Chưa dừng lại ở đó, người đẹp đến từ Hải Phòng này còn bị nhà thiết kế Võ Việt Chung tố “gian dối” trong chuyện hợp đồng làm việc giữa hai người và cô không đủ tư cách để tham gia một cuộc thi sắc đẹp có bản quyền quốc tế.
Được sự ủng hộ của nhiều người, hoa hậu Phạm Thị Hương vẫn bước qua những đồn thổi không căn cứ một cách dễ dàng để yên vị ngôi hoa hậu của cuộc thi và sẽ đại diện cho Việt Nam tranh tài ở đấu trường sắc đẹp Hoa hậu Hoàn vũ thế giới.
Chuyện chẳng có gì mới khi showbiz vốn dĩ tồn tại 2 mặt: hào quang và điều tiếng. Các cuộc thi nhan sắc lâu nay đều xảy ra không ít chuyện lùm xùm sau đó. Hoa hậu Ngọc Hân, hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên bị chê nhan sắc kém không xứng với danh vị Hoa hậu Việt Nam và nghi ngờ ban giám khảo chấm thiên vị họ so với nhiều nhan sắc khác. Hoa hậu Đặng Thu Thảo bị tố khai gian bằng cấp sau khi đoạt vương miện Hoa hậu Việt Nam hay hoa hậu Thùy Dung cũng bị lôi lên báo chí với bảng kết quả học tập kém của năm học cuối cấp THPT...
Có những xì-căng-đan xuất phát từ yếu tố khách quan, thí sinh và người nhà thí sinh ganh ghét nhau, tố cáo nhau bằng thư nặc danh hay giả danh kiểu “thay trời hành đạo”, “bóc trần sự thật”, “đập tan dối gian” cho công luận biết sự thật. Nhưng cũng không thiếu những sự kiện chính người tổ chức cố tình gây ra xì-căng-đan chỉ để tạo ấn tượng cho sự kiện của mình diễn ra nhưng không đạt hiệu quả về mặt quảng bá. Ngay sau mỗi cuộc thi kết thúc, truyền thông và công chúng lại được một “bữa tiệc” xì-căng-đan về hoa hậu mua giải, ban tổ chức thiên vị, ban tổ chức bán thí sinh cho đại gia… Nhưng thực hư những lời tố cáo nặc danh này không thể chứng thực và thường sau đó mọi chuyện lại chìm vào quên lãng.
Ai hưởng lợi trong những xì-căng-đan này? Tất nhiên không phải là chủ nhân của những xì-căng-đan.
Xì-căng-đan liên quan đến thí sinh thi hoa hậu luôn dễ xảy ra nên chính ban tổ chức các cuộc thi nhan sắc cũng không ngại sử dụng “quyền trợ giúp” hấp dẫn này để đánh bóng hình ảnh cho cuộc thi của mình. Lộ kết quả tốp 10, tốp 5 của cuộc thi... là công thức tạo dư luận thường xuyên được ban tổ chức áp dụng ở một số cuộc thi hoa hậu nhằm quảng bá và cứu cuộc thi của họ thoát khỏi sự im ắng của công luận.
Thường cuộc thi hoa hậu diễn ra trong vài tháng. Các thí sinh tập trung thi vòng chung kết cả tháng nhưng những thông tin đơn thư tố cáo nặc danh về các thí sinh của cuộc thi chỉ được ban tổ chức cung cấp cho giới truyền thông vài ngày trước đêm chung kết diễn ra. Những bản thông cáo báo chí được gửi đích danh cho các phóng viên trong giới truyền thông với mong muốn cải chính, trấn an. Vì thông tin tiết lộ từ chính ban tổ chức nên giới truyền thông không thể bỏ qua. Và rõ ràng, khi vài thông tin lộ kết quả hay phơi bày xì-căng-đan của một vài thí sinh nổi bật trên các trang mạng, công chúng bắt đầu tò mò và quan tâm đến cuộc thi.
Suy cho cùng, xì-căng-đan hoa hậu không làm chết ai và chẳng ai bị truy cứu trách nhiệm vì không có bằng chứng. Giới truyền thông lại có thông tin để khai thác nhằm tăng lượng người đọc. Ban tổ chức các cuộc thi nhan sắc cũng lợi dụng điều kiện để quảng bá cho cuộc thi của mình, nhất là trong tình hình các cuộc thi nhan sắc ngày càng mất giá như hiện tại. Vậy nên những xì-căng-đan ở những cuộc thi hoa hậu có đáng để mọi người quan tâm hay không, chắc chắn công chúng đều có câu trả lời cho riêng họ.
Theo NLĐ