Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng – “Khắc tinh” của quan tham Trung Quốc (Kỳ 4)

VietTimes -- “Trước đây cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ từng tuyên bố “Hãy chuẩn bị 100 cỗ áo quan, 99 cỗ dành cho bọn tham nhũng, chiếc cuối cùng dành cho tôi”, nay chúng ta xác định nếu cuộc chiến “Đả Hổ, săn Cáo, đập Ruồi” hiện nay mà thất bại thì chúng ta chết không có chỗ mà chôn!”. Những lời lẽ mạnh mẽ của Vương Kỳ Sơn thể hiện quyết tâm chống tham nhũng hủ bại, nhưng cũng nói lên tính chất gay go, quyết liệt của cuộc chiến này.
Ông Vương Kỳ Sơn - nỗi khiếp sợ của quan tham Trung Quốc
Ông Vương Kỳ Sơn - nỗi khiếp sợ của quan tham Trung Quốc

Một ngành nguy hiểm, ông Vương Kỳ Sơn nhiều lần bị mưu sát

Ngày 25/10/2014, phát biểu tại Hội nghị toàn thể lần thứ 4 UBKTKLTW khóa 18, ông Vương Kỳ Sơn tuyên bố: “Chống tham nhũng hủ bại là cuộc đấu tranh không thể thất bại; nếu ngưng giữa chừng thì hậu quả sẽ không thể lường hết”. Một lần khác, ông tuyên bố: “Trước đây cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ từng tuyên bố “Hãy chuẩn bị 100 cỗ áo quan, 99 cỗ dành cho bọn tham nhũng, chiếc cuối cùng dành cho tôi”, nay chúng ta xác định nếu cuộc chiến “Đả Hổ, săn Cáo, đập Ruồi” hiện nay mà thất bại thì chúng ta chết không có chỗ mà chôn!”. Những lời lẽ mạnh mẽ ấy thể hiện quyết tâm chống tham nhũng hủ bại, nhưng cũng nói lên tính chất gay go, quyết liệt của cuộc chiến này.

Cuộc chiến “Đả Hổ, đập Ruồi” ngày càng gay gắt thì ngày càng có thêm nhiều cán bộ ngành Kiểm tra kỷ luật (KTKL) bị mưu hại, thậm chí ám sát. Vụ việc nghiêm trọng nhất là ông Thời Hy Bình, Chủ nhiệm cơ quan giám sát các xí nghiệp trọng điểm, Tổ trưởng Tổ Tuần thị trung ương trong thời gian đi nghỉ ở Hồ Bắc đã mất tích từ ngày 13/9/2015, đến nay vẫn chưa rõ tung tích. Tạp chí “Động Hướng” dẫn nguồn tin nội bộ UBKTKLTW cho biết: từ tháng 9/2013 đến tháng 3/2014 đã có 60 cán bộ thuộc cơ quan UBKTKLTW và các tỉnh bị ám sát hoặc mất tích; ngoài ra còn có hơn 30 cán bộ ngành kiểm sát chịu số phận tương tự.

Chính vì vậy, đầu tháng 4/2015, Bộ Chính trị đã phải tổ chức hội nghị chuyên đề và quyết định thành lập “Văn phòng lãnh đạo công tác đặc biệt chống bạo lực và ám sát”. Bản thân ông Vương Kỳ Sơn cũng không ít lần gặp sự cố: đầu tháng 3/2014, khi ông đến Thiên Tân để chỉ đạo điều tra vụ việc, khi gần đến hiện trường, đột nhiên chiếc xe thứ 3 trong đoàn bị cháy nổ, trên xe có cảnh vệ, nhân viên công tác, ông Vương Kỳ Sơn ngồi trên xe thứ hai nên thoát nạn.

Đến trung tuần tháng 3/2014, khi ông chuẩn bị khởi hành từ Trường Xuân thì nhân viên an ninh cho biết nhiều chiếc xe trong đoàn bị găm vật nhọn vào vỏ (lốp) xe, xác định là có kẻ phá hoại. Trước đó, vào dịp Tết 2014, ông Vương Kỳ Sơn nhận được một thiếp chúc Tết có tẩm chất Kali Cyanua (KCN) cực độc. Lực lượng an ninh lập tức tiến hành truy tìm thủ phạm nhưng rốt cục không lần ra manh mối.

Hồi cuối tháng 8/2013, khi ông Vương Kỳ Sơn đến công cán tại Nam Xương, Giang Tây; buổi tối đang nghỉ trong nhà khách thì điện đột nhiên bị mất khoảng 50 phút. Đúng lúc đó có 2 người “dân oan” đòi gặp ông để trao “Đơn kêu cứu”. Cảnh vệ lập tức bắt giữ để làm rõ. Thì ra 2 kẻ này không phải “dân oan” mà là 2 công an biến chất đã bị sa thải, được thuê làm sát thủ. Khi bị bắt chúng đã định tự sát để diệt khẩu nhưng không thành…

2017 – một năm chống tham nhũng quyết liệt

2017 là năm bản lề chuẩn bị cho nhiệm kỳ đại hội mới; vì vậy cuộc chiến chống tham nhũng trở nên mạnh mẽ quyết liệt hơn bao giờ hết. Có tới 25 quan chức cao cấp bị UBKTKLTW đưa sang viện kiểm sát lập án điều tra. Ngoài Tôn Chính Tài - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trùng Khánh, các “đại Hổ” khác bị cơ quan viện kiểm sát lập án điều tra để đưa ra xét xử còn có: Hoàng Hưng Quốc – UVTW, quyền Bí thư thành ủy, Thị trưởng Thiên Tân; Ngô Thiên Quân – nguyên Ủy viên thường vụ, Bí thư Chính pháp tỉnh ủy Hà Nam; Mã Kiện – đảng ủy viên, Thứ trưởng Bộ An ninh Quốc gia; Trương Văn Hùng – nguyên Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Tuyên truyền tỉnh ủy Hồ Nam; Lý Gia – nguyên Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Quảng Đông, Bí thư thành ủy Chu Hải…

Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng – “Khắc tinh” của quan tham Trung Quốc (Kỳ 4) ảnh 1 Hoàng Hưng Quốc - Quyền Bí thư, Thị trưởng Thiên Tân nhận 12 năm tù
Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng – “Khắc tinh” của quan tham Trung Quốc (Kỳ 4) ảnh 2 Vương Mân – nguyên Bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh nhận án chung thân

25 “Hổ lớn” bị truy tố và xét xử. Điều tra, xử lý theo pháp luật các “Hổ lớn” cấp tỉnh, bộ luôn là trọng điểm của cơ quan viện kiểm sát trong cuộc chiến chống tham nhũng. Năm 2017 đã có thêm 25 quan tham cấp cao bị lập án điều tra vì phạm tội chức vụ, nhiều hơn năm 2016 bốn người. Trước khi diễn ra Đại hội 19, hoạt động tư pháp chống tham nhũng được đẩy nhanh, liên tiếp đưa ra xét xử một loạt quan chức ngã ngựa, Chỉ riêng ngày 18/7, Viện Kiểm sát tối cao đã liên tiếp phát ra 5 quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế để lập án điều tra xử lý đối với 5 cựu quan chức cao cấp như Tô Thụ Lâm, Phó Bí thư tỉnh ủy, Tỉnh trưởng Phúc Kiến…Hay trong tháng 9 có 5 cựu quan chức lãnh đạo cấp tỉnh, bộ như Hạng Tuấn Ba – Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban quản lý giám sát bảo hiểm quốc gia bị tiến hành trình tự pháp lý…

Một loạt các “Hổ lớn” đã bị cơ quan kiểm tra kỷ luật đảng xử lý, năm 2017 lại xuất hiện trở lại trước con mắt bàn dân thiên hạ. Mã Kiện, Thứ trưởng Bộ An ninh quốc gia vốn bị cơ quan kiểm tra kỷ luật tuyên bố đình chức điều tra từ ngày 16/1/2015; sau hơn 2 năm im ắng, đến 6/2/2017 đã chính thức bị viện kiểm sát tuyên bố lập án để thẩm tra, xử lý theo pháp luật. Hai “Hổ lớn” giới tài chính, tiền tệ là Diêu Cương, đảng ủy viên, Phó chủ tịch Ủy ban quản lý giám sát chứng khoán và Trương Dục Quân – Trợ lý Chủ tịch Ủy ban bị UBKTKLTW công bố điều tra từ 2015, đến ngày 31/8 và 16/9/2017 cũng bị cơ quan viện kiểm sát áp dụng biện pháp cưỡng chế để điều tra xử lý theo pháp luật – từ khi bị xử lý kỷ luật đảng đến khi áp dụng trình tự tư pháp cũng mất gần 2 năm.

Trong số 18 quan chức cấp phó bộ trở lên bị truy tố trong năm 2017, ngoại trừ hai vụ án Trương Việt – nguyên Ủy viên thường vụ, Bí thư Chính pháp Hà Bắc và Lý Gia – nguyên Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Quảng Đông, Bí thư Chu Hải đang xét xử, chưa tuyên án, 16 người còn lại đều đã bị kết án tù giam.

Mã Kiện - Thứ trưởng Bộ ANQG bị truy tố.

Tháng nào cũng có “Hổ lớn” ra tòa, chết rồi vẫn không thoát.

Ngày 25/9/2017, Tòa án thành phố Thạch Gia Trang công khai tuyên án vụ xử Hoàng Hưng Quốc – “Hổ lớn Thiên Tân” nhận hối lộ. Quốc bị nhận án 12 năm tù giam và phạt 3 triệu NDT. Hoàng Hưng Quốc đã là quan chức cấp tỉnh, bộ thứ 39 bị nhận án tù trong năm 2017, vượt kỷ lục 34 người trong năm 2016, trước đó năm 2015 có 16 người và năm 2014 chỉ có 4 người cùng cấp nhận án tù. Xét về mật độ xét xử thì tháng nào cũng có những con “Hổ” bị đưa ra xét xử hoặc tuyên án, Ngày 31/5 có tới 8 cựu quan chức cấp tỉnh, bộ bị tuyên án – là ngày có số quan chức bị kết án tù nhiều nhất trong lịch sử xét xử các “Hổ” tham nhũng. Vụ án hối lộ bầu cử Liêu Ninh nổi tiếng cả nước liên quan đến nhiều quan chức, đã có 4 người nhận án tù, trong đó Vương Mân – nguyên Bí thư tỉnh ủy nhận án chung thân, tịch thu toàn bộ tài sản, Vương Dương và Trịnh Ngọc Chước - nguyên Phó chủ tịch HĐND, Tô Hồng Chương – nguyên Bí thư Chính pháp tỉnh ủy cũng đều phải nhận các mức án khác nhau; ngoài ra, Lý Văn Khoa, nguyên Phó chủ tịch HĐND tỉnh cũng đã bị viện kiểm sát áp dụng biện pháp cưỡng chế, lập án điều tra.

Ngày 25/7, Tòa án Dương Châu, Giang Tô mở phiên tòa công khai phán quyết tịch thu toàn bộ tài sản của Nhiệm Nhuận Hậu, nguyên Phó tỉnh trưởng Sơn Tây (đã chết). Hậu là 1 trong số 8 “Hổ” là lãnh đạo tỉnh Sơn Tây bị ngã ngựa. 7 người khác đều đã nhận án tù trong năm 2016, riêng Hậu bị chết bệnh trong thời gian đang bị điều tra nên dù không bị đưa ra xét xử theo quy định pháp luật nhưng tài sản vơ xét được do tham nhũng vẫn bị thu hồi sung công quỹ. Giới tư pháp nhận định, vụ tịch thu tài sản Nhiệm Nhuận Hậu là đòn cảnh tỉnh đối với những quan tham nuôi ý đồ “hy sinh một người, toàn gia hạnh phúc”, được coi là một tiến bộ lớn trong pháp trị chống tham nhũng.

Trị quan tham không ngại dùng trọng hình.

 Ngày 26/5/2017, chấp hành lệnh của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án thành phố Thái Nguyên (Sơn Tây) đã thi hành án tử hình đối với Triệu Lê Bình, nguyên Giám đốc Sở CA, Phó chủ tịch Chính Hiệp khu tự trị Nội Mông về tội nhận hối lộ và giết người tình để bịt đầu mối. Bình trở thành “Hổ” đầu tiên nhận án tử kể từ sau Đại hội 18 đến nay. Ngày 25/7, Vũ Trường Thuận – nguyên Giám đốc CA, Phó chủ tịch Chính Hiệp Thiên Tân bị kết án tử hình, hoãn thi hành 2 năm, sau đó chuyển thành án chung thân không được giảm án. Thuận trở thành “Hổ” thứ 3 nhận án “tử hoãn” sau Bạch Ân Bồi (Bí thư Vân Nam) và Chu Minh Quốc (Phó Bí thư, Chủ tịch Chính Hiệp Quảng Đông).

Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng – “Khắc tinh” của quan tham Trung Quốc (Kỳ 4) ảnh 4 Triệu Lê Bình - Quan tham đầu tiên bị tử hình sau Đại hội 18

Dùng trọng hình xử lý quan tham là đặc điểm nổi bật từ sau Đại hội 18. Ngoài các trường hợp trên, có tới 10 “Hổ” khác bị nhận mức án tù chung thân là Tô Vinh - Phó chủ tịch Chính Hiệp toàn quốc, Hề Hiểu Minh – Phó chánh án TAND tối cao, Vương Bảo An – Cục trưởng Thống kê quốc gia, Lưu Chí Canh – Phó tỉnh trưởng Quảng Đông, Dương Chấn Siêu – Phó tỉnh trưởng An Huy, Tôn Chính Tài – Bí thư Trùng Khánh…đưa số quan tham bị nhận án tù chung thân từ sau Đại hội 18 (2012) lên 19 người.

Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng – “Khắc tinh” của quan tham Trung Quốc (Kỳ 4) ảnh 5 Hề Hiểu Minh – Phó chánh án TAND tối cao nhận án tù chung thân

Ngoài ra còn có 12 quan tham nhận án từ 15 đến 20 năm, trong đó Phan Dật Dương, Phó chủ tịch Khu Nội Mông nhận án 20 năm. Ngày 13/10, Tòa án Hàng Châu tuyên phạt Dương Tú Châu – “Đệ nhất nữ quan tham” - kẻ đứng đầu “Danh sách 100 người bị truy nã đỏ quốc tế” 8 năm tù, phạt 800 ngàn NDT, truy thu tang vật tham ô, nhận hối lộ tổng cộng 26,39 triệu NDT. Việc xét xử Châu được coi là thắng lợi lớn của chiến dịch truy bắt tội phạm bỏ trốn, truy thu tang vật. Tính đến tháng 10/2017, Trung Quốc đã truy bắt được 3.587 tội phạm bỏ trốn từ hơn 90 nước và khu vực, truy thu tang vật hơn 9 tỷ 541 triệu NDT. Sau 3 năm phát động truy bắt tội phạm phạm tội chức vụ, cơ quan kiểm sát đã bắt đưa về, khuyên về được 216 người từ hơn 40 quốc gia và khu vực; đến 6/12 đã có 51 trong số 100 kẻ bị truy nã đỏ quốc tế bị bắt đưa về trị tội.

(Còn tiếp)