“Vũ khí mạng” – nguy cơ mới không trừ một quốc gia nào

VietTimes -- Trong thời đại công nghệ thông tin và Internet, "chiến tranh mạng" đã và đang là một cuộc chiến tranh dường như không cần tuyên chiến. Khi đó, những nhóm hacker giỏi nhất được các chính phủ tuyển dụng và nhiệm vụ của họ là sử dụng vũ khí mạng để thâm nhập đánh cắp tài liệu và phá huỷ hệ thống mạng của các quốc gia khác. Đó là nguy cơ lớn với không chỉ các siêu cường mà với mọi quốc gia trên thế giới. 
"chiến tranh mạng" không chỉ là nguy cơ với các siêu cường. (Ảnh: báo An ninh Thế giới)
"chiến tranh mạng" không chỉ là nguy cơ với các siêu cường. (Ảnh: báo An ninh Thế giới)

Một số quan chức tình báo và các nhà phân tích đang rất lo ngại “vũ khí mạng” có thể trở thành vấn đề tương tự “vũ khí hạt nhân”. Nhất là khả năng tàn phá của vũ khí mạng hiện nay nằm cả trong tay từ các nhóm nhỏ, các tổ chức cá nhân đến các tổ chức khủng bố, tình báo nước ngoài... Và câu hỏi đặt ra là khi nào những tin tức rò rỉ sẽ tới tay tổ chức khủng bố quốc tế Al Queda. Ðiều đáng lo ngại nhất là các cuộc tiến công phá hủy qua Internet có nguy cơ gây thiệt hại nặng nề, bởi rất khó ngăn chặn kiểu tiến công như vậy khi nó có thể phá hoại các máy tính và các thiết bị tự động khác nối với Internet trước khi kịp có hành động đối phó.

Về phía các siêu cường, “vũ khí mạng” luôn là vấn đề được quan tâm. Đã hơn 1 năm từ khi Lầu Năm Góc thông báo Mỹ đã mở một chiến dịch mới chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, trong đó chỉ đạo Bộ Tư lệnh không gian mạng tiến hành các cuộc tấn công mạng lưới máy tính. Với hậu quả của các vụ tấn công gần đây ở Anh và Iran, rõ ràng những nỗ lực tuyển mộ và các trung tâm truyền thông của IS đã xuất hiện trở lại gần nhanh như khi chúng bị phá hủy. Điều này thúc đẩy các quan chức Mỹ phải suy nghĩ lại về các công nghệ chiến tranh mạng, lúc đầu chỉ được thiết kế cho các mục tiêu cố định như các cơ sở hạt nhân. Chương trình hoạt động và chiến thuật của IS khiến tổ chức này là một kẻ thù đặc biệt khó đối phó trong cuộc chiến tranh mạng. Những phần tử thánh chiến IS sử dụng máy tính và mạng xã hội không chỉ để phát triển. Nhưng chiến tranh mạng với Mỹ không chỉ đến từ IS mà đến cả từ các quốc gia thù địch như Triều Tiên. Đã có tin là Triều Tiên đánh cắp được các tài liệu quân sự mật từ cơ sở dữ liệu của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc vào tháng 9/2016. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã bác bỏ thông tin này. Các nhà phân tích còn cho rằng Triều Tiên đang chuẩn bị các hoạt động tương tự nhằm vào các loại tiền ảo như Bitcoin, vì các lệnh trừng phạt quốc tế làm cho Triều Tiên khó sử dụng đô la Mỹ.

Có thể nói, “chiến tranh mạng” và “vũ khí mạng” đã và đang là nguy cơ với mọi quốc gia, không riêng gì một nước nào. Và như vậy, mọi quốc gia đều phải chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với nó. “Chiến tranh mạng” đương nhiên rất nguy hiểm vì một khi hacker được các chính phủ nuôi dưỡng thì họ sẽ được tạo mọi điều kiện để thâm nhập hệ thống mạng của các quốc gia khác không chỉ để đánh cắp thông tin mà còn có nhiệm vụ phá hoại hệ thống. Đối với Việt Nam, Bộ Quốc phòng có hẳn một cơ quan là Cục Tác chiến Điện tử được thành lập từ năm 1982, khi mà công nghệ thông tin vẫn còn rất sơ khai. Đương nhiên, “chiến tranh mạng” cũng là vấn đề phải đặt ra với Việt Nam và hẳn rằng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng phải có những ứng phó với hình thức chiến tranh còn mới mẻ này.