Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 29/7 cho biết ngày 21/7, "Sách trắng Phòng vệ" (bản năm 2016) do cơ quan nghiên cứu quân sự Nhật Bản với đại diện là Viện Nghiên cứu Phòng vệ khởi thảo đã chính thức trình lên Nội các Nhật Bản xem xét, dự kiến sẽ chính thức công bố vào thượng tuần tháng 8/2016.
Các hãng tin lớn của Nhật Bản như hãng tin Kyodo, Asagumo-News tiết lộ, sách trắng không chỉ đã tiến hành đánh giá hiệu quả xây dựng hệ thống chỉ huy tác chiến của Lực lượng Phòng vệ, mà còn tiến hành tổng kết về ưu khuyết điểm và được mất của Nhật Bản những năm gần đây trên nhiều lĩnh vực như đồng minh Nhật-Mỹ, hợp tác đa phương, đóng góp cho quốc tế, chống động đất thiên tai, khai thác biển.
Tuy nhiên, nội dung quan trọng cốt lõi của sách trắng lại là tiếp tục lấy vấn đề Biển Đông để làm nổi bật mối đe dọa đến từ Trung Quốc.
Một mặt, theo thường lệ, sách trắng bản mới nhất tiến hành đánh giá lần lượt đối với tình hình quân sự của các nước trên thế giới, đồng thời đề cập đến vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Sách trắng cho rằng Trung Quốc đang tìm cách "thống trị" trong cuộc đánh cờ ở Biển Đông - khu vực "bất ổn nhất" ở Đông Á, cho rằng Trung Quốc đã xâm phạm lợi ích của Nhật Bản và đồng minh ở khu vực này.
Đồng thời sách trắng yêu cầu Chính phủ Nhật Bản phải gia tăng mức độ can thiệp đối với vấn đề Biển Đông và mức độ viện trợ kinh tế, quân sự cho các nước Đông Nam Á.
Sách trắng yêu cầu Lực lượng Phòng vệ trong tương lai cần thông qua diễn tập quân sự liên hợp đa quốc gia để xây dựng cơ chế bảo đảm an ninh ba nước Nhật-Mỹ-Australia và Nhật-Mỹ-Ấn ở Biển Đông.
Điều đáng lưu ý là sách trắng tuyên bố Trung Quốc dành phần lớn nguồn lực quân sự vào Biển Đông sẽ dẫn tới không thể quay lại hướng Đông, từ đó có thể làm giảm sức ép đối đầu của Nhật Bản ở khu vực biển Hoa Đông, tạo cơ hội tốt cho khôi phục quan hệ với Trung Quốc.
Trên cơ sở này, sách trắng nhấn mạnh Nhật Bản cần chủ động làm dịu quan hệ căng thẳng với Trung Quốc ở biển Hoa Đông, làm giảm rủi ro xung đột và hy vọng Nhật-Trung tăng cường lòng tin.
Mặt khác, sách trắng tiếp tục cổ vũ tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực tây nam (trên hướng biển Hoa Đông). Sách trắng cho rằng gần 4 năm qua, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất, Lực lượng Phòng vệ Biển và Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản đã áp dụng nhiều biện pháp từng bước lấp đi khoảng trống quân sự ở khu vực tây nam, việc triển khai quân sự ở khu vực này sẽ hoàn thành.
Lực lượng Phòng vệ Mặt đất tập trung xây dựng và huấn luyện "thủy quân lục chiến" ở Kyushu, muốn đặt nền tảng, mở đường cho tiến hành tác chiến "đoạt đảo" trong tương lai.
Đồng thời, để tăng cường xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, theo dõi ở vùng biển xung quanh, Nhật Bản triển khai đội theo dõi ven bờ 303 ở đảo Yonaguni - hòn đảo cực tây nam, để theo dõi và do thám chặt chẽ biên đội tàu chiến và máy bay, tên lửa của các nước xung quanh khu vực này.
Ngoài ra, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng đã bố trí một đội cảnh giới lãnh thổ 700 quân ở căn cứ hàng không đảo Amami Great và điều các tiểu đoàn bộ binh quy mô 300 quân lần lượt tới đảo Ishigaki và đảo Miyako, những hòn đảo rất gần đảo Senkaku để tăng cường phòng vệ đảo.
Mặc dù đã triển khai lực lượng hùng hậu, nhưng Nhật Bản còn chưa dừng lại. Đại cương sách trắng mà hãng tin Kyodo nắm được tiết lộ, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản vẫn đang triển khai các biện pháp để không ngừng tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực tây nam.
Một là ký kết hiệp định vận tải với các công ty đóng tàu địa phương Nhật Bản để trưng dụng tàu dân dụng khi có chiến tranh, khắc phục thiếu thốn về lực lượng vận tải, đồng thời thuê toàn bộ thủy thủ của tàu thương mại làm nhân viên dự bị.
Hai là năm nay và năm tới Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ đầu tư khoảng 300 tỷ yên lần lượt chế tạo mới 2 tàu khu trục phòng không lớp Atago lắp hệ thống Aegis, từ đó thực hiện trước mục tiêu xây dựng biên đội 8 tàu Aegis của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Cuối cùng là trong 5 - 8 năm tới, Lực lượng Phòng vệ sẽ mua 20 tàu tuần duyên tiên tiến để tăng cường phòng vệ khu vực duyên hải các đảo nhỏ, tốc độ cao nhất của tàu chiến loại này có thể đạt 40 hải lý/giờ, có thể đồng thời thực hiện các nhiệm vụ như tác chiến mặt biển, tác chiến săn ngầm và tác chiến quét mìn.
Đồng thời, trên phương diện xây dựng lực lượng quân sự trên không, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản cũng đã thành lập mới trung đoàn hàng không 9 ở đảo Okinawa vào ngày 21/3/2016, tăng 30 máy bay chiến đấu F-15.
Lực lượng Phòng vệ Trên không còn thông qua các biện pháp như mua sắm máy bay cảnh báo sớm E-2D, máy bay chiến đấu F-35, hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm, giám sát trong mọi điều kiện thời tiết và hệ thống tác chiến trên không, nâng cao tính năng cho hệ thống cảnh báo sớm, giám sát, tác chiến trên không-không gian thế hệ mới, để tăng cường khả năng do thám và tấn công tầm xa cho quân đội.