WeChat đang trở thành thế lực lớn tại Trung Quốc

WeChat - ứng dụng do gã khổng lồ Tencent sở hữu, hiện có trên một tỉ người dùng hoạt động mỗi tháng và chỉ đứng sau hai ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất hiện nay là WhatsApp và Messenger.
WeChat là ứng dụng phổ biến nhất ở Trung Quốc. ẢNH: REUTERS
WeChat là ứng dụng phổ biến nhất ở Trung Quốc. ẢNH: REUTERS

Theo CNBC, WeChat không chỉ là một ứng dụng nhắn tin mà còn cung cấp cho người dùng nhiều dịch vụ khác như thanh toán, đặt phòng, đặt chuyến bay... WeChat đã chuyển hướng ban đầu từ một ứng dụng để trở thành một trung tâm cho mọi dịch vụ nơi người dùng có thể làm được tất cả mọi thứ cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày của họ.

Mỗi người dùng WeChat có một mã QR duy nhất và họ có thể quét mã QR này để kết bạn với nhau trong WeChat bên cạnh các hình thức truyền thống như số điện thoại hay ID.

Ở Trung Quốc, WeChat là một đế chế thực sự và ngay cả trong kinh doanh, mọi người vẫn thích WeChat hơn email. Đây là ứng dụng phổ biến nhất ở Trung Quốc bởi vì các nền tảng toàn cầu của Facebook đã hoàn toàn bị chặn đứng ở quốc gia này. Tương tự Facebook, WeChat cũng có tính năng mạng xã hội Moments nơi người dùng có thể tải ảnh hoặc video và bạn bè của họ có thể để lại các bình luận hay thích trên bài đăng.

Về khía cạnh thanh toán, từ các siêu thị lớn đến những người bán hàng rong hay taxi nhỏ, bạn đều có thể trả tiền bằng WeChat. Người dùng có thể liên kết tài khoản ngân hàng của họ với WeChat dễ dàng. Có hai cách để trả tiền qua WeChat: cửa hàng có thể quét mã WeChat của bạn hoặc ngược lại bạn quét mã WeChat của người bán. Với mua sắm trực tuyến, các trang thương mại điện tử đều có tùy chọn thanh toán bằng WeChat và khi thanh toán, người dùng cần nhập vào mật khẩu hoặc sử dụng xác thực sinh trắc học để xác nhận giao dịch.

WeChat đang trở thành thế lực lớn tại Trung Quốc - ảnh 1

Thanh toán bằng WeChat được ưa chuộng ở Trung Quốc. Ảnh: WSJ

Bên cạnh đó, WeChat cũng có tính năng chuyển tiền tức thời đến các số liên lạc WeChat trong danh bạ qua tin nhắn, giúp bạn dễ dàng phân chia hóa đơn hoặc chuyển tiền đi khắp Trung Quốc. Có thể nói rằng ở Trung Quốc, người dùng có thể đi ra ngoài cả ngày mà không cần mang theo tiền mặt, tất cả thanh toán đơn giản chỉ với một chiếc điện thoại đủ pin và ứng dụng WeChat. Hiện WeChat cũng có đối thủ cạnh tranh là AliPay thuộc quyền sở hữu của Alibaba.

Không chỉ gói gọn trong thanh toán, WeChat còn được biết đến là một siêu ứng dụng tích hợp gần như đầy đủ mọi nhu cầu. WeChat thay thế các ứng dụng ngân hàng, gọi xe, đặt lịch khám bác sĩ… Chẳng hạn, các ứng dụng như đặt xe DiDi, giao đồ ăn Meituan, xếp hạng các nhà hàng Dianping… đã được tích hợp sẵn trong WeChat để người dùng không cần phải rời khỏi ứng dụng.

Ngay cả với các công ty, họ cũng chọn tích hợp các chương trình nhỏ (gọi là mini-program) ngay bên trong WeChat thay vì phải xây dựng một ứng dụng riêng. Chương trình nhỏ này cho phép các doanh nghiệp gửi các tin nhắn quảng cáo đến người dùng cũng như truy cập vào cơ sở hơn một tỉ người dùng của ứng dụng. Tencent gần đây đã cập nhật ứng dụng để tính năng mini-program này có hẳn một trang riêng.

WeChat đang trở thành thế lực lớn tại Trung Quốc - ảnh 2

WeChat là một trung tâm ứng dụng và dịch vụ cho mọi nhu cầu người dùng. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

WeChat cũng hỗ trợ người dùng quản lý các tài sản cá nhân, nạp tiền điện thoại và ngay cả chơi một số tựa game bên trong ứng dụng. Trò chơi hiện là một yếu tố quan trọng đối với Tencent khi đang chịu trách nhiệm cho khoảng 32% tổng doanh số của công ty (theo số liệu quý 3/2018).

Dần trở thành một đế chế vững mạnh ở Trung Quốc, WeChat hiện có các kế hoạch mở rộng sang các quốc gia khác trên toàn cầu.

Theo Thanh Niên

https://thanhnien.vn/cong-nghe/wechat-dang-tro-thanh-the-luc-lon-tai-trung-quoc-1049778.html