Nhân tài từ Thung lũng Silicon tới Việt Nam khởi nghiệp, gây dựng 'thánh địa' mới cho giới startup

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sự dồi dào về nguồn lực nhân sự tài năng cùng với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng khiến Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các công ty khởi nghiệp (startup). 
Vinnie Lauria chở con đi học bằng xe máy tại TP.HCM (Nguồn: Bloomberg)

Vinnie Lauria chở con đi học bằng xe máy tại TP.HCM (Nguồn: Bloomberg)

Vào một buổi sáng thường nhật, Vinnie Lauria len lỏi qua những con đường chật hẹp, đông đúc của Tp. HCM để đưa cậu con trai đến trường bằng xe máy. Nếu vẫn còn sinh sống ở Thung lũng Silicon, việc di chuyển của Lauria sẽ bớt 'mạo hiểm' hơn. Nhưng Tp. HCM - được ví như trung tâm khởi nghiệp của Việt Nam - mới là điểm đến hấp dẫn của những người trẻ đam mê khởi nghiệp như anh.

Vinnie Lauria là một công dân Mỹ và cũng là nhà đồng sáng lập Golden Gates Ventures, đã chuyển đến sinh sống tại TP.HCM từ năm 2022, sau một thời gian làm việc tại Singapore và San Francisco. Anh và nhiều nhà đầu tư tin rằng thành phố này sẽ trở thành ‘thánh địa’ mới cho các công ty khởi nghiệp (startup).

“Đông Nam Á sẽ trở thành động lực tăng trưởng toàn cầu trong 10 năm tới và Việt Nam chính là trung tâm”, Lauria nhận định.

Giờ đây, ngày càng có nhiều các lập trình viên lựa chọn TP.HCM là nơi để khởi nghiệp, xây dựng các startup về mọi lĩnh vực, ngành nghề. Song, việc trở thành trung tâm khởi nghiệp tiếp theo của châu Á sẽ cần xem xét lại các quy định hiện hành và điều hướng các vấn đề kinh tế vĩ mô.

Dòng vốn tỉ USD đổ vào các startup Việt Nam

Theo báo cáo tháng 7/2022 của KPMG International Ltd. và HSBC Holdings Plc, số lượng công ty khởi nghiệp ở Việt Nam đã tăng gấp đôi kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 đến nửa đầu năm 2022.

Với việc cung cấp các giải pháp đầy triển vọng, các startup Việt cũng thành công thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới như Sequoia Capital, Warburg Pincus LLC, Alibaba Group Holding Ltd.

Năm 2021, Việt Nam thu hút 2,6 tỉ USD vốn đầu tư mạo hiểm thông qua 233 giao dịch tư nhân, tăng từ mức 700 triệu USD với 140 giao dịch ghi nhận vào năm 2020, theo báo cáo của Google, Temasek Holdings Pte. và Bain&Co. Đây cũng là dòng vốn đầu tư mạo hiểm kỷ lục đổ vào Việt Nam từ trước tới nay.

Theo Do Ventures, các startup Việt cũng đang cạnh tranh với các công ty cùng ngành ở Đông Nam Á, chiếm 13% tổng vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào khu vực năm 2021, đứng sau Indonesia và Singapore.

Đến năm 2030, chính phủ đang đặt mục tiêu biến TP.HCM thành ‘thỏi nam châm’ thu hút vốn đầu tư công nghệ và hướng đến nền kinh tế kỹ thuật số chiếm 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thành phố.

Từ đầu năm 2023, chính phủ đã yêu cầu các cơ quan thành phố ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án công nghệ cao, đồng thời đưa ra các ưu đãi nhằm thu hút nhân tài toàn cầu và các công ty quốc tế thành lập trung tâm nghiên cứu đổi mới.

Động thái này đã thu được một số kết quả. Nhà phát triển trò chơi VNG Corp. – ‘kỳ lân’ đầu tiên của Việt Nam – dự kiến sẽ theo đuổi kế hoạch IPO tại Mỹ trong những tháng tới. Hay startup ứng lương GIMO đã huy động thành công 4,6 triệu USD trong vòng gọi vốn series A do công ty đầu tư mạo hiểm TNB Aura dẫn đầu.

Theo đánh giá của những chuyên gia trong ngành, TP.HCM hội tụ đủ những yếu tố để trở thành một Thung lũng Silicon tiếp theo: một hệ thống giáo dục chú trọng về toán và khoa học, một ngành công nghiệp gia công phần mềm có tuổi đời hàng thập kỷ đã tạo ra rất nhiều kỹ sư tài năng, cùng với những lợi ích từ việc mở rộng kinh tế của Việt Nam.

Những thách thức phía trước

Bà Vy Lê, đồng sáng lập Do Ventures, chia sẻ: “10 năm trước đây, các nhà tài trợ có thể phải dành đến 6 tháng để cân nhắc một khoản đầu tư. Nhưng bây giờ, nếu chúng tôi không đưa ra quyết định trong vòng 1-2 tháng thì chắc chắn sẽ có các quỹ khác thực hiện thương vụ đó”.

Dẫu vậy, con đường phía trước của các startup sẽ còn nhiều chông gai. Suy thoái vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu, kết hợp với tình hình kinh tế bất ổn đang làm tăng thêm những thách thức cho ngành công nghiệp vừa chớm nở này.

Trong một nghiên cứu năm 2022, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng: “Phân tích cho thấy cần có một số cải cách chính sách để tạo môi trường thuận lợi cho việc thành lập các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của các startup và cải thiện khả năng tài chính”. Ngoài ra, theo ADB, các chính sách có lợi của chính phủ như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng rất quan trọng.

Lĩnh vực khởi nghiệp non trẻ của Việt Nam đã được hình thành trong nhiều năm. Với sự ra đời của Flappy Bird vào năm 2013 từng được ca ngợi như một hiện tượng game sẽ thúc đẩy sức mạnh khởi nghiệp của Việt Nam.

Dù trò chơi sau đó đã bị gỡ bỏ, nó đã mở đường cho một thế hệ khởi nghiệp mới như nhà cung cấp dịch vụ thanh toán di động VNPay – startup đã trở thành ‘kỳ lân’ thứ hai của Việt Nam vào năm 2020.

Nhiều nhà sáng lập cho rằng nguyên nhân các startup trong nước vẫn chưa thành công là do chưa có các khuôn khổ phù hợp cho quyền chọn cổ phiếu, cũng như các quy định rườm rà đang cản trở kế hoạch ra mắt công chúng của các công ty này.

Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản những người nước ngoài như Lauria lựa chọn tham gia vào hệ sinh thái startup Việt, đặc biệt là sau khi chứng kiến tốc độ tăng trưởng bình quân đầu người Việt Nam tăng gấp 3 lần trong thập kỷ qua. Lauria tin rằng, chi tiêu trực tuyến còn có thể tăng gấp 5 lần trong vòng 6 năm tới.

Theo ông Nguyễn An Nguyên, nhà sáng lập Trusting Social, cho biết các công ty khởi nghiệp cũng đang khai thác nguồn nhân sự lớn từ những công dân Việt Nam ở nước ngoài về.

Chính bản thân ông cũng là người lựa chọn trở về Việt Nam sau khi lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Rice (Texas). Không chỉ vậy, khoảng 2/3 nhân viên làm việc tại Trusting Social có ít nhất bằng thạc sĩ ở nước ngoài.

Ông Bình Trần, nhà đồng sáng lập Ascend Vietnam Ventures (AVV), người đã trở về từ Bay Arena cùng gia đình vào năm 2020, cho biết: “Việt Nam ngày nay đã vượt xa những gì trong suy nghĩ của người nước ngoài. Đây là một thị trường rất dễ tiếp cận và ngôn ngữ không phải rào cản lớn. Bạn sẽ khám phá ra rất nhiều tài năng trẻ khao khát được cống hiến cho startup của bạn”./.

Nguồn tham khảo: Bloomberg