Báo Nga: Việt Nam sẽ thay đổi nhịp độ cải cách sau Đại hội Đảng

Sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử tại Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ không dẫn đến sự thay đổi đường lối của đất nước trên chính trường quốc tế mà sẽ là sự thay đổi nhịp độ cải cách, Ria Nosvoti nhận định.
Tống Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tống Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đó là nhận định của quan sát viên chính trị nổi tiếng và giảng viên Đại học Tổng hợp, Tiến sĩ Nitipum Navaratna, trong cuộc trao đổi với RIA Novosti. Thay đổi ban lãnh đạo không phải là thay đổi đường lối, mà là thay đổi nhịp độ, chuyên gia khoa học chính trị Thái Lan nhận định.

Theo ông Navaratna,  việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử cũng không có nghĩa là Việt Nam thay đổi phương hướng trên trường quốc tế và vũ đài khu vực. Hẳn chỉ là sự thay đổi về nhịp độ: Đại hội đã quyết định rằng đất nước theo đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa giải và bắt tay làm ăn với Mỹ, vốn là cựu thù trong cuộc chiến tranh Đông Dương và sẽ có quan điểm kiên quyết  hơn với Trung Quốc trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. 

Chuyên gia khoa học chính trị Thái Lan lưu ý thêm rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhân vật nổi tiếng trung thành với nguyên tắc tập trung dân chủ và phương thức tập thể lãnh đạo, có thái độ bình tĩnh về cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Ông Nguyễn Phú Trọng là người có học vấn cao, từng tốt nghiệp khóa nghiên cứu sinh của Học viện KHXH thuộc BCH TƯ đảng Cộng sản Liên Xô vào năm 1982 và là Giáo sư Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhà lãnh đạo chính trị uyên thâm như ông Nguyễn Phú Trọng chắc sẽ không làm ảnh hưởng tới kết quả thành công qua nhiều năm công tác của ban lãnh đạo trước, những thành tựu mà trong đó có phần đóng góp của bản thân ông.

Thực trạng kinh tế khách quan cũng thúc đẩy Việt Nam tiếp tục đường lối trước đây, chuyên gia Thái Lan nhận xét.  Nền kinh tế Việt Nam hiện đang ở  vị thế  rất thuận lợi trong mối quan hệ với các quốc gia khác của khu vực Đông Nam Á, thí dụ như Thái Lan và Malaysia. Tại Việt Nam, mức lạm phát là 2% một năm, nhịp độ tăng trưởng GDP ở mức 5,5% mỗi năm. Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã cùng lúc tham gia hai Khu vực thương mại tự do, đó là FTA cùng với Liên minh kinh tế Á-Âu và Hiệp định Đối tác Thái Bình Dương (TPP), trong tương lai gần dự kiến ​​ký văn bản thỏa thuận về FTA cùng với Liên minh châu Âu.

Trong số các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, không một nước nào có được qui chế ưu đãi thương mại toàn diện trên thị trường thế giới như Việt Nam. Khối lượng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng ngày càng tăng, và vượt trên hầu hết là đầu tư từ Trung Quốc và các nước ASEAN, trong đó có Singapore và Thái Lan.

"Bây giờ, các công ty như của Thái Lan chẳng hạn, chuyên sản xuất hàng hoá cho thị trường Mỹ, đều thấy sẽ có lợi hơn khi triển khai sản xuất trên địa bàn Việt Nam, bởi sẽ có chứng nhận xuất xứ từ một quốc gia thành viên của Đối tác Thái Bình Dương, để các sản phẩm hàng hóa đó có thể bán chạy ở Mỹ mà hầu như miễn thuế", học giả Thái Lan phân tích.

Ông lưu ý rằng người Việt Nam không chỉ là một dân tộc của những người lính thiện chiến như đã chứng tỏ bằng chiến thắng Mỹ trong cuộc chiến tranh Đông Dương, mà người dân Việt Nam còn là thành viên của một trong những đất nước xúc tiến thương mại thành đạt  nhất trong lịch sử châu Á. Và người Việt Nam không bao giờ bỏ lỡ lợi ích thương mại từ chính sách kinh tế do ban lãnh đạo tiền nhiệm khởi xướng và sẽ chuyển giao di sản cho những nhà quản lý mới.

Tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc vẫn tiếp diễn nhưng không leo thang căng thẳng, nhà khoa học chính trị Thái Lan dự đoán. Đây là vấn đề lâu dài, không thể giải quyết đơn phương hay tức thời, mặt khác cũng không ngăn cản sự phát triển quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước,  học giả Navaratna nhận xét. "Trong những năm gần đây đã xảy ra những đợt bùng phát xung đột kèm với những phát ngôn cứng rắn của cả hai bên, cộng thêm yếu tố sự xích gần của Việt Nam với Mỹ khi người Mỹ  nhận thấy Việt Nam như một đồng minh tiềm năng để kiềm chế ảnh hưởng chính trị và quân sự chiến lược của Trung Quốc tại Đông Nam Á".

Tuy nhiên, suy tính  tất cả những lợi ích hứa hẹn từ sự hỗ trợ của Mỹ, Việt Nam dưới thời ban lãnh đạo mới sẽ không dịch chuyển quá nhanh theo hướng tạo lập quan hệ đồng minh như người Mỹ trông đợi, hoặc đẩy leo thang căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ, mà hẳn là sẽ tìm kiếm và thiết lập quan hệ cân bằng với ảnh hưởng của cả Trung Quốc và Mỹ, học giả Thái Lan đánh giá.

"Thúc đẩy những  thành công hơn nữa của Việt Nam là đường lối độc lập, tự chủ chính trị và trên hết tuân thủ tiếp tục hợp tác trên bình diện an ninh khu vực với các nước khác thành viên của ASEAN,  cũng như tiếp nối và tăng cường liên hệ hữu nghị lâu dài với Liên bang Nga.  Nước Nga đang mạnh mẽ  phục hồi phong độ và giành lại vị thế dẫn đầu trong các tiến trình toàn cầu và vũ đài khu vực, và nhất quán  duy trì quan điểm trung lập với vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông", tiến sĩ Nitipum Navaratna kết luận.

Theo Sputnik