Kết quả của tòa Trọng tài về vụ kiện Biển Đông đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và tuyên bố đường chín đoạn là vô hiệu lực - đây là một cú thất bại nặng nề cho nước này. Và đúng như dự đoán, Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết của tòa Trọng tài. Vậy bước tiếp theo của Trung Quốc sẽ là gì?
Theo The Strategist, tranh chấp chỉ là một khía cạnh của tham vọng lớn hơn của Trung Quốc với việc làm sống lại “Giấc mơ Trung Hoa” và khôi phục lại chế độ Thiên triều, coi các nước láng giềng ở Đông Nam Á là những nước triều cống như thời phong kiến trước đây. Một nước Trung Quốc bá quyền mới sẽ thách thức sự dẫn đầu của Mỹ tại châu Á. Cuộc khủng hoảng này hợp với điệp khúc tuyên truyền của Trung Quốc về “một thế kỷ tủi nhục” của giới lãnh đạo nước này để duy trì tính chính danh chính trị. Do đó việc đột ngột rút lui không bảo vệ lợi ích tối sống còn của Trung Quốc sẽ là một đòn không thể chịu đựng nổi đối với tính chính danh của giới lãnh đạo Trung Quốc và đặc biệt là danh tiếng của ông Tập Cận Bình.
Strategist nhận định, Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh mềm và ngoại giao để đối phó với những phản ứng quốc tế chống lại sự phủ nhận của Bắc Kinh đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hiện nay, nhưng thách thức cố hữu mà Bắc Kinh đặt ra với trật tự này sẽ không thay đổi. Và Trung Quốc sẽ không lùi bước trong vấn đề Biển Đông.
Từ quan điểm quân sự, việc kiểm soát của Trung Quốc trên Biển Đông cho phép quân đội Trung Quốc (PLA) mở rộng khu vực chống tiếp cận (A2/AD) rộng hơn xuống phía nam và phía đông. Nó cũng cho phép PLA có thể sử dụng các tàu ngầm, các chiến hạm hải quân tiên tiến hơn, các thiết bị tấn công tầm xa và các lực lượng không quân tinh vi hơn để ngăn chặn hoặc răn đe quân đội Mỹ can thiệp vào bất kỳ cuộc khủng hoảng nào ở khu vực trong tương lai, chẳng hạn như vấn đề Đài Loan.
Đồng thời nó cũng hỗ trợ lực lượng hải quân Trung Quốc triển khai lực lượng ở Ấn Độ Dương. Biển Đông cũng là một pháo đài cho tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) lớp Tấn và tàu ngầm Type 096 lớp Thương của Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực phía nam căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam, nơi có mực nước sâu tối đa là 6.000m.
Strategist đánh giá, Trung Quốc đã gây khó khăn lớn cho các nước ASEAN, khiến các nước này không đạt được sự đoàn kết thống nhất trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Và Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục dọa dẫm, ép buộc tổ chức này, đặc biệt là tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN họp tại Lào từ 21-26/7. Trung Quốc cũng sẽ cố gắng đối phó với vị tân tổng thống tính khí khó lường của Philippines, Rodrigo Duterte, người đã đề nghị đàm phán song phương với Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh cũng có thể sẽ rút khỏi vòng đàm phán đa phương lâu năm về việc thiết lập Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Và Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục sử dụng cả sức ép ngoại giao và những dụ dỗ kinh tế song phương để mua chuộc từng nước riêng rẽ.
Trung Quốc có thể cũng chọn lối đi khó khăn hơn và thúc đẩy yêu sách chủ quyền phi lý của nước này bằng sức mạnh quân sự. Việc này sẽ cho phép Trung Quốc chứng minh với Mỹ, Nhật Bản và cả khu vực, cũng như với chính người dân trong nước, rằng chính quyền Trung Quốc chẳng sợ hãi điều gì. Trung Quốc đã sử dụng những hành động hung hăng ở “vùng xám”, duy trì sức mạnh đe dọa ở mức độ thấp để không khiến Mỹ có phản ứng trả đũa. Khi Trung Quốc nâng cấp độ hành động lên trên mức đó, việc đánh giá sai lầm của cả hai bên có thể nhanh chóng tạo ra những hành động leo thang, dẫn tới xung đột quân sự mà Trung Quốc không được phép thất bại, nhưng cũng không đủ phương tiện để giành chiến thắng.
Trung Quốc rõ ràng đã cân nhắc một số bước đi quân sự. Nước này đã quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa và việc mở rộng việc này ra quần đảo Trường Sa (cả hai đều thuộc chủ quyền của Việt Nam) là một bước đi có vẻ logic sắp tới. Việc quân sự hóa có thể bao gồm cả việc triển khai các máy bay chiến đấu, hệ thống tên lửa phòng không và chống hạm, kết hợp với lực lượng hải quân trên các đảo được nhân tạo được xây dựng phi pháp tai đá Chữ Thập, Vành Khăn và Châu Viên.
Theo Strategist, Trung Quốc có thể xem xét củng cố bãi cạn Scarborough hoặc chiếm bãi Cỏ Mây hay đuổi quân đội Philippines ra khỏi đây. Trung Quốc cũng có thể tuyên bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên một phần hoặc toàn bộ Biển Đông và thực thi ADIZ một cách nghiêm ngặt, thông qua sử dụng các lực lượng không quân triển khai trên các đảo nhân tạo tại Trường Sa. Cuối cùng, Trung Quốc có thể sử dụng lực lượng hải cảnh và “hạm đội tàu cá chiến lược” thậm chí hung hăng hơn để thách thức lợi ích của các bên yêu sách khác, cho phép “hạm đội tàu vỏ trắng” và lực lượng dân quân biển hỗ trợ trực tiếp cho chiến hạm hải quân Trung Quốc, theo cách buộc các đối thủ phải lùi bước.
Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế đã buộc Trung Quốc phải đáp trả. Vào thời điểm này, lực lượng hải quân Mỹ ở Biển Đông tập trung sức mạnh tại cụm tàu sân bay USS Ronald Reagan, đã hạn chế sự tự do hành động của Trung Quốc. Vào những tháng cuối cùng của chính quyền Obama, với việc thiếu vắng sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông, Trung Quốc có thể nhân cơ hội này hành động. Trung Quốc có thể ra tay trong khi Mỹ còn đang bị xao nhãng bởi cuộc tranh cử tổng thống trong nước và tìm cách tạo ra “sự đã rồi” đối với chính quyền sắp tới, Strategist nhận định.
Quan trọng hơn, Trung Quốc có thể sẽ phải tính toán một chặng đường khó khăn hơn phía trước với tổng thống Hillary Clinton và một tình huống hoàn toàn không lường trước được với tổng thống Donald Trump trong tương lai (sẽ có một trong hai người đắc cử trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào tháng 11 tới). Do đó từ vị thế ít nhiều thuận lợi hiện nay, Trung Quốc có thể sẽ hành động ngay thay vì để bị ngăn chặn trong tương lai gần.
Chắc chắn những lựa chọn quân sự sẽ mang lại những rủi ro trong việc tính toán sai lầm, làm leo thang căng thẳng, và làm giảm uy tín của Trung Quốc về tuyên bố mà nước này vẫn rêu rao là một nước trỗi dậy hòa bình. Nhưng Strategist cho rằng cần phải cân nhắc cái giá này với những rủi ro từ việc không hành động gì.
Nếu chính quyền Bắc Kinh thất bại trong việc hành động kiên quyết sẽ củng cố nhận thức của người dân trong nước về một “chế độ mù tịt” , không hề có ý tưởng rõ ràng về việc làm cách nào để tiếp tục tiến lên, do đó sẽ có tác động tới tính chính danh của chế độ và sự ổn định trong nước. Các nhân viên kiểm duyệt Trung Quốc đã cố gắng để kiểm soát sự giận dữ của dân chúng trong nước vốn bị nhồi sọ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Nỗi lo sợ về bất ổn trong nước có thể sẽ thúc đẩy quân ủy trung ương Trung Quốc tiến sát hơn tới việc cân nhắc sử dụng sức mạnh quân sự, Strategist cảnh báo.