Trước khi trở thành CEO của Berkshire Hathaway, một trong những công ty có giá trị nhất hành tinh, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã bắt đầu tập tành kinh doanh ngay từ khi ông mới 6 tuổi.
“Bố tôi là nguồn cảm hứng lớn nhất của tôi”, vị tỷ phú nói trong một cuộc phỏng vấn với CNBC vào năm 2013. “Nhờ ông ấy, tôi đã học được những thói quen đúng đắn ngay từ khi còn nhỏ. Trong đó, tiết kiệm là một trong những bài học quan trọng nhất mà tôi đã học được từ ông ấy”.
Khi được hỏi về sai lầm lớn nhất mà các bậc cha mẹ thường hay mắc phải khi dạy con về vấn đề tiền bạc, ngài tỷ phú đã nhắc đến việc nhiều người chờ đến lúc con cái họ bước vào độ tuổi thiếu niên mới bắt đầu dạy chúng việc quản lý tiền bạc. Theo ông, thời điểm thích hợp nhất để dạy con về quản lý tài chính là khi trẻ ở độ tuổi mầm non.
Lựa chọn thời điểm thích hợp là yếu tố quan trọng nhất
Theo quan điểm của Buffett, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng não bộ của chúng ta đã phát triển hoàn thiện đến 80% ngay từ khi 3 tuổi.
Một nghiên cứu từ Đại học Cambridge cho thấy trẻ em đã có thể nắm bắt được các khái niệm cơ bản về tài chính trong độ tuổi từ 3 đến 4. Đến khi trẻ 7 tuổi, trẻ đã có thể làm chủ được hành vi tài chính của mình, đương nhiên, nó vẫn nằm ở mức độ cơ bản.
Tỷ phú cũng cho biết hầu hết các bậc cha mẹ đều biết tầm quan trọng của việc dạy con cái phải có trách nhiệm và biết quản lý tài chính. Nhưng từ biết đến hành động vẫn còn là cả một quá trình.
Theo một khảo sát vào năm 2018 từ hơn 1000 phụ huynh (có con trong độ tuổi từ 8 đến 14) và hơn 1000 thanh niên (từ 18 đến 24 tuổi), chỉ có 4% phụ huynh cho biết họ bắt đầu thảo luận chủ đề tài chính với con của họ trước lúc chúng 5 tuổi. 30% các bậc cha mẹ bắt đầu giáo dục con cái về tiền bạc khi trẻ 15 tuổi trở lên, trong khi 14% cho biết họ không hề chia sẻ điều này với con cái.
Tỷ phú Buffett đã dạy con mình như thế nào?
Vào năm 2011, ngài tỷ phú đã cho ra mắt một bộ phim hoạt hình dành cho trẻ em có tên là "Câu lạc bộ triệu phú bí mật" (Secret Millionaire’s Club) và ông là người cố vấn cho một nhóm học sinh. Bộ phim có 26 tập và mỗi tập để sẽ giúp trẻ nhỏ rút ra một bài học về tài chính chẳng hạn như thẻ tín dụng hoạt động như thế nào và tại sao nó lại trở nên quan trọng trong việc theo dõi nơi lưu trữ tài sản của mình.
“Tôi đã dạy cả ba đứa trẻ của mình tất cả những bài học trong series phim “Câu lạc bộ triệu phú bí mật”, Ngài tỷ phú chia sẻ với CNBC. “Đó đều là những bài học đơn giản nhưng có ý nghĩa quan trọng trong cả kinh doanh lẫn cuộc sống đời thường”.
Dưới đây là một số bài học rút ra từ bộ phim hoạt hình “Câu lạc bộ triệu phú bí mật” và những lời khuyên của tỷ phú Buffett:
1. Sáng tạo và linh hoạt
Mục tiêu của bài học này là khuyến khích con bạn không nên bỏ cuộc chỉ vì sự thất bại trong lần đầu tiên thực hiện. Khả năng suy nghĩ sáng tạo, không bị bó buộc trong bất cứ khuôn thước nào sẽ giúp chúng đủ khả năng để vượt qua được nhứng thách thức tài chính trong tương lai.
Gợi ý cho các bậc cha mẹ: Bạn có thể đưa trẻ đến một bảo tàng nghệ thuật phù hợp với lứa tuổi của chúng và cùng thảo luận về những phong cách khác biệt từ mỗi bức tranh. Sau đó, bạn hãy để chúng tự vẽ một thứ gì đó của riêng mình. Trẻ sẽ tự lên ý tưởng và thực hiện theo sự sáng tạo của riêng mình.
Một chủ đề khác: biến những thứ bỏ đi thành một “kho báu”. Ví dụ như nắp chai có thể sử dụng làm quân cờ, hộp ngũ cốc rỗng có thể “hô biến” thành hộp đựng tạp chí. Điều này sẽ giúp trẻ suy nghĩ chín chắn, hình thành thói quan tiết kiệm và bảo vệ môi trường.
2. Dạy trẻ tiết kiệm như thế nào?
Benjamin Franklin, chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng của Hoa Kỳ đã từng nói: “Một xu tiết kiệm cũng giống như một xu kiếm được”. Để giúp con bạn học được cách quản lý tiền, điều quan trọng là phải giúp chúng xác định được chúng muốn gì và cần gì.
Gợi ý cho các bậc cha mẹ: Đưa cho trẻ hai hũ tiền: một để tiết kiệm và một để chi tiêu. Mỗi khi trẻ nhận được một số tiền nhân dịp gì đó (sinh nhật, được người khác cho,…), bạn hãy nói chuyện với con về cách con muốn phân chia giữa tiền tiết kiệm và chi tiêu.
3. Phân biệt giá tiền và giá trị thật
Chúng ta thường phải chi rất nhiều tiền mới có thể sở hữu được một đôi giày hàng hiệu. Nhưng cũng với số tiền đó, nếu lựa chọn mua ở một cửa hàng bình dân, bạn có thể mua một mặt hàng tương tự với giá thấp hơn rất nhiều.
Ý tưởng đến từ bài học này là giúp trẻ hiểu được các chiêu trò mà nhà quảng cáo sử dụng để thu hút chúng ta mua sản phẩm hoặc dịch vụ của họ, cũng như làm thế nào để hiểu được sản phẩm nào không xứng đáng để bỏ tiền ra mua.
Gợi ý cho các bậc cha mẹ: Lên một danh sách các mặt hàng bạn cần mua và sau đó xem lại các tờ rơi, trang web cùng con để nắm bắt được các mặt hàng nào có thể đang được giảm giá. So sánh những mức giá đó và đưa ra mức chi hợp lý nhất cho các sản phẩm cụ thể.
Cùng trẻ chọn một tờ tạp chí và một trang quảng cáo để đánh giá. Hỏi con rằng: Cái gì đang được rao bán ở đây? Quảng cáo này đang cố gắng truyền tải thông điệp gì? Điều gì ở trang quảng cáo này thu hút sự chú ý? Con cảm thấy thế nào về quảng cáo này? Nó đang cố gắng lôi kéo khách hàng như thế nào?
4. Tự đưa ra quyết định đúng đắn
Chìa khóa để đưa ra những quyết định thông minh là về các lựa chọn khác nhau, nó có thể ảnh hưởng đến kết quả trong tương lai như thế nào.
Hãy cho trẻ tập thói quen đưa ra quyết định đúng đắn về cách tiết kiệm tiền. Có thể con đang muốn mua một đĩa DVD, hỏi con xem đĩa DVD đó có thực sự cần thiết không hay chỉ cần thuê từ cửa hàng.
Kết luận: Dạy trẻ quản lý tài chính Không bao giờ là quá sớm!
Rèn luyện cho trẻ một thói quen tài chính lành mạnh ngay từ khi còn nhỏ là một trong những yếu tố quan trọng nhất mà bạn có thể đảm bảo cho trẻ một tương lai thành công. Đó cũng là một lời khuyên đắt giá mà tỷ phú Warren Buffett muốn nhắn gửi đến các bậc phụ huynh.
Theo CNBC
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu