Du lịch đưa nông thôn trở thành "vùng quê đáng sống"
Sáng 10/12, tại Quảng Nam, Bộ VH-TT&DL phối hợp với Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn và Phiên họp thường niên Mạng lưới Làng Du lịch Tốt nhất của UN Tourism.
Hội nghị thu hút sự tham dự của hơn 300 đại biểu từ 50 quốc gia trên toàn thế giới, đại diện cho các cơ quan quản lý cấp quốc gia và địa phương các nước thành viên UN Tourism và Việt Nam, các tổ chức quốc tế, cộng đồng du lịch và khu vực tư nhân.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí Thư tỉnh uỷ Quảng Nam, cho biết hội nghị là cơ hội quý giá để tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”; thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa du lịch Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng với UN Tourism và các nước, các tổ chức thành viên, Làng Du lịch tốt nhất của UN Tourism.
Từ năm 2019, tỉnh Quảng Nam đã bắt đầu đưa ra thông điệp nhất quán về phát triển du lịch xanh, hướng đến yếu tố bền vững và sau đó trở thành địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh cấp tỉnh.
Ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, cho biết khu vực nông thôn Việt Nam đang sở hữu đa dạng các di sản văn hóa và thiên nhiên đặc sắc với nhiều giá trị đặc trưng khác biệt với khu vực đô thị. Đây là những tài nguyên quý giá góp phần thu hút khách du lịch về khu vực nông thôn và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
“Với hơn 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, Việt Nam đã quan tâm phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn, đem lại sự đa dạng trong cung ứng dịch vụ, thúc đẩy kết nối tour tuyến, mở rộng không gian đón khách về nông thôn”, ông Phong chia sẻ.
Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết thực tiễn những năm qua tại Việt Nam cho thấy, du lịch đã đóng góp không nhỏ việc làm thay đổi "bộ mặt" của nhiều vùng nông thôn, đưa nhiều vùng nông thôn hạn chế về điều kiện phát triển nhưng trở thành "vùng quê đáng sống", du lịch nông thôn không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn mà còn bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp góp phần thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng giữa người dân nông thôn và đô thị.
Ông Hồ An Phong cho biết như nhiều quốc gia đang phát triển, khu vực nông thôn của Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Đa số các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn ở vùng sâu, vùng xa của Việt Nam có quy mô nhỏ, lẻ, thiếu tính chuyên nghiệp, gặp khó khăn về hạ tầng giao thông và các điều kiện kinh tế xã hội khác, hạn chế về nguồn lực đầu tư; nguồn nhân lực và khả năng kết nối thị trường...
"Điều này đặt ra những yêu cầu trong việc định hướng tầm nhìn, tìm kiếm các giải pháp hiệu quả trong việc thực thi các chính sách phát triển du lịch nông thôn ở Việt Nam”, ông Phong nhấn mạnh.
Du lịch nông thôn, nền tảng cho sự phát triển bền vững
Bà Zoritsa Urosevic, Phó Tổng Thư ký UN Tourism chia sẻ Hội nghị là sự kiện mang tính bước ngoặc, là một cột mốc quan trọng của UN Tourism. Hội nghị là cam kết mạnh mẽ của Du lịch Liên Hợp Quốc, dưới sự lãnh đạo của Tổng thư ký Zurab Pololikashvili, trong việc ưu tiên phát triển nông thôn như nền tảng cho sự phục hồi và bền vững toàn cầu.
"Chương trình Du lịch Phát triển Nông thôn và Sáng kiến Làng Du lịch tốt nhất là minh chứng cho cam kết này”, bà Zoritsa Urosevic nói.
Theo bà Zoritsa, hội nghị không chỉ thảo luận các vấn đề thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn mà còn lan toả các giá trị, tiềm năng của du lịch như một nhân tố quan trọng có thể làm thay đổi cuộc sống, trao quyền cho cộng đồng nông thôn và thúc đẩy công bằng kinh tế- xã hội.
Tại hội nghị, các diễn giả từ cơ quan quản lý du lịch các quốc gia thành viên UN Tourism, các làng thuộc Mạng lưới Làng Du lịch Tốt nhất của UN Tourism, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia du lịch từ khu vực tư nhân, các học giả và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch nông thôn đã bàn chiến lược phát triển du lịch nông thôn trong bối cảnh mới.
Cụ thể, hội nghị tập trung vào các chủ đề chính, gồm: Chính sách cấp quốc gia và địa phương thúc đẩy du lịch phát triển nông thôn; Thu hút sự tham gia và trao quyền cho cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các điểm đến nông thôn.
Du lịch nông nghiệp - nông thôn tại Quảng Nam bắt đầu hình thành từ những năm 2010 và phát triển mạnh từ năm 2013.
Đến nay, trên 30% du khách đến Quảng Nam có trải nghiệm sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Nổi trội nhất là điểm du lịch Rừng dừa Bảy Mẫu - Cẩm Thanh, thành phố Hội An, thu hút gần 1 triệu lượt khách; Làng rau Trà Quế thu hút gần 25.000 lượt khách vào năm 2024.
Ngày 14/11/2024 tại Colombia, Quảng Nam vui mừng và vinh dự nhận được giải thưởng của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc công nhận Làng rau Trà Quế thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam là Làng Du lịch tốt nhất năm 2024.