Theo truyền thông Trung Quốc, Hạm đội Nam Hải của nước này, với địa bàn hoạt động ở Biển Đông, vừa nhận thêm 3 tàu quân sự, trong đó có tàu tiếp tế Lô Cô Hồ 962. Trang tin Guancha dẫn lời một số sĩ quan thuộc hạm đội nói trên ngang nhiên tuyên bố tàu mới sẽ dùng để chở hàng tiếp tế và binh sĩ đến trú đóng luân phiên ở các địa điểm bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Lô Cô Hồ 962 là chiếc thứ 2 thuộc lớp tàu tiếp tế vận tải tổng hợp Type 094B được biên chế cho Hạm đội Nam Hải trong vòng 6 tháng qua. Chiếc thứ nhất mang tên Quân Sơn Hồ được đưa vào hoạt động giữa năm ngoái. Tàu Type 094B dài trên 171 m, rộng gần 25 m, độ choán nước khoảng 15.000 tấn và vận tốc tối đa 25,3 km/giờ, có thể chở 240 thủy thủ. Tàu còn có bãi đáp trực thăng và được trang bị 2 khẩu pháo 30 mm. Trong hải quân Trung Quốc, chỉ có Hạm đội Nam Hải vận hành tàu Type 094B và những phiên bản trước đó (gồm 094 và 094A) với tổng cộng 5 chiếc.
Không chỉ hải quân mà lục quân Trung Quốc cũng nhảy vào triển khai tàu tiếp tế tới những khu vực chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông. Tháng 11.2015, cũng theo Guancha, lực lượng này đưa vào biên chế tàu vận tải tiếp tế tổng hợp GY820 với nhiệm vụ cung cấp vật tư, thiết bị cho binh sĩ đóng trú tại cái gọi là “TP.Tam Sa” do Trung Quốc đơn phương dựng lên năm 2012 để tự cho mình quyền quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền VN.
GY820 là tàu vận tải tiếp tế lớn nhất của lục quân Trung Quốc từ trước tới nay, với chiều dài 90 m, rộng 14,6 m và độ choán nước 2.700 tấn. Tàu còn có bãi đáp có thể phục vụ trực thăng Z-9. Theo chuyên trang Strategy Page (Mỹ), tàu được thiết kế cho xe có thể chạy lên xuống dễ dàng ở các bến tàu do Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông. Từ đó, giới chuyên gia cảnh báo Bắc Kinh có thể đang đóng thêm nhiều tàu loại này để thay thế tàu thương mại đang sử dụng vận chuyển hàng tiếp tế ở Biển Đông, và thậm chí có thể tham gia các chiến dịch đổ bộ
Anh sẽ phớt lờ các cảnh báo phi pháp trên Biển Đông
Đại sứ Anh tại Philippines Asif Ahmad tuyên bố London phản đối mọi ý đồ làm ảnh hưởng đến tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. “Nếu ai đó tìm cách ngăn chặn và cảnh báo này nọ với phi cơ Anh, dù là dân sự hay quân sự, trong không phận mà chúng tôi xem là vùng trời quốc tế, chúng tôi đơn giản là sẽ phớt lờ”, tờ The Guardian hôm qua 20.1 dẫn lời Đại sứ Ahmad khẳng định. Tuyên bố được đưa ra sau khi giới chức hàng không dân dụng Philippines hôm 18.1 lên tiếng tố cáo hải quân Trung Quốc đưa ra những cảnh báo mang tính đe dọa đối với phi cơ nước này bay gần đá Xu Bi mà Bắc Kinh bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa. Trung Quốc chưa có phản ứng về tuyên bố mới của Đại sứ Ahmad.
Giàn khoan HD-981 “có thể gây căng thẳng bùng phát trở lại”Ngày 20.1, Cục Hải sự Trung Quốc chính thức thông báo giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (Hải Dương -981) của nước này sẽ tiến hành khoan thăm dò từ ngày 20.1 - 10.3 tại địa điểm có tọa độ 17o06’18” vĩ bắc và 110o02’25” kinh đông, và cảnh báo tàu bè tránh xa khu vực trên trong tầm 2 km. Vị trí này cách Tam Á, thuộc đảo Hải Nam khoảng 140 km về phía nam, nằm trong vùng chồng lấn chưa được phân định giữa VN và Trung Quốc tại khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ.
Trước đó, đại diện Bộ Ngoại giao VN đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội yêu cầu Trung Quốc không tiến hành hoạt động khoan và rút giàn khoan ra khỏi khu vực trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định đây là khu vực chồng lấn giữa thềm lục địa miền Trung VN và thềm lục địa đảo Hải Nam Trung Quốc, là khu vực chưa được hai bên phân định. “VN bảo lưu mọi quyền và lợi ích pháp lý của mình đối với khu vực này phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển 1982 và thực tiễn quốc tế liên quan”, ông nhấn mạnh.
Cũng trong ngày 20.1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố giàn khoan đang hoạt động “trong vùng biển do Trung Quốc kiểm soát và hoàn toàn không có tranh chấp”. Tuy nhiên, tờ The Wall Street Journal của Mỹ cảnh báo vị trí hoạt động mới của HD-981 có thể dẫn tới tình trạng căng thẳng bùng phát trở lại như trong giai đoạn Trung Quốc cài cắm phi pháp giàn khoan này trong vùng biển VN hồi giữa năm 2014.
Theo Thanh niên