Nội dung được ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - nhấn mạnh tại cuộc "Đối thoại phát triển địa phương 2021" do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức vừa qua.
Với chủ đề “Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới”, đây là lần đầu tiên đối thoại phát triển địa phương được tổ chức trực tuyến trên quy mô toàn quốc. Qua đó, lãnh đạo các ban, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương cùng giới khoa học, doanh nghiệp và các đối tác quốc tế trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất sáng kiến, mô hình, các giải pháp phát triển, nhằm tạo động lực cho sự bứt phá của địa phương.
Trong bài phát biểu, ông Nguyễn Xuân Thắng đã đề cập đến 3 yếu tố cơ bản cần quan tâm khi triển khai chuyển đổi số. Thứ nhất là hạ tầng công nghệ - yếu tố mang tính then chốt, quyết định chất lượng chuyển đổi số. Thứ hai là hệ thống thể chế, chính sách phải được bổ sung, điều chỉnh phù hợp với tiến bộ khoa học công nghệ cùng nhiều mô hình sản xuất kinh doanh mới, thậm chí là chưa từng có. Cùng với đó là những cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thứ ba là phát triển nhân tố con người, trong đó người lãnh đạo ở mọi cấp phải có nhận thức, quyết tâm và có tài tổ chức thực hiện cùng với nguồn nhân lực phải được đào tạo các kỹ năng phù hợp trong không gian số.
Cũng tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Xuân Thắng cũng nêu ra những thách thức lớn trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Ông đánh giá, các địa phương đã chủ động, thích nghi, chuyển sang trạng thái bình thường mới nhằm thực hiện hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ. Hành động này vừa góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế, vừa chủ động phòng, chống dịch bệnh.
“Đây là thời điểm chúng ta rất cần có tư duy quốc gia và hành động địa phương để định vị được mình trong sự phát triển chung của đất nước, có chiến lược phát triển phù hợp với chiến lược tổng thể quốc gia. Từ đó khắc phục được tình trạng cát cứ, mạnh ai nấy làm; đẩy mạnh kết nối và liên kết vùng, biến áp lực cạnh tranh trở thành cơ hội và động lực phát triển; phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện đặc thù để có đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cùng nhau nhịp bước trên con đường đi đến phồn vinh, hạnh phúc” - ông Thắng nêu quan điểm.
Thực tế, trong giai đoạn ứng phó với đại dịch, Việt Nam đã tăng cường ứng dụng công nghệ số mạnh mẽ, từ tổ chức các cuộc họp trực tuyến, mua sắm qua mạng cho đến khai báo y tế, truy vết, đặt lịch tham gia xét nghiệm… Theo đó, để nắm bắt cơ hội đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, trước tiên là chuyển đổi nhận thức từ lãnh đạo Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp và người dân.