Hiện, bệnh viêm phổi cấp đang có nguy cơ bùng phát thành dịch trên diện rộng với 9 trường hợp tử vong và 440 trường hợp mắc tại 13 tỉnh, thành phố ở Trung Quốc.
Một số nước trong khu vực đã ghi nhận các trường hợp bệnh nhân mắc viêm phổi cấp như: Thái Lan (2 trường hợp), Nhật Bản (1 trường hợp), Hàn Quốc (1 trường hợp).
Theo Bộ Y tế, mặc dù tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh viêm phổi cấp nhưng nguy cơ bệnh xâm nhập vào nước ta là rất lớn thông qua khách du lịch, người lao động nhập cảnh đến từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và các vùng có dịch về hàng ngày tại các cửa khẩu hàng không quốc tế là rất lớn, đặc biệt trong thời điểm gần Tết Nguyên đán với khí hậu đông xuân lạnh ẩm tạo điều kiện cho tác nhân gây bệnh sinh sôi, phát triển.
Đã có 440 người Trung Quốc nhiễm bệnh, 9 người đã chết, tình trạng bệnh lây sang các nhân viên y tế khiến dư luận rất lo ngại (Ảnh: Đa Chiều)
|
Để chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn nguy cơ bệnh viêm phổi cấp do nCoV mới xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế yêu cầu Cục Y tế Dự phòng thường xuyên cập nhật thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế, mạng lưới văn phòng đáp ứng khẩn cấp khu vực ASEAN.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu, cơ sở y tế, cộng đồng; tổ chức giám sát chặt chẽ bằng máy đo thân nhiệt từ xa, quan sát tình trạng sức khỏe đối với các hành khách nhập cảnh từ thành phố Vũ Hán và vùng có dịch; phát hiện sớm, cách ly và xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, không để bệnh lây lan ra cộng đồng; triển khai kế hoạch đáp ứng phòng, chống bệnh viêm phổi cấp với 3 tình huống diễn biến dịch bệnh tại các địa phương, đơn vị y tế.
Máy kiểm tra thân nhiệt. Ảnh: Bộ Y tế
|
Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chỉ đạo, đôn đốc tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trong hệ thống điều trị từ trung ương đến địa phương tăng cường giám sát để cách ly ngay các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, đặc biệt là những trường hợp từng cư trú hoặc đến từ thành phố Vũ Hán và vùng có dịch trong vòng 14 ngày.
Cùng với đó, Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur cần đẩy mạnh các hoạt động chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn cho các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tăng cường giám sát, điều tra dịch tễ, lẫy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm bảo đảm an toàn sinh học, chất lượng mẫu bệnh phẩm, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm mắc tại các cửa khẩu, cộng đồng và tại các cơ sở khám, chữa bệnh để thực hiện cách ly, xử lý sớm.
Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế kiểm tra thuốc tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Bộ Y tế
|
Theo Bộ Y tế, các bệnh viện phải chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng khu vực cách ly, phân khu điều trị, thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân. Từ đó, thực hiện nghiêm kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các bệnh viện, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế khi thăm khám sàng lọc, chăm sóc, điều trị các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh do chủng nCoV mới.
Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch đáp ứng với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng nCoV mới, sẵn sàng triển khai các hoạt động theo 3 tình huống trong kế hoạch của Bộ Y tế, tăng cường cường truyền thông trong các cơ sở khám, chữa bệnh; đẩy mạnh thực hiện giám sát viêm phổi nặng do virus, giám sát dựa vào các sự kiện tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cộng đồng để phát hiện sớm các chùm trường hợp mắc viêm phổi, các trường hợp mắc viêm phổi nặng, lấy mẫu xét nghiệm xác định các tác nhân gây bệnh nhằm đáp ứng nhanh khi dịch bệnh bùng phát.