WHO nói gì về vaccine Sputnik V của Nga?

VietTimes – Vaccine phòng COVID-19 mới được Nga công bố vẫn đang là đề tài nóng gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Chia sẻ với VietTimes về vấn đề này, TS. Kidong Park – Trưởng Đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam – cho hay: WHO mong muốn được đánh giá chi tiết về thử nghiệm vaccine Sputnik V của Nga.
TS. Kidong Park – Trưởng Đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam (Ảnh: Minh Thúy)
TS. Kidong Park – Trưởng Đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam (Ảnh: Minh Thúy)

Vaccine là hàng hóa công trên toàn cầu

Trao đổi với PV VietTimes, TS. Kidong Park cho biết: WHO đã nắm được thông tin về vaccine phòng COVID-19 Sputnik V đã được đăng ký tại cơ quan đăng ký dược phẩm quốc gia Liên bang Nga. WHO hoan nghênh mọi bước tiến trong nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa COVID-19. Ở phạm vi toàn cầu, WHO luôn tham gia vào công tác hướng dẫn và tăng cường các nỗ lực nghiên cứu và phát triển vaccine từ tháng 1/2020.

Theo TS. Kidong Park, việc thúc đẩy nhanh nghiên cứu vaccine cần tuân thủ các tiến trình định sẵn thông qua từng bước phát triển, để đảm bảo mọi vaccine được sản xuất ra đều an toàn và hiệu quả.

Khi một vaccine được sản xuất ra cần đảm bảo tính an toàn, hữu hiệu và là hàng hóa công của toàn cầu. Do đó, WHO kêu gọi quyền được tiếp cận nhanh chóng, công bằng và hợp lý với bất kỳ loại vaccine nào trên toàn thế giới.

Vaccine phòng COVID-19 Sputnik V của Nga (Ảnh: VGP)
Vaccine phòng COVID-19 Sputnik V của Nga (Ảnh: VGP) 

Hiện, WHO đang giữ liên lạc với giới khoa học và chính quyền Nga, và mong muốn được đánh giá chi tiết về các cuộc thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 Sputnik V.

WHO cũng đang điều phối sự tương tác giữa các nhà khoa học, các nhà phát triển và bên rót vốn để hỗ trợ cho sự hợp tác, cung cấp các nền tảng chung để cùng làm việc. WHO khuyến khích tổ chức các cuộc đối thoại mở thường xuyên giữa các nhà nghiên cứu và các nhà phát triển vaccine để trảo đổi các kết quả nghiên cứu khoa học, tranh luận về những mối quan ngại về đề xuất các phương pháp hữu hiệu, nhanh chóng trong việc đánh giá vaccine.

Để định hướng nghiên cứu của các nhà phát triển vaccine, WHO đã vạch ra các danh mục sản phẩm mục tiêu, danh mục vaccine phòng COVID-19 có thể chấp nhận sử dụng.

2 tỷ liều vaccine COVID-19 sẽ được phê chuẩn vào cuối năm 2021

TS. Kidong Park cho hay: WHO cùng với CEPI – liên minh quốc tế về phát triển vaccine mới – và GAVI đã khởi động một chương trình có tên COVAX Facility nhằm tăng cường tối đa tiến trình phát triển và sản xuất vaccine phòng COVID-19, và phân phối vaccine một cách công bằng trên toàn thế giới.

Dự kiến, COVAX Facility sẽ đảm bảo 2 tỷ liều vaccine phòng COVID-19 được phê chuẩn vào cuối năm 2021. Khoảng 20% tổng dân số của các nước tham gia chương trình sẽ được tiêm vaccine. Tất cả các quốc gia đang được khuyến khích tham gia chương trình này, trong đó có Việt Nam – đã được GAVI đánh giá là hợp lệ để nhận hỗ trợ.

Chương trình COVAX Facility được phát triển nhằm tăng cường tối đa tiến trình phát triển và sản xuất vaccine phòng COVID-19 trên toàn cầu (Ảnh: Minh Thúy)
Chương trình COVAX Facility được phát triển nhằm tăng cường tối đa tiến trình phát triển và sản xuất vaccine phòng COVID-19 trên toàn cầu (Ảnh: Minh Thúy) 

Trước tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam đang có nhiều diễn biến phức tạp, TS. Kidong Park khuyến cáo cách tốt nhất để người dân tự bảo vệ bản thân và gia đình đó là thường xuyên rửa tay, che miệng khi ho, hắt hơi, sổ mũi,… theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Ngoài ra, đối với nhũng khu vực phát hiện bệnh nhân mắc COCID-19 phải đặc biệt tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch; hạnc hế ra vào, tiếp xúc gần với những người nghi mắc COVID-19 để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Theo WHO, tính đến ngày 13/8, 167 vaccine COVID-19 ứng viên tiềm năng đã được công bố trên thế giới, trong đó có 29 vaccine đang được đánh giá lâm sàng và 6 vaccine đang trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng.