Tuyên bố của phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng một mực khẳng định «không báo giờ có chuyện Trung Quốc huy động ngư dân để khẳng định chủ quyền biển đảo». Tuy nhiên trên thực tế, hàng chục ngàn tàu cá đã được trang bị vũ khí, hệ thống truyền tin, ngư phủ học tập quân sự trở thành dân quân phục vụ trên vùng Biển Đông.
Khóa huấn luyện đầu tiên gồm cứu hộ, chiến đấu và thu thập thông tin tình báo được tổ chức trên bộ và sẽ thực tập trên biển từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay. Chính quyền Hải Nam cho biết trả tiền cho các ngư dân đi học quân sự. Khoảng 50.000 tàu đánh cá được trang bị hệ thống liên lạc với lực lượng tuần duyên, báo cáo tình hình, sự hiện diện của hải thuyền nước ngoài.
Ngư dân Trung Quốc được tài trợ thay thế thuyền gỗ bằng thuyền vỏ thép và có trang bị súng. Họ tin rằng quân đội Trung Quốc đã «đủ mạnh» để bảo vệ họ nếu gặp kháng cự . Trả lời Reuters, một chủ công ty họ Trần cho biết hãng của ông ta được nhà nước tài trợ để mua tàu đánh cá loại lớn bằng thép, trọng tải hàng trăm tấn, để đánh cá tận Trường Sa và bảo vệ cái gọi là "chủ quyền tổ quốc», chống tàu cá nước ngoài xâm phạm.
Tàu cá của công ty của Trần dừng chân ở đảo Phú Lâm, đảo Hoàng Sa, nơi có các giàn tên lửa phòng không, để lấy thêm nhiên liệu và báo cáo với tuần duyên. Trần cho biết rất mong sử dụng các trạm tiếp liệu mà quân đội Trung Quốc đang xây dựng ở Trường Sa. Chính quyền Hải Nam giải thích là lực lượng dân quân trên biển đang phát triển mạnh, vì «ngư dân có quyết tâm bảo vệ lãnh hải và quyền lợi quốc gia».
Một chuyên gia quốc tế cho biết là lực lượng dân quân ngư phủ của Trung Quốc có nguy cơ gây xung đột với hải quân quốc tế. Cho đến nay, chỉ có giữa chiến hạm hải quân mới có nguyên tắc ứng xử và liên lạc với nhau để tránh đụng độ vì hiểu lầm.
Vấn đề là việc dân quân Trung Quốc với đội tàu cá đông đảo và tối tân thực hiện ý đồ thống trị biển Đông của Trung Quốc sẽ trở thành mối đe dọa thường trực với ngư dân các nước láng giềng và gây thách thức nghiêm trọng cho các nước trong khu vực.