Trung Quốc “ra tay” giám sát hoạt động của Tencent và Alibaba

VietTimes – CNN đưa tin, các công ty Internet Trung Quốc đã bắt đầu lưu giữ hồ sơ chi tiết thông tin cá nhân và hoạt động trực tuyến của người dùng theo quy định của Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC). Đây là dấu hiệu cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh trong tăng cường giám sát hoạt động của các công ty công nghệ như Tencent hay Alibaba.
Ảnh minh họa: Fast Company
Ảnh minh họa: Fast Company

Các quy định mới này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30/11.

Theo thông tin đăng tải trên trang web chính thức của Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc, quy định mới sẽ áp dụng cho tất cả các công ty cung cấp dịch vụ trực tuyến có thể ảnh hưởng tới ý kiến quần chúng hoặc “vận động công chúng tham gia vào các hoạt động cụ thể”.

Giờ đây, các công ty kinh doanh trong lĩnh vực này sẽ phải ghi lại hoạt động của người dùng trên blog, tiểu blog (blog dạng vi mô chứa bài đăng với nội dung ngắn gọn, hình riêng hoặc liên kết với video - PV), nền tảng video ngắn và truyền hình trực tiếp trên Internet (webcast).

Cơ quan an ninh mạng Trung Quốc tuyên bố quy định trên nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự xã hội. Các công ty tại đây phải cam kết có khả năng xác minh danh tính của người dùng và lưu trữ các thông tin quan trọng như nhật ký cuộc gọi, lịch sử trò chuyện, thời gian hoạt động và địa chỉ IP.

Đồng thời, Bắc Kinh sẽ tiến hành rà soát hoạt động để đảm bảo quy định được tuân thủ. Tuy nhiên, Cục Quản lý không gian mạng không nói rõ trong hoàn cảnh nào các công ty sẽ phải giao nộp dữ liệu cho chính quyền.

Ảnh: Forbes
 Ảnh: Forbes

Dựa trên những điều khoản dịch vụ, tin nhắn và nền tảng truyền thông xã hội, WeChat và Weibo đã được yêu cầu cung cấp thông tin người dùng theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc.

Quy định mới được ban hành sẽ ảnh hưởng tới một số công ty công nghệ và startup hàng đầu Đại lục như Tencent, Alibaba, Baidu và ByteDance. Hiện chưa rõ các công ty quốc tế như Apple, với dịch vụ iMessage có bị ảnh hưởng hay không. Phía Apple đã từ chối yêu cầu bình luận từ CNN.

Đầu tháng 11, cơ quan quản lý mạng tiết lộ đã đóng cửa gần 10.000 tài khoản mạng xã hội, được cho là “chà đạp giá trị của quy định và pháp luật” và “tổn hại hệ sinh thái lành mạnh của cộng đồng trực tuyến”. Vào tháng 4, chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cho ByteDance khai tử một nền tảng mạng xã hội phổ biến, nơi người dùng thường chia sẻ các câu chuyện cười, video và ảnh GIF với lý do có nhiều bài đăng thô tục và gây ra luồng “ý kiến không phù hợp” trong công chúng.

Trung Quốc luôn được biết đến như quốc gia có môi trường Internet hạn chế nhất thế giới. Hệ thống kiểm duyệt của quốc gia tỷ dân thường xuyên xóa bỏ bất kỳ bài việt hay thảo luận trực tuyến đề cập tới chủ đề mà Bắc Kinh cho là nhạy cảm.

Hầu hết các nền tảng và dịch vụ phổ biến khắp thế giới như Facebook, Google và Twitter đều bị cấm tại Trung Quốc. Trong khi, Google vẫn loay hoay tìm đường để quay lại Trung Quốc sau khi bị cấm hồi năm 2013. Facebook đã giải thích với giới chức Mỹ rằng công ty sẽ phải đối mặt với sức ép về số lượng tài khoản miễn phí và mối quan ngại về quyền riêng tư, nếu muốn có mặt tại thị trường này.

Theo CNN