Đó là ý kiến của ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục tin học - Bộ Thông tin và Truyền thông tại buổi hội thảo giữa Mỹ và Việt Nam về Phát triển Đô thị thông minh (U.S - VIETNAM Smart cites workshop) diễn ra vào sáng ngày 22/6.
Phát biểu về việc triển khai thực hiện Đề án đô thị thông minh ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội đang phải đối mặt với những thách thức mới như: Dân số đông và phân bố mật độ dân cư không đều; Ô nhiễm môi trường; Ùn tắc giao thông... Vì vậy, thành phố luôn xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện công tác là cần thiết, cấp thiết giúp công tác xây dựng, ứng dụng, quản lý của Thành phố hiệu quả hơn thông minh hơn.
Về lộ trình phát triển thành Thành phố thông minh, Hà Nội chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1, đến năm 2020: Hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi thành phố thông minh bao gồm: nền tảng cơ sở hạ tầng, camera giám sát, trung tâm dữ liệu, các cơ sở dữ liệu cốt lõi như dân cư, đất đai, doanh nghiệp, học sinh,... xây dựng chính quyền thông minh trong các lĩnh vực thiết yếu giao thông, du lịch
Giai đoạn 2, từ 2021 đến 2025: Hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh trong lĩnh vực kinh tế - xã hội người dân chủ động tham gia trong quá trình xây dựng chính sách xã hội.
Giai đoạn 3, sau năm 2025: Hà Nội phát triển với trình độ cao với đặc trưng là kinh tế tri thức, xuất phát từ yêu cầu thực tế TP. Hà Nội đang tậm trung ưu tiên phát triển các thành phần.
Ông Chung cho biết, đến nay các thành phần cơ bản của Chính quyền điện tử Thành phố đã được xây dựng bao gồm: Trung tâm dữ liệu nhà nước; cổng giao tiếp điện tử Thành phố; Xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho 7,5 triệu người và khai thác có hiệu quả các ứng dụng phục vụ cho công dân, doanh nghiệp, quản lý điều hành,...
Hà Nội cũng đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong các lĩnh vực: tư pháp, môi trường, xây dựng, giáo dục đào tạo, thông tin truyền thông,... tạo một nền tảng thống nhất đồng bộ tại 30 quận, huyện, 584 xã, phường; 581 dịch vụ công mức độ 3, 110 dịch vụ công mức độn 4; đến nay các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên 70%, thuế 98%, hải quan 100%, bảo hiểm xã hội trên 80%,...
Ngoài ra, Thành phố đã xây dựng và vận hành Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị từ nhiều năm nay với trên 500 camera lắp đặt tại các tuyên giao thông trọng điểm để giám sát, lưu lượng xử lý vi phạm; đã triển khai ứng dụng công nghệ vào hành trình trên xe bus; đã triển khai thí điểm đỗ xe thông minh;...
Theo đánh giá của ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử trong thời gian qua tại Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng là cơ sở để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin mới điển hình là Đô thị thông minh.
Về hạ tầng công nghệ thông tin hiện nay đáp ứng cơ bản những nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước.
Hiện nay việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp đã được thực hiện tốt, nhiều bộ, ngành, địa phương đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến dịch vụ 3,4 cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phát triển Chính phủ điện tử hiện nay còn nhiều hạn chế như: hạ tầng ứng dụng tại những tỉnh vùng sâu, xa còn hạn chế; vấn đề an toàn thông tin chưa được quan tâm đúng mức; sự kết nối, liên thông giữa hệ thống còn hạn chế; các cơ sở dữ liệu quốc gia về các lĩnh vực cơ bản như tư pháp, dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm,... cần ưu tiên triển khai nhưng lại rất chậm.
Để xây dựng tốt các đề án Đô thị thông minh, ông Tiến cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các địa phương khảo sát kỹ các hiện trạng, nhu cầu, đặc thù phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa của địa phương từ đó xác định mô hình triển khai phù hợp, bảo đảm đầu tư thiết thực, phù hợp điều kiện từng địa phương tránh lãng phí như thời gian qua. Bước đầu nên tập trung vào các lĩnh vực bức thiết, hiệu quả, khả thi từ đó rút kinh nghiệm.