ tư vấn làm thụ tinh trong ống nghiệm kết hợp sàng lọc di truyền tiền làm tổ trước chuyển phôi, tìm ra phôi khoẻ mạnh để sinh ra em bé bình thường.

Để phòng, tránh con mang gen/mắc bệnh, BS. Hiền khuyến cáo: “Bệnh Thalassemia là bệnh lý khá phổ biến trong dân số, đặc biệt, dân tộc thiểu số ở miền núi chiếm từ 20 - 40%. Vì thế, các cặp đôi trước khi kết hôn nên đi khám, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân để sớm phát hiện các bệnh lý, vấn đề liên quan tới sức khỏe sinh sản để kịp thời điều trị để sinh ra những em bé khoẻ mạnh, bình thường.”

Được biết, từ ngày 5/5, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội bắt đầu nhận hồ sơ xét duyệt hỗ trợ sàng lọc phôi miễn phí cho 20 ca mang gen bệnh lý di truyền này cùng với các bệnh lý hiếm khác như Hemophilia, teo cơ tủy… (không giới hạn số phôi). Trước tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, bệnh viện triển khai thêm hình thức nhận hồ sơ trực tuyến xét duyệt hỗ trợ miễn phí từ ngày 5/5 – 30/05/2021 thông qua cổng thông tin: tuanlevang.afhanoi.com. Các bệnh nhân đăng ký tham gia tuần lễ vàng (16/05 – 30/05/2021) cũng sẽ được cấp mã nhận các ưu đãi thông qua hình thức này. Chi tiết, liên hệ: 024 3634 3636.