Sở Du lịch TP.HCM nâng cao cảnh giác với virus Corona
Dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng virus Corona gây ra, khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) đã gây ra những tác động không nhỏ đến ngành du lịch Việt Nam. Các công ty lữ hành đón khách Trung Quốc nhiều nhất phải kể đến thuộc khu vực miền Trung, tại các tỉnh Nha Trang, Đà Nẵng, TP.HCM…
Đã có doanh nghiệp lữ hành thông báo mất 2.000 du khách mùa Tết Canh Tý 2020, vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Toàn bộ các doanh nghiệp du lịch đều đang trong tình trạng căng thẳng tột độ, vừa nâng cao cảnh giác phòng dịch bệnh cho khách hàng, vừa đàm phán với tất cả các bên liên quan để khắc phục, xử lý tình trạng khẩn cấp này.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - cho biết: “Sau khi có hai du khách được xác định chính xác là nhiễm virus Corona và đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trong chiều nay 24/1 (30 Tết), Sở Du lịch TP.HCM vừa ra thông báo chính thức hướng dẫn các doanh nghiệp Việt trên địa bàn tổ chức tour có khách đến từ vùng có dịch những biện pháp đề phòng dịch và xử lý; khuyến cáo các doanh nghiệp lữ hành quốc tế theo dõi sát tình hình sức khỏe của du khách khi đi tour tại TP.HCM và Việt Nam”.
Toàn bộ các khách sạn được Sở Du lịch yêu cầu phải kiểm tra, rà soát dịch vụ ăn uống, thông báo cho những bộ phận trực tiếp phục vụ các đoàn khách áp dụng các biện pháp xử lý khi khách có triệu chứng mắc bệnh. Doanh nghiệp lữ hành phải lưu ý cả việc đón khách quốc tế đến Việt Nam và đưa khách Việt đến các điểm đến có dịch hoặc có nguy cơ lan truyền dịch bệnh để bảo đảm an toàn cho khách và tránh lây lan dịch vào Việt Nam.
Saigon Tourist thông báo đã hủy các tour đến Trung Quốc có quá cảnh tại Vũ Hán. Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, doanh nghiệp có chuỗi nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ, doanh nghiệp lữ hành trên cả nước đã đề nghị tất cả các doanh nghiệp trong hệ thống theo dõi sát tình hình dịch bệnh để kịp thời thông báo cho du khách và có các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn cho du khách.
Thiệt hại không thể đo đếm hết
Ông Trần Thanh Vũ – Giám đốc Công ty Lữ hành Vinagroup cho biết Tết nguyên đán là mùa cao điểm khách Việt đi Trung Quốc, nhưng hiện nay vì tình hình dịch bệnh quá nóng, nên khách lo sợ, các tour đi Trung Quốc cận kề các ngày mùng 2, mùng 4 và mùng 6 Tết đều đang trong cảnh lay lắt như đèn treo trước gió. Khách đòi hủy tour nhưng quá cận ngày đi, Công ty chưa biết phải xử lý các chế độ hủy thế nào cho hợp lý.
Khám chữa cho bệnh nhân tại Bệnh viện Vũ Hán (Ảnh: REUTERS)
|
Cụ thể, chỉ có các chuyến bay từ TP. HCM đến thẳng sân bay Vũ Hán thì Jestar Airline mới đồng ý hủy và hoàn tiền, bởi vì sân bay Vũ Hán đã đóng cửa. Còn các chuyến bay trên China South Airline bay đến Trương Gia Giới (cách Vũ Hán 6 tiếng di chuyển bằng xe ô tô), thì vẫn hoạt động bình thường, cho đến hiện giờ sân bay chưa bị đóng cửa nên các tour này vẫn chưa nằm trong điều khoản bất khả kháng. Vì thế, hãng sẽ không hoàn tiền cho khách.
“Khách quá căng thẳng nên cứ đòi hủy tour đi Trung Quốc vào các ngày mùng 2 Tết, mùng 4 và mùng 6 Tết, nhưng như vậy thì phía Công ty chúng tôi sẽ bị thiệt hại rất nặng nề. Những ngày này điện thoại lúc nào cũng “cháy máy” đàm phán với phía Trung Quốc, nhưng nỗ lực cao nhất là chỉ có thể hủy được phòng khách sạn, và các dịch vụ tại điểm đến như thuê xe, chi phí ăn uống...
"Hơn nữa, hủy hay không cũng chưa có quyết định cuối cùng, vì khách cũng lưỡng lự nên rất khó cho chúng tôi khi đàm phán. Còn riêng vé máy bay thì vì quá gấp nên các hãng đều không có cơ chế hỗ trợ. Những ngày cận Tết Canh Tý, Tổng Cục Du lịch cũng phải họp nóng để xin ý kiến Chính phủ và quyết định một số chính sách khẩn cấp. Chúng tôi sẽ sớm xin ý kiến chỉ đạo để có thể ứng xử phù hợp với tình trạng cấp bách này và cũng giảm đỡ thiệt hại cho doanh nghiệp” – Ông Trần Thanh Vũ nói.