Việt Nam là 1 trong 11 quốc gia được chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tối 23/2, tại Geneva, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA theo sáng kiến của WHO cho Việt Nam, Bangladesh, Indonesia, Pakistan và Serbia.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh - Trần Minh)
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh - Trần Minh)

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ niềm vui khi Việt Nam được lựa chọn để tiếp nhận công nghệ sản xuất vaccine mRNA. Điều này cho thấy WHO đánh giá cao năng lực của Việt Nam để trở thành trung tâm sản xuất vaccine tại khu vực.

Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các nhà sản xuất vaccine trong nước trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ vaccine mRNA.

Thông tin với các điểm cầu dự lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Việt Nam là nước đang phát triển nhưng đã có nhiều kinh nghiệm trong phát triển vaccine trong nhiều thập kỷ qua, hệ thống quản lý chất lượng vaccine quốc gia (NRA) của Việt Nam cũng đã được WHO công nhận. Chúng tôi tin tưởng rằng khi tham gia sáng kiến này, Việt Nam không những làm chủ được công nghệ vaccine mRNA để sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước, mà còn cung cấp cho các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần khắc phục sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine”.

Các đại biểu dự buổi công bố tại điểm cầu trụ sở WHO (Ảnh Trần Minh)

Các đại biểu dự buổi công bố tại điểm cầu trụ sở WHO (Ảnh Trần Minh)

"Với năng lực và sự nhiệt huyết của các nhà sản xuất cũng như quyết tâm của Chính phủ, Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của WHO và các đối tác để có thể làm chủ và cập nhật công nghệ vaccine mRNA trong tương lai, qua đó sẽ đóng góp vào việc tăng cường năng lực sản xuất vaccine ở khu vực, góp phần vào các nỗ lực bảo đảm an ninh y tế quốc gia và khu vực"- ông Long nói.

Công nghệ vaccine mRNA là công nghệ tiên tiến, cho phép cập nhật các biến chủng và sản xuất với số lượng lớn do đó không chỉ có ý nghĩa trong phòng chống đại dịch COVID-19 mà còn giúp chủ động ứng phó với các đại dịch khác trong tương lai.

Trước đó, ngày 18/2, tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Liên minh châu Phi, Tổng Giám đốc WHO đã thông báo 6 nước đầu tiên đều ở châu Phi gồm Ai Cập, Kenya, Nigeria, Senegal, Nam Phi và Tunisia được thiết lập dây chuyền sản xuất vaccine công nghệ mRNA từ trung tâm vaccine mRNA toàn cầu của WHO, nhằm đảm bảo khu vực này có thể tự sản xuất vaccine ngừa COVID-19 cũng như các dịch bệnh khác.

Như vậy, với việc WHO công bố thêm 5 nước ngày 23/2, đến nay đã có 11 nước, trong đó có Việt Nam, được nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA theo sáng kiến của WHO.