Việt Nam sở hữu vũ khí mới, tăng sức mạnh răn đe trên Biển Đông
VietTimes -- Tiến sĩ Wu Shang-su - hội viên nghiên cứu của trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam đã có những phân tích về tình hình quân sự Việt Nam, ông cho rằng Việt Nam đang muốn có một sức mạnh răn đe đối với những vấn đề địa chính trị mà đất nước đang phải đối mặt ở cả trên đất liền và Biển Đông, chuyên trang địa chính trị RCL cho biết.
Vào ngày 5.3, tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đã cập cảng Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên kể từ sau năm 1975, một tàu chiến Mỹ neo tại cảng Việt Nam trong một chuyến thăm chính thức mang tính lịch sử.
Chuyến viếng thăm của tàu USS Carl Vinson gợi lại cho người ta những nỗ lực của Việt Nam để cân bằng những quyền lực chi phối trong khu vực. Mong muốn có sức mạnh để thực hiện chiến lược răn đe liên quan tới những người bạn mới và cả những kẻ thù cũ.
Hiện trạng quân sự của Việt Nam đã có một thời gian dài nằm trong ảnh hưởng dưới bóng của các siêu cường. Trong 30 năm qua, Việt Nam đã phải đối mặt với hai thách thức lớn: sự sụp đổ của Liên Xô, và sức mạnh quân sự của các nước lớn trong khu vực đang tăng lên mạnh mẽ. Mặc dù hai điều này đã ảnh hưởng trong nhiều thế hệ lãnh đạo khác nhau của Việt Nam, nhưng tới giờ nó vẫn là vấn đề lớn trong kế hoạch quốc phòng của Hà Nội.
Giống như hầu hết các nước CNXH trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, Việt Nam nhận được viện trợ quân sự lớn từ Liên Xô. Theo địa chiến lược tại Việt Nam, Liên Xô tập trung vào củng cố sức mạnh cho lục quân Việt Nam. Khi đó Liên Xô coi hải quân là thứ yếu nên đã không viện trợ tàu ngầm cho Việt Nam. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Việt Nam đang ở trong thời kỳ đổi mới và việc duy trì, bảo dưỡng những vũ khí đang có trở thành một gánh nặng lớn.
Hải quân đánh bộ Việt Nam trong một cuộc diễn tập
Tên lửa Klub-S trang bị cho tàu ngầm Kilo của Hải quân Việt Nam
Chiến hạm Molniya của Việt Nam khai hỏa phóng tên lửa diệt mục tiêu trên biển
Chiến đấu cơ Su-30MK2 Không quân Việt Nam phóng tên lửa trong một cuộc diễn tập
Với những thành quả đạt được từ khi thay đổi cơ cấu kinh tế, tới giữa những năm 1990, Việt Nam đã có nguồn tài nguyên để hiện đại hóa. Việc sử dụng những nguồn tài nguyên này như thế nào cần phải cân nhắc tới những yếu tố địa chính trị xung quanh.
Trong những năm 1990, những quan hệ không thân thiện đã được cải thiện khi có những hòa giải về biên giới trên đất liền và lãnh hải ở vịnh Bắc Bộ. Nhưng khi các mối quan hệ về chính trị ấm dần lên thì quân đội của những nước mạnh trong khu vực cũng hiện đại hóa nhanh chóng, trong khi Việt Nam vẫn sở hữu những loại vũ khí lạc hậu từ thời Liên Xô.
Những tranh chấp về lãnh hải đã gây ra nguy cơ xung đột trên Biển Đông. Việt Nam đã tập trung nguồn lực để hiện đại hóa khả năng của hải quân và không quân trong cả một thập kỷ. Khoảng 2008-2012, Việt Nam đã ký kết nhiều hợp đồng mua vũ khí lớn như tàu ngầm, tàu khu trục nhỏ, máy bay chiến đấu... từ Nga, Canada, Hà Lan, Mỹ và Nhật Bản. Nhưng tham vọng của một số nước trong khu vực với Biển Đông là một yếu tố khiến Việt Nam cần thay đổi sự tập trung vào chiến lược hàng hải và tăng đầu tư vào hải quân và không quân.
Theo chuyên gia Wu Shang-su, với việc sở hữu những vũ khí mới, vị thế của Việt Nam tại Biển Đông khi đối mặt với kẻ thù đã bớt rủi ro hơn trước đây. Nhưng ngay cả việc hiện đại hóa này cũng là một tình huống phức tạp: Liệu Việt Nam nên tiếp tục tập trung đầu tư vào hải quân và không quân hay đầu tư vào lục quân?
Trang RCL đánh giá, những vũ khí của quân đội Việt Nam có từ thời Chiến Tranh Lạnh hiện đã lạc hậu vì khả năng yếu kém trong chiến tranh trên đất liền. Việt Nam vẫn duy trì hệ thống quốc phòng trên đất liền bao gồm bộ đội chính quy, lực lượng biên phòng và dân quân. Nhưng nếu không có những thay đổi thực tế, quân đội Việt Nam sẽ càng thiếu năng lực hơn so với những nước lớn trong khu vực và đây sẽ là rủi ro lớn về mặt chiến lược.
Các nước khác có thể làm ảnh hưởng tới Việt Nam bằng cách tập trận hay triển khai quân gần biên giới Việt Nam mà không gây xung đột trực tiếp. Việc hiện đại hóa Quân đội nhân dân Việt Nam có thể sẽ tạo ra những hiệu ứng răn đe, RCL nhận định.
Tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam.
Theo giới phân tích, sức mạnh của Hải quân và Không quân Việt Nam có thể chưa đủ để đối phó với những bất ngờ xảy ra trên Biển Đông. Việt Nam vẫn thiếu tài nguyên để đối đầu trực tiếp với các nước mạnh. Và những sự biến trên Biển Đông sẽ gia tăng áp lực với vị thế chiến lược của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam đang đẩy mạnh các mối quan hệ với New Delhi, Tokyo và Washington. Ví dụ rõ ràng nhất là việc tổng thống Mỹ Barack Obama đã dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào năm 2016. Việt Nam đã ký kết hiệp định đối tác chiến lược với một số quốc gia quan trọng nhằm tạo thế cân bằng.
Dù có sự phát triển kinh tế ấn tượng trong 3 thập kỷ qua nhưng Việt Nam vẫn thiếu nguồn tài nguyên để hiện đại hóa về quân sự cả trên bộ lẫn trên biển và những dự án cơ sở hạ tầng nội địa cũng là thách thức về mặt tài chính. Cải thiện quan hệ Việt - Mỹ sẽ đưa ra thêm nhiều lựa chọn để thay đổi di sản quân sự Việt Nam kể từ thời Liên Xô, đặc biệt trong lĩnh vực giám sát hàng hải.
Theo RCL, tình hình quốc phòng của Việt Nam đang đối mặt với một tương lai phức tạp với gánh nặng lịch sử được đặt trên vai những người hoạch định chính sách. Với những sự cạnh tranh đang tăng cao của Mỹ và nhiều quyền lực trong khu vực, chính sách quốc phòng của Việt Nam sẽ cần được xây dựng một cách thận trọng và xem xét kỹ lưỡng trong bối cảnh cuộc ganh đua của các siêu cường.