Xử lý nợ xấu: Bằng mưu hay bằng luật?

 Nhiều chuyên gia cho rằng không khó đưa nợ xấu từ trên 4% như hiện nay về mức 3% vào cuối năm 2015 theo mục tiêu NHNN đặt ra. Tuy nhiên, nợ xấu không phải là hằng số mà là biến số và để xử lý được, nhiều giải pháp cũng được đưa ra…
Xử lý nợ xấu: Bằng mưu hay bằng luật?

Nợ xấu, xấu đến cỡ nào?

Tháng 3/2012, nợ xấu của Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố là 8,6%, con số này đến tháng 9/2012 đã tăng vọt lên 17,2% và bắt đầu giảm xuống 7,66% vào tháng 12/2013 và con số mới nhất là 4,83% vào tháng 12/2014.  

Mức nợ xấu 4,83% nếu đem so sánh thì chỉ hơn Nga (6,6%) và Pakistan (13%), còn cao hơn nhiều so với Thái Lan (2,5%), Philippines (2,3%), Malaysia (1,6%), Nhật Bản (1,7%), Indonesia (2,1%), Trung Quốc (1%), Hàn Quốc (0,6%)…

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu được công bố với những con số khác nhau không chỉ giữa Việt Nam với quốc tế mà ngay chính các đơn vị, tổ chức khác nhau trong nước. Cụ thể vào thời điểm 30/9/2012, con số nợ xấu do các tổ chức tín dụng (TCTD) công bố là 4,93%, NHNN công bố là 17,2% (số liệu mới cập nhật tháng 5/2015 theo báo cáo của Thống đốc NHNN), Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) công bố là 11,8%, quốc tế (Fitch) công bố là 13%.

Báo cáo của Thống đốc NHNN vào tháng 5/2015 cho thấy, do cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780 tháng 4/2012 của NHNN, thành lập Công ty Mua bán nợ (VAMC - từ tháng 7/2013) và bản thân các TCTD phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và tích cực thu hồi nợ ngoại bảng, đến hết tháng 4/2015 đã xử lý 312.000 tỷ đồng nợ xấu (67% so với thời điểm tháng 9/2012); trong đó VAMC mua 147.000 tỷ đồng (giá  122.000 tỷ đồng),  ngân hàng thương mại (NHTM) dùng dự phòng rủi ro  130.000 tỷ  đồng, xử lý tài sản đảm bảo, thu nợ 60.000 tỷ đồng.

Theo TS Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP ĐT&PT Việt Nam (BIDV), chúng ta đã quyết liệt xử lý nhưng so với các nước trong khu vực, nợ xấu vẫn còn rất cao. Thế nên câu chuyện xử lý nợ xấu còn rất nhiều việc để làm… Rất nhiều giải pháp được TS Lực đưa ra, trong đó có đề xuất về pháp lý, đó là tiếp tục kiên trì đề xuất Quốc hội ban hành một nghị quyết xử lý các vướng mắc xung quanh việc xử lý nợ…

Phải quyết liệt và dứt điểm

Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, giải pháp xử lý nợ xấu của Việt Nam cũng không có gì khác với thế giới. Đó là: Quyết liệt, dứt điểm, phải có quyền lực, tiềm lực, năng lực, pháp lực và tốc độ. Theo TS Thành, Việt Nam xử lý nợ vẫn nửa vời, vẫn chưa nghiên cứu đầy đủ tại sao phải dứt điểm, tại sao phải quyết liệt thay vì “xem thằng nào có tội”.

Về mô hình VAMC của NHNN hay Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính (DATC) của Bộ Tài chính, TS Võ Trí Thành cho rằng ngay từ đầu đã nửa vời.  Theo ông, tất cả các nước xử lý nợ xấu đều không có luật mà phải trao quyền cho Thủ tướng, VAMC thuộc Chính phủ, trong khi VAMC của Việt Nam chỉ là “ngón tay” của NHNN, cho nên “thế của nó khác”.

Đồng tình với việc cần phải quyết liệt, dứt điểm song TS Vũ Đình Ánh cho rằng việc xử lý nợ xấu bây giờ quá đơn giản, chẳng cần đến việc phải ban hành một đạo luật cho vấn đề này. “Chúng ta đã xử lý được hơn 300.000 tỷ đồng nợ xấu, bây giờ chỉ cần giảm hơn 1% nợ xấu về mức 3%, tức là khoảng 40.000 tỷ nữa, cho nên trước mắt không có vấn đề gì. Việc các ngân hàng cần là trích lập dự phòng rủi ro, đó là việc đương nhiên…”- TS Ánh quả quyết.

Theo vị này, vướng mắc hiện nay là thực thi luật. Ông cho rằng cách khả thi và dễ làm nhất là làm thế nào để thi hành  13.500 án dân sự đang tồn hiện nay, chỉ cần xử lý một nửa số đó thừa sức thu hồi 40.000 tỷ đồng…

70% vướng mắc từ pháp lý

Phó Chủ tịch NFSC, TS.Trương Văn Phước thẳng thắn: “Nếu không có VAMC thì sẽ có một số ngân hàng lăn đùng ra chết!”. Ông cũng lưu ý nợ xấu không phải là hằng số mà là biến số, trong khi chúng ta ngồi đây bàn về nó thì nó vẫn đang tăng lên. Theo ông Phước, tín dụng tăng nhanh trong mấy tháng gần đây chính là do chúng ta đã khơi thông nợ xấu, “thuốc” chữa nợ xấu của chúng ta đã phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng đừng kỳ vọng VAMC giải quyết được triệt để vấn đề. Việc thành lập VAMC hay mới đây là việc ban hành Nghị định 34 sửa đổi, bổ sung Nghị định 53 về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC cũng là cái “mưu” để xử lý nợ xấu, bởi không có VAMC thì không thể tính toán, định lượng được nợ xấu là bao nhiêu, thành công của VAMC chính là “sử dụng mưu để xử lý nợ xấu”…

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng khẳng định nợ xấu không phải do ngân hàng gây ra mà do nền kinh tế. Theo ông Đức, vướng mắc lớn nhất gây khó khăn cho việc xử lý nợ xấu ngân hàng chính là sự cản trở pháp lý, với 4 nhóm như sau: Cản trở pháp lý do xung đột pháp luật, cản trở pháp lý do bất cập pháp luật, cản trở pháp lý do áp dụng sai luật và cản trở pháp lý do bất chấp pháp luật.  Theo ông, không dưới 70% rào cản xử lý nợ xấu là do vướng mắc pháp lý cho nên tháo gỡ khó khăn trong xử lý nợ xấu phải bằng pháp  lý.

Luật sư đề nghị đã đến lúc luật pháp và hành pháp phải xoay chiều cho phù hợp với nguyên lý của nền kinh tế thị trường. Đó là, phải ưu tiên trước hết bảo vệ quyền lợi của chủ nợ thay vì con nợ, tức bảo vệ quyền sở hữu trọn vẹn là đồng tiền cho vay, thay vì bảo vệ quyền sở hữu hạn chế là đồng tiền đi vay hay tài sản đã đưa vào bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ. Điều này cần phải được cụ thể hoá trong các đạo luật liên quan đến quan hệ vay nợ, thế chấp và xử lý hệ quả pháp lý…

Theo PLVN