Chấp nhận “cuộc chơi” quốc tế
Đâu là thành tựu nổi bật của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015, thưa ông?
Phải nói rằng, thành tựu lớn nhất là chúng ta đã tiếp tục giữ được ổn định kinh tế vĩ mô.
Điều này được thể hiện qua các con số như: tốc độ tăng trưởng GDP vượt kế hoạch (6,68%), tỷ lệ lạm phát thấp kỷ lục (0,6%), tỷ lệ nhập siêu được kiểm soát (2% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa),…
Kế đó, không thể không kể đến việc chúng ta đã hoàn tất được đàm phán song phương với Hoa Kỳ (tháng 7), cũng như đàm phán đa phương với 10 nước còn lại (tháng 11) về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Có nghĩa rằng hoàn tất đàm phán TPP là thành tựu kinh tế quan trọng thứ hai, chỉ sau ổn định kinh tế vĩ mô?
Đúng vậy. Điều này đã khẳng định một vị thế mới của nền kinh tế Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Nó khẳng định là Việt Nam chấp nhận và đã sẵn sàng chấp nhận đầy đủ những nguyên tắc của cuộc chơi quốc tế.
Đồng thời hàm ý rằng, công cuộc đổi mới kinh tế của Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là một công cuộc không thể đảo ngược và nó đang đi đúng hướng. Vấn đề đặt ra chỉ là nhanh hay chậm.
Thế còn thành tựu thứ ba, thưa ông?
Thành tựu thứ ba là chúng ta đã ổn định được lĩnh vực nông nghiệp.
Điều này chứng tỏ được cái nhìn của chúng ta về ổn định xã hội, cho thấy tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn đang đi đúng.
Quan trọng hơn cả, thông qua việc ổn định lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta đã rút ngắn được khoảng cách giàu nghèo, xét trên bình diện các nước có bối cảnh kinh tế tương đương với Việt Nam.
Những khoảng tối kinh tế
Đấy là những điểm sáng, còn khoảng tối thì sao, thưa ông?
Khoảng tối của 2015 chính là cơ cấu của nền kinh tế.
Hãy nhìn cơ cấu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2015.
Trong tổng số 162,4 tỷ USD giá trị xuất khẩu thì đã có đến 115,1 tỷ USD (71%) là của các doanh nghiệp FDI, tăng 13,8% so với 2014. Lớn quá!
Trong khi, tổng giá trị xuất khẩu của hơn 500.000 doanh nghiệp trong nước chỉ là 47,3 tỷ USD, giảm 3,5% so với năm ngoái. 100% nhập siêu của Việt Nam trong 2015 cũng lại đến từ khu vực doanh nghiệp trong nước.
Điều này chỉ ra rằng cơ cấu kinh tế, cơ cấu doanh nghiệp của chúng ta đang có “đại vấn đề”.
Khoảng tối thứ hai là vấn đề đầu tư công.
Việc sử dụng ngân sách của năm 2015 gắn với nợ công. Nó tạo tư tưởng trong dân rằng chúng ta thực hiện đầu tư công không hiệu quả.
Ví dụ như việc BOT quá nhiều tuyến quốc lộ. Điều này đã gây ra phản ứng rất lớn, không chỉ với người dân sở tại mà còn với cả các doanh nghiệp đang sử dụng những con đường này.
Một khoảng tối khác cần phải nói đến là một bộ phận công chức nhà nước vẫn quan niệm mình là cơ quan “cai trị” dân, chứ không phải là cơ quan “phục vụ” dân, chưa thực hiện đúng theo tinh thần của Hiến pháp 2013.
Ngoài ra, chất lượng người lao động cũng là một vấn đề của nền kinh tế Việt Nam, liên quan đến cả trình độ tay nghề lẫn ý thức kỷ luật. Điều này làm cho năng suất lao động của người lao động Việt Nam thấp hơn hầu hết các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, chứ chưa nói đến thế giới.
Đó đều là những khoảng yếu và tối của nền kinh tế trong năm 2015.
"Phải nhìn cả hai mặt của TPP chứ đừng có nhìn chỉ một mặt “tích cực” như chúng ta đã từng nhìn WTO"
TPP: Đừng chỉ có nhìn một mặt “tích cực” như đã từng với WTO
Ông đã bình chọn việc hoàn tất đàm phán TPP là thành công lớn thứ hai của nền kinh tế Việt Nam trong 2015. Nhưng nhìn lại quá khứ một chút, năm 2007, khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, cả nước cũng hừng hực khí thế; Tuy nhiên, đến lúc này, tổng kết lại, thành quả có lẽ đã không như kỳ vọng. Lần này, với TPP, cũng lại là một không khí hồ hởi và tràn đầy hy vọng nhưng liệu rằng kịch bản cũ có lặp lại, thưa ông?
Ở đây, chúng ta phải nói rằng, để đánh giá hoạt động kinh tế đối ngoại, tổng kết tiến trình mở cửa, nếu chỉ nhìn mỗi WTO thì chúng ta sẽ không phản ánh hết được thực trạng của đất nước.
Tôi cho rằng, chúng ta phải nhìn nó, bắt đầu từ bối cảnh của năm 1994 – khi nước Mỹ tuyên bố dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam. Đến năm 2000, khi có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hoa Kỳ, thì chúng ta thấy nền kinh tế nước ta đã khởi sắc như thế nào.
Đấy là những thành công rất lớn trong kinh tế đối ngoại, trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Còn năm 2007, khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO, cần phải nói thẳng thắn rằng, bản thân công tác truyền thông là chúng ta đã làm không tốt.
Thế cho nên nó đã tạo ra một không khí “nóng” quá mức cần thiết và nó làm cho mọi người hiểu rằng vào WTO là vào một “khu vườn toàn hoa thơm trái ngọt”. Mà quên mất một điều rằng, như các cụ đã nói, “thương trường là chiến trường”.
Tất nhiên, chúng ta cũng thấy rằng trong quá trình vào WTO, nó cũng không phải là chỉ có “trái đắng”.
Cái được nhất mà ai cũng thấy, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, là chúng ta đã thu hút được một lượng vốn FDI rất lớn và trên thực thế, chính lượng vốn FDI này đã trở thành “trụ đỡ” cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua.
Chúng ta thử tưởng tượng, nếu bỏ Samsung ra thì GDP Việt Nam như thế nào, cán cân thương mại thế nào (?!).
Vì thế cho nên, ngay trong năm 2016, khi TPP có hiệu lực thì chúng ta cần thấy rằng, phải nhìn cả hai mặt của TPP chứ đừng có nhìn chỉ một mặt “tích cực” như chúng ta đã từng nhìn WTO, để rồi nhận một kết quả không tốt như chúng ta kỳ vọng.
Ông có thể nhận diện và làm rõ một thách thức cụ thể khi chúng ta gia nhập TPP, như với mặt hàng dệt may chẳng hạn?
Hiện nay, Việt Nam đang là cường quốc xuất khẩu hàng dệt may thứ hai ở thị trường Mỹ, sau Trung Quốc, với giá trị xuất khẩu vảo khoảng 17 – 20 tỷ USD.
Thế giới đã dự báo rằng, với TPP thì sau tối đa 10 năm nữa, Việt Nam sẽ có thể tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ - một tốc độ tăng rất cao. Nhưng với điều kiện là phải đi từ sợi.
Sợi đó, nếu có nguồn gốc nội khối, được sản xuất từ bông của Mỹ, của Peru, từ nguyên vật liệu của Chile, Mexico… thì thuế suất sẽ bằng 0%. Nhưng nếu lại được nhập từ một nước ngoài TPP, như Trung Quốc, thuế suất sẽ vẫn là 12 – 13%, như bình thường.
Vấn đề ở đây, như người ta tính, nếu chúng ta thực hiện được cam kết đi từ sợi thì sẽ được lợi vô cùng, còn nếu không thực hiện được thì chúng ta sẽ vẫn giữ như bây giờ.
Và chúng ta giữ như bây giờ thì trong 5 năm nữa sẽ có một nhà xuất khẩu khác, chiếm mất thị trường này. Cơ hội đó nhưng cũng là thách thức!
Bốn việc quan trọng trong năm 2016
Hướng đến năm mới Bính Thân – 2016, ông có kỳ vọng gì, thưa ông?
Chúng ta có 4 việc quan trọng mà Đại hội Đảng vừa rồi cũng đã nêu ra. Việc đầu tiên là việc đấu tranh, phòng chống tham nhũng.
Đây mới là nhiệm vụ quan trọng nhất mà chúng ta phải làm trong năm 2016 này, cũng như các năm tiếp theo trong nhiệm kỳ của Đại hội Đảng 12.
Việc thứ hai là chúng ta phải giải quyết tốt vấn đề “tam nông”: Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn.
Nói nông nghiệp – nông dân – nông thôn thì nó phải bao gồm: (1) Công nghiệp hóa nông nghiệp mà cụ thể là công nghiệp hóa sản xuất nông nghiệp; (2) Quá trình đô thị hóa nông thôn; (3) Tạo việc làm cho nông dân.
Với 43 triệu nông dân hiện nay, trong quá trình công nghiệp hóa, mục tiêu đến năm 2030, chúng ta sẽ chỉ còn khoảng 10 triệu lao động trực tiếp trong nông nghiệp. Còn 30 – 35 triệu người chúng ta phải thu hút sang các ngành nghề khác.
Nếu chúng ta không giải quyết được nhiệm vụ này thì bất ổn xã hội, phân hóa giàu nghèo cũng bắt đầu từ đây.
Việc thứ ba mà chúng ta phải làm là phải tiếp tục nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Đổi mới mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ của cả 3 thành phần kinh tế: FDI, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.
Nhưng Nhà nước với tư cách là người sử dụng nhiều nhất tiền của dân thông qua đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước thì Nhà nước trước tiên phải thực hiện nhiệm vụ này cho thật tốt, không được trì hoãn, biện tránh bằng bất cứ lý do gì.
Vấn đề thứ tư là vấn đề quốc phòng an ninh, trong đó có vấn đề Biển Đông. Và nếu không thực hiện tốt nhiệm vụ này, lòng dân sẽ không yên.
Do đó, nó đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược, sách lược đối ngoại khôn khéo, mềm mỏng nhưng kiên quyết, lấy độc lập, tự chủ là yếu tố hàng đầu để giải quyết mọi vấn đề, đảm bảo độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ninh Giang (thực hiện)